Học cách nhận lỗi không phải điều xấu

 

Thật ra, khi còn bé chúng ta cất tiếng xin lỗi rất thành thật, bởi lúc đó chúng ta vô cùng trong sáng và đáng yêu.

Thời sinh viên, tôi cũng có lỗi với nhiều người bạn của mình. Tất nhiên chúng tôi xin lỗi nhau theo cách mà chúng tôi thấu hiểu nhau, cùng nhận thấy lỗi và chẳng ai còn có thể giận ai lâu được. Thời gian trôi qua, mỗi lần gặp lại nhau lại lôi chuyện cũ ra mà cười với nhau. Tự nghĩ sao lúc đó tụi mình xin lỗi nhau ngộ ghê nhỉ. Nó không còn giống như ngày xưa nữa, lời xin lỗi hơi chút ngượng ngùng nhưng cũng là những bài học đáng nhớ một thời.

Chúng ta lái xe trên đường, vô tình va nhẹ vào nhau. Thay vì xin lỗi vì sự vô ý, chúng ta lại không nói gì mà lơ đi, hoặc giả là qua loa ngoái nhìn xuống xe, rồi xem như không có gì xảy ra. Chuyện thường ấy mà, đường đông quá. Hoặc khi vượt đèn đỏ trong lúc đưa bọn trẻ đến trường, chúng ngoái đầu hỏi chúng ta, rằng sao cha mẹ lại có thể vượt đèn đỏ như thế, ở trường cô dạy con là thấy đèn đỏ là phải dừng lại cơ mà?

Ờ thì, có sao đâu. Chúng ta tặc lưỡi, trễ giờ rồi phải nhanh mới kịp.

Chúng ta chẳng thấy có lỗi gì khi làm điều đó?

Và cứ thế hoà mình vào cuộc sống, thi thoảng dường như chúng ta quên mất việc nhận lỗi. Cứ ngỡ mình là đúng tất cả, không có lỗi hoặc khi có nhận thức rằng mình sai thì cũng… thôi kệ không sao đâu!

Tôi có đọc một đoạn trích ngắn về câu nói của Napoléon rằng: “Chúng ta sống với các khuyết điểm như mồ hôi của chính mình. Chúng ta hoàn toàn không hay biết gì hết. Nhưng nó chỉ làm cho người khác khó chịu mà thôi.”

Có một số người không dám chấp nhận cái sai. Mỗi lần sai, họ lại tinh vi hơn cho những hành động tiếp theo của mình. Họ cho rằng không ai có thể biết được họ ngoài bản thân họ, như những giọt mồ hôi của chính họ. Họ không thấy gì là lỗi cả, khi làm gì đó thì họ quen thuộc với cứu cánh mang tên “đổ lỗi”. Vì họ thấy đổ lỗi cho người khác dễ hơn, nhưng người khác rõ ràng là rất khó chịu. Họ nghĩ họ là trung tâm của vũ trụ, kiêu ngạo và giữ chặt cái tôi của chính họ. Thế hoá cái tôi thành cái tội.

Đúng như vậy, sống ở đời không thể tránh khỏi việc mắc khuyết điểm hay sai lầm. Những va chạm, phát sinh trong cuộc sống mới thứ mà chúng ta gặp phải, nếu chúng ta biết tự nhận lỗi và sửa chữa thì đó là điều đáng trân quý. Nhưng phải đối diện nó như thế nào để có thể dung hoà cái tôi mạnh mẽ và sự dũng cảm nhận lỗi để sửa chữa.

Thật ra học nhận lỗi là điều tốt, trong cuộc sống không phải mọi việc đều đúng hoặc đều sai. Mọi sự khó chịu chỉ là nhất thời, vòng xoay của cuộc đời này chính là phải đối mặt với sai lầm, khuyết điểm để vượt qua và hoàn thiện. Vốn dĩ chúng ta có mặt trong cuộc sống này là để học, học để sống một cuộc đời ý nghĩa. Nếu không biết nhận lỗi đó mới chính là lỗi lầm lớn nhất. Stephen Gosson từng nói: “Một lời xin lỗi vụng về còn tốt hơn im lặng.”

Biết nhận lỗi giúp chúng ta nhận được sự trân trọng từ người nhiều người khác. Chúng ta cũng không khó khăn gì khi giải thích với bọn trẻ rằng vượt đèn đỏ là không tốt, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Và hơn thế nữa, biết nhận lỗi là ý thức về khuyết điểm, sai lầm của mình để điều chỉnh phù hợp. Bởi lẽ, sự tiến bộ của chúng ta chính là ở chỗ biết sửa chữa để hoàn thiện và để trở thành người tốt hơn.

 

Nguồn: blogradio.vn

Sưu tầm: Lê Vân - TT. Hoàng Hoa Thám

zalo

Đặt hàng online

zalo