Khai hết

 

Bài blog đầu tiên, mình (Nam Xu) xin được giới thiệu với mọi người một khái niệm tuy cũ về mặt lý thuyết nhưng luôn luôn mới về mặt thực tiễn. Đó chính là "Tư duy cùng thắng", ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong lĩnh vực kinh tế.

Xin được mở bài bằng một câu chuyện ngắn gọn về Sáng và Kiến. Sáng và Kiến là hai người bạn thân nhưng đã nghiện hút rất lâu. Một ngày, Sáng và Kiến bị bắt vì một tội mà họ vừa phạm phải. Dù vậy, Công an chưa có đủ bằng chứng để kết tội họ. Sáng và Kiến được đưa vào hai phòng hoàn toàn riêng biệt với nhau. Trong phòng đầu tiên, Sáng được thông báo rằng:

1. Nếu Sáng nhận tội và làm chứng rằng Kiến là đồng phạm, sẽ có 2 trường hợp:

    a. Nếu Kiến cũng nhận tội và làm chứng rằng Sáng là đồng phạm thì cả hai sẽ bị đi tù 3 năm.
    b. Nếu Kiến hoàn toàn im lặng thì Sáng sẽ được trả tự do trong khi Kiến sẽ chịu án tù 5 năm.

2. Nếu Sáng và Kiến cùng im lặng thì cả hai sẽ bị phạt hành chính và đưa đi cai nghiện 1 năm.

Ở phòng bên cạnh, Kiến cũng được thông báo tương tự. Như vậy, phương án tốt nhất để Sáng và Kiến chọn là gì?

Để có một cái nhìn dễ hiểu hơn về tình huống này, các bạn có thể xem hình minh họa phía dưới:

Từ hình minh họa, đáp án tốt nhất cho trường hợp này thật đơn giản: chỉ cần cả hai im lặng thì chắc chắn sẽ nhận hình phạt thấp nhất. Nhưng trong thực tế, nếu đặt bạn và trường hợp của Sáng hay Kiến thì đều chọn một phương án cho mình thật không dễ dàng một chút nào. Nếu Sáng chọn cách phản bội bạn mình và khai ra mọi chuyện, hi vọng được tự do trong khi Kiến tìm cách im lặng thì không ai khác chính là Kiến sẽ lãnh phần thiệt hại rất lớn về mình (5 năm đi tù) và chính Sáng cũng mất đi một người bạn. Nếu cả Sáng và Kiến đều tìm kiếm phương án được tự do cho riêng mình thì cả hai sẽ cùng chịu một kết cục thiệt hại cho cả hai (tổng cộng là 6 năm đi tù), đồng thời lòng tin của nhau cũng bị sứt mẻ. Và nếu tóm gọn lại, nếu một trong hai người chỉ ích kỉ nghĩ cho riêng mình thì thiệt hại được gây ra cho cả hai sẽ lớn (5, 6 năm tù). Còn trong trường hợp hai đều có một "tư duy cùng thắng", chấp nhận hi sinh một chút cho bản thân, cả hai sẽ giảm thiểu được tổng thiệt hại dành cho họ (chỉ là 2 năm đi cải tạo). Trong kinh tế cũng vậy, nếu công ty A tìm mọi cách để cạnh tranh về giá với công ty B thì rất nhanh chóng, công ty B cũng sẽ tìm cách cạnh tranh về giá so công ty A. Hai công ty nhanh chóng bị thu hẹp về lợi nhuận và hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, lúc này các công ty khác nhỏ hơn sẽ có cơ hội vươn lên và vượt mặt họ. Nhưng nếu A và B chọn cho mình những phân khúc thị trường riêng để phát triển và cùng chia sẻ các cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, cả hai sẽ có cơ hội tăng doanh số và lợi nhuận. Nhìn vào một tình huống xã hội, nếu tất cả mọi người đi mua đồ ở siêu thị, lúc tính tiền mà chen nhau lên trước để tính tiền thì sẽ không ai tính được tiền và có thể ra về một cách thoải mái. Nếu mọi người chịu khó kiên nhẫn và xếp hàng thì mọi chuyện sẽ được giải quyết rất nhanh chóng.

Trên đây là một ví dụ rất kinh điển để có thể mô tả sơ lược về "Tư duy cùng thắng". Để thực sự phân tích và  "Tư duy cùng thắng" thì sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Trong khi để nắm về nó và ứng dụng trong cuộc sống đôi khi lại là một nhu cầu cấp thiết hơn. Vì vậy, bài blog này mình cũng chỉ đưa ra những ví dụ và phân tích cơ bản để mọi người có thể nằm về nó một cách dễ dàng.

Lý thuyết chỉ đơn giản là vậy! Hiểu được nó chỉ là một phần, nhưng để ứng dụng nó vào cuộc sống thì hoàn toàn không dễ. Con người luôn luôn ích kỉ và thiếu sự tin tưởng người khác. Sẽ có rất nhiều người trước khi quyết định "cùng thắng", sẽ luôn nghi ngờ "chuyện gì xảy ra nếu mình muốn cùng thắng, trong khi những người khác thì không?" Đây là một câu hỏi rất phổ biến và nó cũng không khó để trả lời. Thứ nhất, hãy biết khôn ngoan và học cách nói thật, thích "cùng thắng" thì phải đặt vấn đề trực tiếp với họ, giải thích cho họ hiểu và cam kết rằng, mình sẽ "cùng thắng". Nếu mình bị phản bội, đừng nóng vội, vì nếu mình quyết định "cùng thua" ngay lúc đó thì sẽ vô cùng lãng phí. Hãy bình tĩnh và tìm cách thuyết phục "đối tác" quay lại con đường "cùng thắng". Còn nếu đối tác vẫn cứng đầu thì cứ để hắn lao thẳng đến sự thất bại. Thứ hai, cần phải có một môi trường "cùng thắng" mà ở đó mọi hành vi "phá hoại" sẽ bị lên án và trừng phạt. Về vấn đề này thì có lẽ Xu phải dành một bài viết riêng cho nó, để nói về cái gọi là "Sức mạnh của Hoàn cảnh". Mọi người hãy đón chờ nó trong tương lai nhé!

Blog Sáng Kiến cũng rất vinh dự nếu bạn nào muốn đóng góp những ví dụ cụ thể về "tư duy cùng thắng" trong cuộc sống hằng ngày. Bạn có thể gửi thư về blogsangkien[at]gmail.com hoặc gửi comment ở phía dưới này. Xu sẽ chọn lọc và đăng lên để mọi người cùng tham khảo.

Cám ơn mọi người đã đọc đến đây và xin chào tạm biệt :)

 

Nguồn: sangkien.blogspot.com

Sưu tầm: Hữu Bằng - Tổ bảo trì

zalo

Đặt hàng online

zalo