Hội nhập kinh tế quốc tế tạo nên một hình ảnh Việt Nam mới

Tổng kết công tác hợp tác kinh  tế quốc tế (HTKTQT) hai năm 2008-2009, do Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế tổ chức, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế quốc tế

đánh giá: “Việc chủ động và tích cực hội nhập đã tạo nên một hình ảnh Việt Nam mới mẻ, một Việt Nam không chỉ bất khuất, anh hùng trong đấu tranh giành tự do mà là một dân tộc sẵn sàng tiến lên phía trước, dám đổi mới, đi lên”.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã hội nhập hoàn toàn, từ ASEAN đến WTO. Ngoài ASEAN và WTO, Việt Nam còn tham gia và đang đàm phán tham gia một loạt các cơ chế hội nhập đa phương và song phương như ASEM, APEC, Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Chi Lê… Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao song phương với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường các nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế... Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng Việt Nam vẫn thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết WTO trong tất cả các lĩnh vực đồng thời tích cực tham gia vào vòng đàm phán Doha.

Một trong những điểm nổi bật nhất sau 2 năm HTKTQT là Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây không chỉ là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam mà trong số này, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước cung cấp OAD hàng đầu cho nước ta. Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng đang đàm phán các hiệp định thương mại song phương với Chile và Saudi Arabia để tiếp tục mở ra những cơ hội thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, HTKTQT đã tác động rất tích cực tới xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu  năm 2008 tăng 28% so với năm 2007. Riêng năm 2009, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, xuất khẩu của Việt Nam giảm 9% so với năm 2008, trong khi nhiều nước suy giảm đến 20-30%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều tăng 10% về khối lượng xuất khẩu. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, nếu giá cả thế giới của năm 2009 không giảm tới 40% so với năm 2008 thì kim ngạch xuất khẩu năm 2009 sẽ không thấp hơn năm 2008 (do giá cả thế giới giảm, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu); ước tính năm 2009, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 90% so với năm ngoái.

Một thành công nữa của công tác HNKTQT là tỷ lệ nhập siêu được kiểm soát theo chiều hướng tích cực, liên tiếp giảm so với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu (KNXNK). Nhập siêu năm 2007 là 14 tỷ USD, 2008 là 18 tỷ, và 2009 dự kiến 12 tỷ, lần lượt tương đương với 30%, 28% và 21% tổng giá trị KNXNK. Những con số này thể hiện tính hiệu quả của những chính sách của Chính phủ trong việc kiểm soát nhập siêu.

Với việc tích cực, chủ động HTKTQT đến nay đã có 26 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có 22 nước có văn bản chính thức, 4 nước còn lại đang hoàn tất thủ tục.
 

V.Lãng

Theo www.ktdt.com.vn

Nguồn: tinmoi.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP. IT

zalo

Đặt hàng online

zalo