Hiệu Ứng Tâm Lý - Vì sao thật khó để một người dám thừa nhận rằng mình đã sai?

 

Là con người, tất cả chúng ta đều phạm  những sai lầm thường xuyên trong cuộc đời. Một số sai lầm thì rất nhỏ, chẳng hạn như “Chúng ta không cần phải dừng lại cửa hàng để mua thêm sữa bởi vì ở nhà vẫn còn đủ” và kết quả khi bạn về nhà thì bữa sáng hôm sau bạn đã không có sữa. Một số sai lầm thì lớn hơn, ví dụ như “Đừng giục tôi, chúng ta còn khối thời gian để ra sân bay trước khi chuyến bay xuất phát cơ mà” và kết quả là bạn bị trễ chuyến bay cùng với việc phải đóng thêm tiền phí đổi vé. Thậm chí, một số sai lầm thì nghiêm trọng chẳng hạn như bạn làm chứng nhầm dẫn đến việc một người vô tội phải ngồi tù, “Tôi biết lúc đó trời đang mưa và tối mịt, nhưng tôi chắc chắn là đã nhìn thấy người đàn ông đó đột nhập vào căn nhà bên kia đường và gây ra tội ác.” CÁCH CHÚNG TA THƯỜNG PHẢN ỨNG KHI MẮC SAI LẦM “Về tâm lý, không ai thích thừa nhận rằng mình là người làm sai. Bởi lẽ, đó là một trải nghiệm khó chịu về mặt cảm xúc đối với tất cả chúng ta.” Câu hỏi đặt ra: vậy chúng ta sẽ phản ứng như thế nào khi sự thật là hóa ra chúng ta đã mắc sai lầm? Chẳng hạn như bạn đã không có đủ sữa cho cafe vào bữa sáng, không nghe lời thúc giục ra sân bay nhanh chóng để rồi lỡ chuyến bay, hoặc là khi ta nhận ra người đàn ông phải ngồi tù năm năm dựa vào sự nhận diện nhầm của ta đã hoàn toàn vô tội?

Thông thường, sẽ có 3 nhóm người phản ứng như sau-

– Thứ nhất: Thừa nhận mình sai! Một số trong chúng ta sẽ thừa nhận mình đã sai và nói “Ồ, bạn đã đúng. Chúng ta lẽ ra nên có nhiều sữa hơn. Lần sau tôi sẽ phải rút kinh nghiệm.” hoặc là “Tôi chủ quan quá, lẽ ra tôi phải khẩn trương ra sân bay cho kịp giờ”, hay “Tôi thật hối hận vì việc làm chứng sai lầm đã khiến cho người khác phải trả giá.” Thế nhưng thực tế trong cuộc sống thì cách này không nhiều người làm. (Chúng ta sẽ bàn kỹ hơn ở phần sau bài viết).

– Thứ hai: Đổ lỗi và viện cớ! Có những người ngầm hiểu là mình đã sai, thế nhưng họ sẽ không thể hiện rõ ràng hoặc tìm một lý do có vẻ chính đáng để làm thỏa mãn người khác. Chẳng hạn như đổ lỗi cho việc đến trễ sân bay bởi vì giao thông đột ngột tệ bất thường trong ngày hôm đó. Điều này bạn sẽ bắt gặp rất nhiều trong cuộc sống, ví dụ như đối với những người trễ hẹn, trễ deadline, trễ báo cáo, hay như khi họ làm không tốt một điều gì đó, họ sẽ tìm một lý do thật “đẹp đẽ” để biện minh cho bản thân, theo kiểu hôm nay tắc đường / kẹt xe quá, hôm nay nhà mình có việc đột xuất, hôm nay bla bla. Những người phản ứng theo cách này không thiếu gì trong cuộc sống.

– Thứ ba: Không chịu thừa nhận! Đây là cách mà bạn sẽ thấy ở rất nhiều người, họ không chịu thừa nhận rằng họ sai, thậm chí ngay khi đã có bằng chứng chứng minh điều đó. Chẳng hạn như người đàn ông vô tội phải ngồi tù được thả vì bằng chứng xét nghiệm DNA và lời thú tội của kẻ tội phạm. Thế nhưng, người mắc sai lầm nhận nhầm người vẫn có thể khẳng định rằng “Thật nực cười! Người đó chính là hắn! Tôi đã nhìn thấy hắn!”

Hai nhóm người đầu có lẽ đã trở nên quen thuộc với hầu hết chúng ta, bởi vì đó là những phản ứng điển hình của một người với lỗi sai của mình. Chúng ta chấp nhận trách nhiệm toàn phần hoặc một phần (mặc dù đôi khi là một phần rất nhỏ). Thế nhưng những người này không chống lại những hiện thực hiển nhiên trên thực tế rằng họ đã sai. Những người vẫn có ý thức rằng họ đã sai thì nhiều khả năng họ sẽ có thể rút ra được những bài học để thay đổi bản thân tốt đẹp hơn trong những lần sau. Và tỷ lệ thành công của những người này sẽ cao hơn.

Thế nhưng đối với nhóm người thứ ba thì sao? Điều gì khiến một người chống lại những sự thực? Động cơ tâm lý nào đã khiến họ không thể thừa nhận rằng họ đã sai, ngay cả khi điều đó quá rõ ràng? Và thậm chí là tại sao điều này lại xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần? Câu trả lời liên quan đến cái tôi – sự nhận thức bản thân của họ.

Đối với người có lòng tự trọng thấp (fragile ego), một cái tôi dễ tổn thương, và một “thể trạng tâm lý” yếu đuối, thừa nhận mình đã sai về cơ bản là quá đáng sợ đối với họ. Việc thừa nhận rằng mình đã sai, chấp nhận sự thật đã xảy ra có thể khiến họ suy sụp tinh thần. Khi ấy, cơ chế tự vệ sẽ làm bất kỳ điều gì để chống lại điều này và một trong số đó chính là việc họ bóp méo nhận thức của mình về thực tế đã xảy ra để làm cho nó bớt đáng sợ hơn. Với “cái tôi” yếu đuối và dễ tổn thương, họ đành bảo vệ nó bằng cách thay đổi những sự thật trong tâm trí để chứng minh rằng mình không sai hay không có lỗi.

Quay trở lại các ví dụ trong bài, nhóm người thứ ba này sẽ bóp méo sự thật và không chấp nhận mình sai. Chẳng hạn như họ sẽ nghĩ ra những lời tuyên bố như “Tôi đã kiểm tra sáng nay, và lúc đó có đủ sữa nên tôi mới quyết định không mua thêm sữa. Chắc chắn một ai đó đã uống hết.” Thế nhưng, khi được chỉ ra là không có ai ở nhà sau khi họ rời đi buổi sáng hôm đấy để uống hết sữa họ cố chấp và lặp lại, “Chắc chắn đã có người làm chuyện đó, bởi vì tôi đã kiểm tra, và lúc đó đang còn sữa. Có vẻ như vài con ma đã đột nhập vào nhà, uống hết sữa và rời đi không để lại dấu vết.” Hoặc câu chuyện về người đàn ông đã làm chứng sai lầm về việc nhận diện tên trộm. Nếu là nhóm người thứ ba, họ sẽ khăng khăng rằng họ nhận diện đúng tên trộm có vào nhà bất chấp bằng chứng DNA và lời thú nhận của một người khác phủ nhận điều đó. Khi ấy, nếu bị đối chất thì họ sẽ tiếp tục nhấn mạnh những quan điểm để làm giảm giá trị các bằng chứng, chẳng hạn như “Những phòng xét nghiệm DNA này có bao giờ chính xác đâu. Hơn nữa, quan tòa không thể tin lời thú nhận của một tên phạm tội khác được! Tại sao quan tòa lại luôn đứng về phía họ như vậy?” ĐỪNG LÀ MỘT NGƯỜI “MONG MANH DỄ VỠ”

Tâm lý học chỉ ra rằng những người liên tục hành xử theo cách không chấp nhận mình sai được định nghĩa là người dễ tổn thương tâm lý (psychologically fragile), hay như cách nói của người Việt chúng ta là nhóm người “mong manh dễ vỡ”. Tuy nhiên, điều đáng nói là những người này thường không bao giờ chấp nhận rằng họ là người có lòng tự trọng thấp. Ngược lại ở vẻ bề ngoài, họ luôn tỏ ra rằng mình rất tự tin, giữ vững lập trường và không chấp nhận lùi bước khi tranh luận – những biểu hiện thể hiện sức mạnh. Thế nhưng, vẻ cứng nhắc về tâm lý bên ngoài không phải là dấu hiệu của sức mạnh, thay vào đó đây hoàn toàn là biểu hiện của sự yếu đuối. Kỳ thực, những người này không lựa chọn kiên định giữ vững lập trường, điều họ làm chẳng qua chỉ là để bảo vệ “cái tôi” yếu đuối của mình một cách miễn cưỡng. Thừa nhận rằng mình sai không dễ chịu chút nào khi nó làm tổn thương đến lòng tự trọng của bất kỳ ai. Cho nên, những người dám đối mặt thực tế và chấp nhận lỗi lầm thuộc về mình cần phải có một sự dũng cảm và tinh thần mạnh mẽ. Con người ta không có ai hoàn hảo cả, ai rồi cũng sẽ mắc những sai lầm trong cuộc đời. Thế nhưng, một người dám dũng cảm nhận mình sai lầm, một người dám dũng cảm thừa nhận khuyết điểm của mình, một người không sợ việc người khác biết rằng họ đã sai lầm, đó là một người mạnh mẽ. Hay nói cách khác, đó là một người có lòng tự trọng rất cao. Hầu hết chúng ta sẽ khó nuốt trôi cảm xúc ái ngại, thậm chí là xấu hổ khi phải thừa nhận mình sai, nhưng sự thật thì chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được điều này.

Cuộc đời luôn luôn có nhiều thử thách, để có thể trưởng thành, hãy là một người có lòng tự trọng cao. Đừng vì sĩ diện bản thân nhất thời mà bạn đánh mất đi cơ hội hoàn thiện chính mình. Một người luôn đổ lỗi, viện cớ hoặc không chịu chấp nhận mình sai sẽ không bao giờ có thể phát triển tốt đẹp lên được.

Chỉ có những người có lòng tự trọng rất cao, sẵn sàng “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”, dám chấp nhận và đối mặt với những sai lầm mới có thể biến sai lầm hoặc thất bại thành bài học kinh nghiệm để thành công trong tương lai.

Cho nên, nếu muốn đạt được thành công, thì tốt hơn đó là đừng trở thành một người “mong manh dễ vỡ”. LÀM THẾ NÀO ĐỂ HÀNH XỬ VỚI NHỮNG NGƯỜI “KHÔNG CHỊU THỪA NHẬN MÌNH SAI”? Mặc dù những phân tích tâm lý đã chỉ ra như vậy, thế nhưng vẫn có những người không thể thừa nhận mình sai hoặc chấp nhận việc họ có thể mắc sai lầm trong cuộc đời. Nguyên nhân là bởi vì những người này có cái tôi lớn và dễ tổn thương đến mức họ không thể nào chấp nhận được sự thật và không đủ mạnh mẽ để vượt qua nó. Từ đó dẫn đến việc họ cần phải bóp méo nhận thức về thực tế của mình và ngay lập tức nghi ngờ những sự thật hiển nhiên để tự bào chữa cho chính mình. Có lẽ sẽ không dễ chịu khi cuộc sống của bạn phải đối mặt với những người này. Thậm chí họ có thể làm cho bạn cảm thấy khó chịu, hoặc rất khó chung sống hay hợp tác làm việc cùng. Thế nhưng, bí quyết để hành xử với những người này phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của chúng ta đối với họ. Một sai lầm mà nhiều người thường gặp đó là cho rằng họ là những kẻ cứng đầu hay bảo thủ. Hay cho rằng việc họ cứ luôn khăng khăng chối cãi thể hiện sự ngang ngược. Thực ra họ không đáng sợ, mà họ đáng thương. Bởi vì, sự thật thì họ vô cùng “mong manh” và dễ bị tổn thương yếu đuối. Cho nên, có lẽ nếu bạn là một người đầy mạnh mẽ, hãy chấp nhận và cảm thông cho họ. Sức mạnh cơ bắp là thứ bạn có thể thấy rõ rằng có những người rất khỏe mạnh nhưng cũng có những người thể trạng lại yếu kém. Sức mạnh tinh thần cũng tương tự như vậy, có những người vô cùng mạnh mẽ và ngược lại cũng có người yếu đuối. Cho nên, hãy cứ là một người mạnh mẽ, còn những người yếu đuối, rồi cuộc đời sẽ dạy cho họ những bài học cần phải học. Có những người lớn về thể xác theo năm tháng nhưng mãi mãi không trưởng thành về tâm hồn.

Ai rồi cũng phải sống cho cuộc đời của mình, cho nên lựa chọn như nào hệ quả như thế.

Kết luận: “Cuộc đời vốn dĩ không dễ dàng, và bản thân bạn vốn dĩ không hoàn hảo. Cuộc đời có thể làm cho bạn mắc sai lầm, thậm chí là những sai lầm đắt giá. Thế nhưng, hãy là một người có lòng tự trọng cao để có đủ sức mạnh chấp nhận sai lầm, vượt qua sóng gió và tiến về phía trước. Và tốt nhất, đừng là một người “mong manh dễ vỡ”.


Nguồn: tamly.blog

Sưu tầm: Tuyết Lang – P. KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo