Khẳng định vai trò của Công đoàn, người lao động trong khối đại đoàn kết

 

Ở mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn cùng toàn thể xã hội tham gia vào khối đại đoàn kết dân tộc. Trong đó, tổ chức Công đoàn đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc huy động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, sức mạnh của dân tộc

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển, đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng. Chính vì vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi đoàn kết, thống nhất là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Tổ chức Công đoàn là sợi dây nối liền giữa Đảng với giai cấp công nhân, với toàn thể người lao động. Từ đó tập hợp, đoàn kết lực lượng, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc được xem là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong 35 năm qua, tổ chức Công đoàn đã có những đóng góp rất to lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả, thành tựu đem lại rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ẩn nổi bật, như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

“Những gì mà đất nước ta đạt được hôm nay là quá trình của sự tìm tòi, sáng tạo với tinh thần biết giữ gìn truyền thống đoàn kết, lãnh đạo quyết đoán, quyết liệt, dám nghĩ, biết làm của đội ngũ lãnh đạo. Đồng thời, đây cũng là sự phấn đấu, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn” - ông Nguyễn Túc cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Túc, hơn một năm qua, tổ chức Công đoàn cũng tích cực chung tay, đóng góp cùng cả nước phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Tổng LĐLĐVN đã để cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn.​

Phát huy tính năng động, sáng tạo của đoàn viên, người lao động

Cùng chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - khẳng định, bất luận trong hoàn cảnh nào, đoàn kết dân tộc đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách, lập nên những kỳ tích vẻ vang trong đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo ông Vĩ, trong những năm đầu đất nước giành độc lập, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến, vừa kiến quốc. Tổ chức Công đoàn đã tổ chức vận động công nhân, viên chức, lao động tập trung xây dựng nhà máy, công xưởng, sản xuất vũ khí, khí tài quân sự; khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động phục vụ kháng chiến. Với những đóng góp quan trọng như vậy, Công đoàn Việt Nam đã khẳng định vai trò trong sự phát triển, trưởng thành của đất nước.

Sau khi đất nước được độc lập, giải phóng hoàn toàn, tổ chức Công đoàn có một vai trò rất lớn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, chăm lo cho người lao động và tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Trong đó, tổ chức Công đoàn là đơn vị tiên phong trong phát động phong trào thi đua nâng cao năng suất, chung tay cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, tổ chức Công đoàn cũng phối hợp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu tình hình mới.

Cũng theo ông Vĩ, trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam, công nhân lao động cần phát huy tính năng động, sáng tạo, thu hút và tập hợp được đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững.

Trong đó, tổ chức Công đoàn cần phải giúp người lao động đoàn kết hơn, làm chủ khoa học công nghệ, gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Lan tỏa những tấm gương người tốt việc tốt, cách làm hay trong xã hội, phê phán những biểu hiện xấu, động cơ xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

 

 

Nguồn: congdoancongthuong.org.vn

Sưu tầm: Xuân Vương - BP. Kho

zalo

Đặt hàng online

zalo