Hối hận là một dấu hiệu tích cực

 

Đã là con người, thế nào cũng có lúc mắc phải sai lầm. Đó là điều không đáng lo ngại, vì sau khi mắc lỗi, mắc khuyết điểm người ta biết hối hận, biết hối lỗi, biết hối cải để trở nên tốt hơn trước, trưởng thành hơn trước cũng là điều thường gặp trong xã hội nhân sinh.

(Minh họa: A.C.).

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 405 thì: “Hối là cảm thấy tiếc và băn khoăn, day dứt vì đã trót làm điều lầm lỗi. Thí dụ: Cân nhắc cho kỹ kẻo lại hối không kịp. Hối cải là hối hận về tội lỗi của mình và tỏ ra muốn sửa chữa. Thí dụ: Thành thật hối cải. Hối hận là lấy làm tiếc và cảm thấy đau lòng, day dứt khi nhận ra điều lầm lỗi của mình. Thí dụ: Đánh con rồi thấy hối hận. Hối lỗi là tự nhận ra được lỗi lầm và tỏ ra đau xót, day dứt về lỗi lầm ấy. Thí dụ: Anh ấy ăn năn hối lỗi”.

Các Triết gia, các nhà Đạo đức học đánh giá ra sao về sự Hối cải, Hối hận, Hối lỗi của con người? 

Từ cách đây 2.500 năm, nhà Triết học Đông phương Khổng Tử (Năm 551 đến 479 Trước Công nguyên) đã có cái nhìn thấu suốt, đầy lòng nhân ái, đầy lòng thương cảm đối với những ai đã không may mắc phải lỗi lầm. Khổng Tử cho rằng chỉ có những ai biết khuyết điểm, biết lầm lỗi do mình đã gây ra mà không biết hối hận, không biết ăn năn hối cải mới là người mắc lỗi, khi ông viết: “Người có lỗi mà không biết sửa chữa mới chính là người có lỗi” (Quả nhi bất cải thị vị quá hỹ). Nhờ ánh sáng nhân đạo cao cả của nhà Triết học cổ đại phương Đông này mà việc mổ xẻ, việc phân tích sự hối hận, hối lỗi của con người đều theo chiều hướng tích cực, đầy tính nhân văn cao thượng.

Nhà Triết học Louis Bourdaloue (1632 – 1707) đã đánh giá sự hối hận, việc lương tâm bị cắn rứt sau khi phạm tội là một dấu hiệu tốt, là một dấu hiệu tích cực cho con người, khi ông viết: “Sau khi phạm tội mà ta tự cảm thấy lương tâm cắn rứt thì đã là một sự mong được xá tội thầm kín” (Le remords de conscience que nous sentons après le péché est une prâce intérieure). May mắn thay cho những ai, hạnh phúc thay cho những ai biết ân hận, biết sớm tỉnh ngộ trước những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Như thế là tốt, là may mắn vì có con đường thoát, có lối ra, có đầu ra cho vấn đề mình gặp phải. Lúc này tâm trạng người mắc lỗi khổ lắm, ăn không ngon, ngủ không yên, bồn chồn lo lắng, sợ hãi từ đạo đức đến luật pháp. Người phạm lỗi cần sớm tỉnh ngộ, thà ra đầu thú may ra còn được hưởng tình tiết giảm nhẹ của tòa án, chứ trốn chui trốn lủi cũng chết vì lo sợ, sầu muộn mà thôi. Liên hệ tới những người phi công Mỹ đã phạm tội ác ném bom vào Bệnh viện Bạch Mai, đã ném bom giết hại những người dân vô tội ở phố Khâm Thiên – Hà Nội. Họ đã bị day dứt, dày vò, đã hối hận, đã ăn năn và nay đã trở thành những nhà chính trị hết lòng bênh vực cho chính nghĩa Việt Nam, trở thành những nhà hảo tâm, nhà từ thiện không tiếc công tiếc của ủng hộ cho cuộc đấu tranh chống tội ác rải chất độc màu da cam của Mỹ ở Việt Nam, họ đòi chính phủ Mỹ phải bồi thường cho nạn nhân chất độc Dioxin, bồi thường cho nhân dân những vùng bị bom đạn Mỹ tàn phá.

Chính sự dày vò lương tâm khôn nguôi của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam được mô tả trong các cuốn Hồi ký, cuốn Tự truyện của họ đã giúp cho bạn đọc trên toàn thế giới hiểu được chính sách nhân đạo, độ lượng, khoan dung của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Qua cách đối xử tốt, nhân ái của người Việt Nam đối với những người lính Mỹ đã từng gây tội ác, đã từng là kẻ thù của mình đã chuyển hóa họ trở thành những người bạn Mỹ cùng đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng và cùng hợp tác thân thiện. Rõ ràng sự hối hận, ăn năn của con người là những dấu hiệu tích cực để cải hóa người mắc sai lầm, người có tội thành người tốt, người lương thiện. Những cựu phi công, cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam nay trở thành những chiến sỹ tranh đấu cho hòa bình và công lý vì họ đã biết ăn năn, hối hận vì những tội ác mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Sự hối hận đó là hợp đạo lý, hợp lẽ phải như nhà triết học John Vanburgh (1664 – 1726) đã từng khẳng định: “Việc biết ăn năn hối lỗi về những tội lỗi do mình gây ra là những việc làm đúng đắn và hợp lý nhất” (Repentence for past crimes is just and easy).

Nhìn rộng ra xã hội nói chung, hễ ai là người lương thiện, là những người lao động cần cù, hàng ngày chỉ biết lấy công việc để vừa kiếm kế sinh nhai vừa tìm nguồn vui cho hạnh phúc gia đình mà không may mắc phải khuyết điểm, thậm chí mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng gây tổn thương đến tính mạng, tài sản của người khác thì trong lòng khổ sở, dày vò nhiều lắm. Sự cắn rứt lương tâm này được bà văn sỹ Stépante Félicité de Genlis (1746 – 1830) mổ xẻ rất tài tình như sau: “Cái khổ do lương tâm bị dày vò là cái khổ lớn nhất, khó chịu nhất trong những cái khổ” (Le repentir, le plus grand, le plus insupportable de tous les maux). Rất cám ơn bà Genlis, vì ai biết nghe theo lời bà thì sẽ tìm được ngay lối ra, lối giải thoát cho cuộc đời mình khỏi cái nỗi khổ, nỗi dày vò lớn nhất ấy. Để sau khi phải trả giá cho tội lỗi (bị phạt tiền, mất nhà cửa, bị đuổi việc, bị đi tù ...) thì vẫn còn cơ hội mà làm lại mọi việc, mà làm lại cuộc đời. Đó là suy nghĩ của những con người lương thiện. Thế có những con người nào trong xã hội không chịu nghe lời bà Genlis mà không hướng thiện, không chịu ăn năn hối cải không? Có đấy, nhưng rất may là có ít thôi, chiếm số tỷ lệ phần trăm (%) ít thôi trong cộng đồng dân cư. Họ là những ai? Lại phải nhờ đến lời chỉ bảo của nhà triết học Pierre Mac Orian (sinh năm 1883, không rõ năm mất).

Ông Orian viết: “Một con người, dù ở tầng lớp nào trong xã hội mà luôn chạy theo dục vọng, luôn chạy theo sự kích thích của bản năng thì không bao giờ biết đến sự hối hận” (Un homme quel qu'il soit, ayant toujours suivi l'impulsion de ses ínstincts, ne peut connaitre les remords). Rất may, rất đáng mừng là số lượng những con người như ông Orian mô tả ngày càng ít đi trong một xã hội tốt đẹp, trong một xã hội đang có chiều hướng đi lên. Điều minh chứng rõ ràng là cứ đến ngày Tết hoặc những ngày lễ lớn là số phạm nhân cải tạo tốt được phóng thích, được trả lại tự do ngày càng nhiều. Họ đã thực sự hối hận, biết tự cải tạo thành người lương thiện. Những năm tháng trong tù đã giúp họ nhận thức được sự tích cực của ăn năn hối cải nên họ đã lao động sản xuất tích cực, đóng góp tốt cho trại. Có người đã học được nghề mới nên khi về quê đã thực hành và phát triển tốt. Có người thành thợ cả, thành giáo viên đã xin ở lại trại để giúp đỡ, giáo dục các anh em khác. Đáng quý biết bao đường lối giáo dục con người dựa vào sự tự nguyện, tự giác, tự hối hận, tự cải tạo để trở thành người mới.

Đến đây phải nhắc lại nhiều lần tác phẩm văn học vĩ đại “Những người khốn khổ” của Đại văn hào người Pháp – Victor Hugo. Vì sao? Vì nhân vật Jean Van Jean do ông xây dựng trong hàng trăm trang của tác phẩm là một tấm gương tiêu biểu nhất, con người nhất, cao thượng nhất, đời thường nhất về lòng hối hận của con người. Ông Jean là một người tù, khi được thả ra, vì đói khát ông đã ăn chặn 1 đồng bạc của một đứa bé nghèo khổ, ông đã ăn trộm đồ thờ trong một tu viện. Nhưng khi được ông Cha cố chứng nhận với cảnh sát là Cha đã cho ông Jean những đồ thờ đó để ông thoát khỏi tù tội lần nữa, ông Jean đã tỉnh ngộ, hối hận vô cùng. Từ đó ông suốt đời phấn đấu làm giầu để có tiền, có quyền mà cứu giúp những người nghèo khổ, những mẹ góa con côi, những người bần hàn, cơ cực. Chính tinh thần nhân ái cao cả này của Victor Hugo đã thuyết phục được bao con người lầm lỗi biết hối cải, biết hoàn lương để trở thành người tốt. Xin mãi mãi biết ơn Victor Hugo.

Đến đây cũng lại phải nhắc lại nhiều lần lời dạy chí tình của George Eliot (1819 – 1880) khi ông viết: “Bắt đầu biết hối hận là bắt đầu một cuộc sống mới” (The beginning of compuction is the beginning of a new life). Mà ai ai, đã là con người khôn ngoan lại chẳng muốn có một cuộc đời mới!  

 

Nguồn: daidoanket.vn

Sưu tầm: Diệu Niệm - P. PTKD

zalo

Đặt hàng online

zalo