Khu vực tư nhân - "động cơ" mới cho "con tàu" kinh tế

(TBTCVN) - Đầu năm 2017, tìm hiểu về thí điểm hoàn thuế điện tử, chúng tôi tới một xưởng gỗ của một doanh nghiệp (DN) tư nhân xuất khẩu gỗ ở Gia Lâm, Hà Nội.

Điều tôi cảm nhận từ nữ chủ nhân trẻ tuổi của DN là sự tự tin, lạc quan và tinh thần quyết tâm mạnh mẽ. Mấy năm nay, cả một lớp người trẻ đang hừng hực khí thế “làm ăn”, khát khao thể hiện, làm giàu. Tôi tự hỏi, điều gì làm những người trẻ này tự tin và quyết tâm đến vậy, tự thấy… đang có một sự thay đổi lớn lao. 

Thay đổi quan niệm

Một người bạn tâm sự với tôi vẻ bực bội. Chuyện là cậu con trai ra trường đã mấy năm cương quyết cưỡng lại định hướng, lời khuyên, thậm chí thúc ép từ bố mẹ phải “vào” nhà nước cho “ổn định”. Lý do là làm ở đâu chả được miễn là có việc, có thu nhập cao và quan trọng là phải… thích(!) Nhiều người có trình độ, sau một thời gian làm thuê cho DN nước ngoài bắt đầu từ bỏ để tự… “khởi nghiệp”, nhất là khi các vị trí ở khu vực nhà nước lại phải xin xỏ, phải có các yếu tố “nhất hậu duệ, nhì quan hệ,…”. Dần dần, lớp trẻ ngày nay không còn đoái hoài tới khái niệm… “chạy việc”. Họ có tâm lý chung là muốn làm chủ chính mình.

Công bằng thì điều này bắt nguồn từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, coi kinh tế khu vực tư nhân trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế và từ đó khuyến khích, động viên, tạo thành một “luồng gió” tươi mới đầy sức sống. Cơ cấu kinh tế thay đổi, với vai trò của khu vực tư nhân được nâng lên. Nhà nước chuyển dần sang chỉ đảm nhận những gì tư nhân không làm được hoặc không muốn làm… Bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI (trong một cuộc trả lời phỏng vấn của TBTCVN) nói rằng: “DN dân doanh nay được coi là “xương sống” của nền kinh tế; chiếm 97 - 98% trong cộng đồng DN; giải quyết nhu cầu việc làm cho 60% lao động”. Kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Từ năm 2010 trở lại đây, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế nhà nước khoảng 28,9%. Có thể nói rằng, chưa bao giờ các chính sách thúc đẩy DN phát triển, đặc biệt là DN tư nhân, khu vực tư nhân được nhấn mạnh và đề cao như hiện nay.

Gần cuối năm, tại Hà Nội, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã ra đời. Sự kiện này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, trong việc đưa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối DN này trong nền kinh tế Việt Nam. Ban có nhiệm vụ chủ trì, nghiên cứu và tư vấn, đề xuất việc cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia; hướng tới mục tiêu giúp DN tư nhân trở thành động lực quan trọng, đóng góp 60% GDP vào năm 2020 và đưa Việt Nam hướng đến Top 3 ASEAN về năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Tháng 11, nghị quyết mới nhất của Quốc hội cũng: Khuyến khích, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, DN nhỏ và vừa (NVV); có giải pháp phù hợp khuyến khích hộ kinh doanh cá thể thành lập DN; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.

Hành động

Một chỉ dấu rất rõ ràng và xúc động là hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp gỡ 14 “đại gia” của khu vực kinh tế tư nhân đã cho thấy sự quan tâm thực sự, có ý nghĩa động viên rất lớn đối với sự phát triển khu vực tư nhân của Thủ tướng, cũng như của Chính phủ. Điều này khẳng định sự cam kết của Chính phủ mở rộng quyền bình đẳng cho khu vực tư nhân thỏa sức tung hoành, trên cơ sở pháp luật Việt Nam. Lâu nay, người ta vẫn có tâm lý phát triển cầm chừng, vẫn lo sợ quy mô DN phát triển đến một mức độ nào đó sẽ “bị để ý”, gặp “rắc rối”… Sự kiện này đã giải tỏa nỗi niềm của các doanh nhân. Thủ tướng một lần nữa khẳng định, khu vực tư nhân không chỉ là động lực mà còn là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước.

Không chỉ người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã bắt tay vào cuộc. Chương trình phát triển 1 triệu DN đến năm 2020 được phát động với các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tích cực, cụ thể; đặc biệt là việc động viên các hộ kinh, cá nhân kinh doanh lớn chuyển đổi thành DN. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (NVV), với việc hỗ trợ tín dụng vốn thông qua Quỹ Hỗ trợ DNNVV và hỗ trợ nhiều mặt một cách cụ thể đã được ban hành. Các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35… cải cách, tạo điều kiện phát triển DN.

Bộ Tài chính mới đây cũng ban hành Kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân, với 4 nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quản, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, ít rủi ro, nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Thứ hai, bãi bỏ rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Thứ ba, tăng cường khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng và các nguồn lực. Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thống nhất nhận thức tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đó là các giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng đơn vị, bộ phận…

Chương trình cắt giảm thuế, phí nhằm giảm chi phí cho DN mạnh mẽ của Bộ Tài chính cũng là một minh chứng xác thực. Ngoài ra, các bộ, ngành đã “hy sinh”, cắt giảm rất nhiều thủ tục, điều kiện, quyền lực quản lý của mình để “giải phóng” cho cộng đồng DN, trong đó chủ yếu là các DN dân doanh. Khu vực DN nhà nước với xu hướng ngày càng thu hẹp và dần nhường vị trí, vai trò đầu tàu sang cho kinh tế tư nhân. 

Với những hành động cụ thể, cộng đồng DN bắt đầu bày tỏ tin tưởng, sự hài lòng với các cải cách của Chính phủ. Hiệp hội DNNVV khảo sát cho thấy, mức độ hài lòng của DN đối với cải cách thuế, phí, lệ phí là 70%; đối với lĩnh vực hải quan là trên 80%... Tuy vậy, các DN vẫn đang dõi theo các chủ trương, hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương về nỗ lực chứng tỏ hơn nữa thực tâm “mở cửa” để thêm tự tin phát triển. 

Khu vực dân doanh vốn có các đặc tính linh hoạt, năng động, hiệu quả cao, có sức sống mãnh liệt; song có hạn chế là hoạt động theo “phong trào”, thiếu ổn định, nhiều rủi ro. Vấn đề không phải là số lượng 1 triệu DN – điều không khó đạt được vào năm 2020 (cuối năm 2018 dự kiến tổng số DN lên hơn 700 nghìn) - mà là hiệu quả. Muốn thông thoáng cho DN phát triển, cần giải quyết dứt điểm tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Nếu được như vậy, những nhân tố của khu vực kinh tế này sẽ được bung hết sức, tạo sự “bùng nổ”, tạo thành động cơ mạnh kéo “con tàu” kinh tế Việt Nam tiến nhanh về phía trước. 

 

Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP. IT

zalo

Đặt hàng online

zalo