Hoàn thiện bản thân (P18: Tư duy cùng thắng P2)

 

Trong một thế giới toàn cầu hóa như ngày này thì mối quan hệ chủ đạo là Tư duy cùng thắng. Nếu tôi không cạnh tranh được với anh thì tôi có thể hợp tác với anh vì anh không thể giỏi tất cả mọi thứ. Ngay cả trong một cuộc thi, khi tôi thua anh tôi không cay cú mà tôi học hỏi từ anh, lấy anh làm mục tiêu phấn đấu,…

Cho dù mỗi tư duy đều có chỗ thích hợp để dùng nhưng nếu bạn xây dựng cho mình một tư duy cùng thắng thì cơ hội của bạn sẽ nhiều hơn.

Để xây dựng cho mình tư duy cùng thắng ta theo các bước sau:

1. Nhận thức ích lợi của tư duy cùng thắng 

Nhận thức thường thể hiện bằng thói quen trong suy nghĩ từ đó dẫn tới hành động. Bạn chỉ cần quan sát các suy nghĩ nảy sinh trong đầu mình là dễ dàng biết mình thuộc tuýp người gì. Các loại tư duy được liệt kê ở entry trước; bạn sẽ thuộc một trong số đó.

Đầu tiên bạn phải thấy rằng Tư duy cùng thắng mang lại nhiều lợi ích hơn so với loại tư duy mà bạn đang sở hữu. Phải củng cố thật vững chắc vì bạn sẽ liên tục bị cám dỗ bởi những lợi ích trước mắt.

Ngày nay, người giỏi hơn mình, công ty mạnh hơn mình, đất nước giàu hơn mình thì nhiều lắm. Mình cứ thắng thua với họ thì chỉ thiệt mình; thà thắng ít còn hơn là thua nhiều. Kẻ giỏi thường không cố thắng thua với kẻ kém hơn mình; chỉ có kẻ kém là hiếu thắng thôi.

Khi tiếp cận theo hướng có một lựa chọn có lợi cho cả hai bên thì tầm nhìn của bạn sẽ mở rộng hơn, bạn sẽ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn, nhiều giải pháp hơn. Các mối quan hệ cũng tốt hơn. Mọi tư duy quan hệ khác đều có người lợi người thiệt, chỉ có tư duy cùng thẳng là cả làng được lợi.

2. Xây dựng tính cách cùng thắng

Tính cách là một hệ thống các thái độ hình thành các hành vi của con người khi đối diện với những thực tại khách quan. Các tính cách sau cần được hình thành:

– Tính chính trực:

Là khả năng nhìn nhận cái gì đúng cái gì sai và tuân thủ thực hiện theo những cái đúng bất chấp các cám dỗ.

Chính trực khác với khả năng minh định, minh định là việc nhìn ra đúng sai nhưng chưa chắc đã hành xử theo vế đúng.

Chính trực cũng khác với “máy móc, cứng nhắc”. Máy móc là việc thực hiện lặp đi lặp lại một hành động bất chấp hoàn cảnh khác nhau.

Để chính trực thì bạn phải là người hành xử theo lý trí. Sở dĩ nói vậy vì con người ta thường bị dẫn dắt theo cảm xúc hoặc không giữ được quan điểm đúng của mình khi bị tác động từ bên ngoài.

Cần tính chính trực vì nó sẽ dẫn dắt bạn hành xử những thứ đúng đắn mà không vì thắng thua nhất thời. Nó giúp xây dựng sự tin cậy của người đối diện nhờ vậy họ tin rằng ta cũng mong họ thắng như chính họ vậy.

– Sự chín chắn:

Là sự kết hợp giữa lòng Can đảm và sự Cân nhắc.

Cân nhắc là kiểu suy đi tính lại, nhấc lên đặt xuống, cẩn thận. Can đảm là dũng cảm là hành động bất chấp sợ hãi. Một người quá cân nhắc mà thiếu can đảm thì sẽ thuộc về tư duy Thua – Thắng. Nếu quá can đảm mà thiếu cân nhắc thì sẽ thuộc về tư duy Thắng-Thua. Mình phải thắng, mình không cần biết mình có khả năng thắng được hay không nhưng mình vẫn cứ phải thắng.

Vừa thiếu can đảm vừa thiếu cân nhắc thì thuộc về tư duy Thua – Thua. Tôi không thể thắng được nhưng bạn cũng không được thắng vì nếu bạn thắng thì tôi sẽ cảm thấy bất an.

Một người có tư duy cùng thắng sẽ vừa can đảm và cân nhắc. Đó là sự chín chắn. Là sự chín muồi trong suy nghĩ, hành động cẩn trọng nhưng không rụt rè sợ hãi.

– Sự rộng lượng

Rộng lượng xuất phát từ nhận thức rằng thế giới này đủ của cải cho tất cả mọi người. Cái bánh có thể to hơn hoặc nhỏ đi; vì vậy anh được một miếng bánh to hơn không có nghĩa là miếng bánh của tôi bé đi. Nếu như cả hai cùng hợp tác để cùng thắng thì cả hai sẽ được miếng bánh to hơn.

Trái nghĩa với rộng lượng là hẹp hòi. Người hẹp hòi quan niệm rằng miếng bánh của anh to hơn thì miếng bánh của tôi sẽ bị nhỏ đi. Người hẹp hòi bị tầm nhìn thấp bó hẹp suy nghĩ; nhìn cái gì cũng chi ly, xét nét và đặc biệt là không thể tha thứ.

Người rộng lượng thì sẵn sàng tha thứ và bỏ qua những lỗi lầm của người khác gây thiệt hại cho mình. Họ quan niệm cơ hội đầy rẫy ngoài kia, nỡ cơ hội này thì sẽ có cơ hôi khác.

Trong quá trình hợp tác rất khó để mà hai bên cùng hưởng lợi đều chằn chặt. Phải có người nhiều hơn và phải có người ít hơn do thước đo công sức mỗi người mỗi khác. Tôi nghĩ rằng anh làm ít hơn tôi và anh cũng nghĩ rằng tôi làm ít hơn anh. Rộng lượng bỏ qua những thứ lặt vặt sẽ giúp củng cố mối quan hệ hợp tác cùng thắng.

3. Xây dựng, củng cố mối quan hệ cùng thắng

Nếu tôi và anh A chỉ mới biết nhau. Liệu tôi và A có thể xây dựng mối quan hệ cùng thắng không? Tôi có thể bảo rằng ” A ạ, tôi mong A thắng cũng như là tôi thắng vậy, chúng ta sẽ cùng nhau thành công”. A có thể gật gật tin tưởng nhưng anh ta sẽ luôn đề phòng và sẵn sàng từ bỏ cam kết hợp tác lúc đầu.

Chúng tôi đã thiếu một niềm tin lẫn nhau. Tôi không thực sự tin A mà A cũng không thực sự tin tôi. Chưa có gì giữa chúng tôi xảy ra trước đó để cho hai bên có những trải nghiệm về nhau.

Giữa tôi và A, tài khoản niềm tin về nhau càng lớn thì tôi và A càng dễ hợp tác.

Trong cuộc sống có một số mối quan hệ lâu dài như giữa vợ và chồng, giữa vợ chồng và con cái, giữa bạn và sếp, giữa bạn và đồng nghiệp, giữa bạn và ông hàng xóm, giữa bạn và anh công an phường,…đòi hỏi  ta phải củng cố niềm tin.

Nếu như bạn nói mà vợ bạn không tin thì vấn đề là tại bạn chứ không phải tại cô ấy. Nếu sếp không tin bạn thì không phải vấn đề của sếp mà là từ phía bạn. Nếu tài khoản niềm tin của vợ dành cho bạn lớn thì cho dù bạn đi qua đêm thì vợ bạn cũng không nghi ngờ gì. Nếu tài khoản niềm tin của sếp với bạn lớn thì chưa cần hiểu hết vấn đề thì anh ta đã gật đầu rồi.

Đối với những mối quan hệ mới xây dựng thì ta phải chấp nhận rằng luôn có một khoảng thời gian cần thiết để hai bên cùng xây dựng niềm tin lẫn nhau. Nếu cả hai bên cùng sở hữu một tư duy cùng thắng thì sẽ rất nhanh chóng hiểu nhau. Nhưng nếu bạn gặp một người có tư duy khác với bạn như Thắng – Thua, Thua- Thua hay Thua-Thắng thì sẽ phải đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Có 3 tính cách phải có để có thể sở hữu tư duy cùng thắng đó là 1. Chính trực, 2. Chín chắn và 3. Rộng lượng. Mỗi tính cách đều đòi hỏi rất nhiều thời gian để thay đổi và bạn đâu có nhiều thời gian đến thế. Tuy nhiên cũng có cách tiếp cận đơn giản hơn được trình bày ở mục cuối.

4. Thỏa thuận cùng thắng

Trong hai môi trường đòi hỏi nhiều các thỏa thuận hợp tác là gia đình và công việc thì chúng ta chủ yếu gặp vấn đề trong công việc.

Một công ty có nhìều phòng ban. Các phòng ban kết hợp với nhau thành một chuỗi giá trị mà mỗi phòng ban đóng góp một phần giá trị tạo ra ở đầu ra. Mặt khác các phòng ban cũng tạo ra chi phí và việc giảm chi phí ở phòng tôi thường sẽ làm tăng chi phí ở phòng anh.

Một thỏa thuận cùng thắng đòi hỏi phải xác lập các thông tin sau một cách rõ ràng:

– Mục tiêu: Cái chúng ta phải cùng hướng tới; tôi hoặc anh thất bại thì chúng ta đều không được gì vì mục tiêu chung không đạt.

– Kế hoạch thực hiện có sự phân công rõ ràng trách nhiệm. Mỗi thành viên đều phải nắm rõ là họ phải chịu trách nhiệm cho một mục tiêu nhỏ nào đó.

– Tổng kết đánh giá khen thưởng. Thực hiện minh bạch, rõ ràng.

* Quản trị trên cơ sở cùng thắng

Quản trị là việc đặt mục tiêu, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện. Mỗi một người thực hiện sẽ thực hiện một vài nhiệm vụ nào đó và họ ít khi có được cái nhìn tổng thể của toàn bộ công việc chung trong dự án đó. Họ được giao nhiệm vụ và họ thực hiện mà chưa chắc nắm rõ được là mình cần phải hoàn thành công việc ở mức độ nào và công việc của mình đóng góp gì vào mục tiêu chung.

Trong một hệ thống mà lương được hưởng cố định ít theo khối lượng công việc thì người thực hiện sẽ có xu hướng thực hiện cho xong.

Trong một hệ thống quản trị trên cơ sở cùng thắng, người quản trị khi giao việc phải làm sao cho người nhận việc hiểu rõ họ được lợi ích gì. Lợi ích có thể là:

– Tài chính : thu nhập họ có được nếu công việc hoàn thành. Thiệt hại chung của dự án nếu họ không hoàn thành

– Tinh thần: họ được khích lệ, tin tưởng của cấp trên và đồng nghiệp.

– Cơ hội: họ được học hỏi, được trao cho các cơ hội thăng tiến.

Khi một người thực hiện nắm rõ họ được lợi ích gì thì họ sẽ chủ động thực hiện công việc vì họ hiểu rằng người khác thắng không có nghĩa là họ buộc phải thua.

Cán bộ, nhân viên trong một công ty có hệ thống quản trị cùng thắng hiểu rõ vai trò của mình trong tổ chức và thực hiện công việc một cách chủ động. Điều này đương nhiên là không dễ vì mỗi người có một tư duy quan hệ khác nhau. Người quản trị phải lựa chọn công việc tương ứng với đặc điểm tư duy quan hệ của mỗi người. Nếu không thể tư duy cùng thắng thì mỗi một tư duy cũng có những lợi thế nhất định, miễn là đặt đúng vào vị trí tương ứng. Người quản trị bắt buộc mọi người phải có tư duy cùng thắng ở một số điểm chính và chấp nhận các loại tự duy khác ở các điểm phụ.

5. Hệ thống hỗ trợ cho tư duy cùng thắng

Mỹ là một vùng đất hứa vì nó trao cơ hội cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, quốc tịch. Một người VN giỏi ở VN có thể không thành công như một người ở mức độ trung bình làm ở Mỹ. Một người thành công ở VN bị ghen ghét trong khi một ngừoi thành công ở Mỹ được kính trọng.

Trả lời câu hỏi điều gì tạo nên sự khác biệt sẽ giúp ta hiểu sự khác biệt giữa một tổ chức cùng thắng và một tổ chức thì không. Khác biệt đó là Mỹ sở hữu một hệ thống hỗ trợ cho tư duy cùng thắng và Việt Nam thì không.

A và B thay vì tập trung vào giải pháp thì đổ lỗi cho nhau trong một thất bại nào đó, A và B đang không nuôi dưỡng một mối quan hệ cùng thắng. A và B không nhìn thấy mục tiêu chung đã không đạt được mà chỉ muốn mình không phải là người có lỗi trong việc này.

Sếp đổ lỗi cho nhân viên, nhân viên đổ lỗi cho sếp, nhân viên đổ lỗi cho nhau; đó đều là dấu hiệu cho thấy tổ chức không có một hệ thống hỗ trợ cho tư duy cùng thắng. Hệ thống hỗ trợ tư duy cùng thắng là hệ thống quản trị mà trong đó mỗi quy trình, mỗi quy định, mỗi chính sách, mỗi quyết định, mỗi chiến lược, mỗi kế hoạch đều được xây dựng có tính tới làm sao để phát huy tư duy cùng thắng.

6. Tiếp cận theo hướng tách biệt giữa con người và công việc

Có 3 tính cách của con người làm nền tảng cho tư duy cùng thắng. Quá khó để cả ban lãnh đạo, tất cả quản lý cấp trung, tất cả nhân viên cùng sở hữu 3 tính cách này. Do vậy, tại giai đoạn lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch, đánh giá rút kinh nghiệm, ta yêu cầu những người tham dự tách biệt giữa cá nhân họ và công việc thì họ sẽ không còn lý do gì để bảo vệ mình nữa.

Khi sếp nhận xét công việc một ai đó làm với mong muốn anh ta không lặp lại lỗi lầm trong tương lai thì người nhân viên lại cho rằng sếp đang đánh giá con người mình. Càng căng thẳng thì người ta càng khó phân biệt giữa con người và công việc

Khi một ai đó gặp thất bại thì phải giới hạn mọi sự đánh giá trong công việc đó. Công việc đó thất bại không có nghĩa là họ là người thất bại. Khi người ta tranh luận với nhau rất dễ kết thúc bằng đả kích con người. Mà con người thì nhậy cảm nhất khi ai đó đả kích mình, họ sẽ hình thành tâm lý phòng bị và về đúng bản chất tư duy quan hệ của họ.

Vậy nếu trước mỗi buổi tổng kết đánh giá, người điều hành đưa ra quy tắc về tranh luận là không đả kích cá nhân, đặt công việc lên trên và tách biệt với con người thì mọi người sẽ tranh luận và đóng góp như thể họ đang sở hữu một tư duy cùng thắng. Để việc này không trở thành hình thức thì những người tham dự phải có niềm tin từ trước đó.

Ta có thể rèn luyện để có khả năng đánh giá một mối quan hệ nào đó có phải mối quan hệ cùng thắng không, sau đó thử tìm giải pháp để biến nó trở thành mối quan hệ cùng thắng.

Ví dụ 1:

Bạn phải đi làm một thủ tục nào đó ở phường nơi bạn ở. Xét về mục tiêu thì cả bạn và bộ phận một cửa đều có mong muốn giải quyết một cách nhanh gọn. Nhưng thường thì bạn sẽ phải hỏi nhiều người, đợi chờ nhiều ngày và cuối cùng có khi chưa chắc được việc. Nguyên nhân là vì cơ quan nhà nước có xu hướng theo tư duy Thắng – Thua.

Họ sẽ yêu cầu bạn rất nhiều giấy tờ cần thiết để đảm bảo rằng khi có vấn đề xảy ra thì họ không có trách nhiệm gì cả. Họ không quan tâm bạn có làm được các giấy tờ xác nhận đó không, họ chỉ quan tâm là họ có gặp rủi do gì không mà thôi.

Ví dụ 2:

Khi tới ga tàu để mua vé bạn sẽ phải xếp hàng dài. Khi tới lượt có thể bạn sẽ được thông báo là vé cho chuyến tàu mong muốn đó của bạn không còn. Nếu bạn mua được vé thì có thể bạn sẽ được đọc bảng thông báo trễ tàu vào hôm đi.

Nhưng nếu bạn mua vé xem phim thì sẽ có bảng thông báo rằng giờ chiếu đó có còn vé hay không để quyết định có xếp hàng hay không. Bạn cũng không lo là tới giờ chiếu người ta có hoãn hay không vì tất cả các rủi ro như mất điện đều đã người ta dự phòng nhằm lọai trừ từ trước.

Ví dụ 3:

Giữa người mua và người bán rất dễ hình thành mối quan hệ Thắng-Thua. Người mua mua đắt thì có nghĩa người bán được lợi, người bán chịu thiệt bán rẻ thì người mua được lợi. Vậy làm sao để biến mối quan hệ này thành mối quan hệ cùng thắng?

Khách hàng cảm thấy họ thắng khi số tiền bỏ ra để mua hàng hóa và dịch vụ từ người bán là hoàn toàn xứng đáng. Người bán cảm thấy thắng khi mà số tiền lãi như mong muốn và khách hàng tiếp tục quay trở lại.

Vì người mua là người quyết định sẽ mua nên họ sẽ dựa vào tư cách của người bán và tiến trình diễn ra bán hàng để cảm nhận mình có phải là người thắng cuộc hay không. Làm không tốt có khi khách hàng cảm thấy mình thua mà người bán cũng cảm thấy mình thua vì lãi ít.

 

Nguồn: chienluocsong.com

Sưu tầm: Minh Chương - Bộ phận An Ninh

 

zalo

Đặt hàng online

zalo