Làm thế nào để kinh tế tư nhân trở thành động lực?

(Chinhphu.vn) – Hiện nay, dù có một số tập đoàn lớn nhưng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cơ bản vẫn chưa thật sự là động lực phát triển. Do đó, cần có chính sách nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất để kinh tế tư nhân đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, góp phần đưa chủ trương Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Đây là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi tại tọa đàm “Đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống” do Báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức ngày 18/12.

Thống nhất nhận thức để hành động 

Theo PGS.TS Đào Duy Quát (nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương), để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, cần làm sáng tỏ những vướng mắc về lý luận liên quan vấn đề làm giàu bằng phát triển kinh tế tư nhân gắn với công bằng xã hội; mối quan hệ giữa Nhà nước và kinh tế tư nhân; kinh tế tư nhân với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa) khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân được quan tâm như hiện nay. Điều đó được thể hiện rất rõ ở Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quốc hội vừa mới phê duyệt Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (như Nghị quyết số 35/NQ-CP, các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg...). Vấn đề đặt ra hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần sớm cụ thể hóa để đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn, và các doanh nghiệp phải chủ động tự khắc phục khó khăn để vươn lên.

Nhấn mạnh về những thách thức, TS. Lê Xuân Nghĩa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh) đã cảnh báo, phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, tiềm lực tài chính của doanh nghiệp tư nhân rất còn yếu; vốn tự có thấp, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu bằng vốn vay. Do tài chính tích lũy rất yếu nên ít có doanh nghiệp có chi phí thỏa đáng cho nghiên cứu và phát triển hoặc đầu tư cho công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam ít có khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại, cả về khía cạnh tài chính và nhân lực. 

Khi huy động vốn, các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ, chi phí tài chính cho đầu tư cũng quá lớn và hiệu quả thực tế không còn nhiều, đủ để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cũng do nền tảng tài chính yếu mà các hoạt động phụ trợ cho sản xuất kinh doanh như thiết kế sản phẩm, quảng bá, truyền thông, quảng cáo và triển lãm hàng hóa đều rất hạn chế. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn bị thua thiệt bởi các rào cản về thương mại, kinh doanh, đầu tư, tiếp cận đất đai... 

Điều này khiến cho chi phí bằng tiền và thời gian về các thủ tục hành chính và pháp lý còn lớn so với doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, các chuyên gia cũng lưu ý về hiện tượng có sự “cấu kết” giữa một số doanh nghiệp tư nhân và cán bộ chính quyền, xây dựng lợi ích nhóm, thâu tóm, làm méo mó thị trường, phát triển thiếu lành mạnh, cạnh tranh không bình đẳng.  

Các giải pháp để thực hiện tốt Nghị quyết

Tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Văn Phúc (Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các Ban Đảng Trung ương) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân. Nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ cho kinh tế tư nhân, chủ động trong việc phát triển những mối quan hệ hợp doanh giữa Nhà nước với tư nhân, giữa tư nhân trong nước với tư nhân nước ngoài. 

Trong khi đó, GS.TS Hồ Văn Vĩnh (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng cần hoàn thiện xây dựng và thực thi pháp luật và chính sách đối với kinh tế tư nhân sao cho phù hợp với đặc điểm phức tạp của khu vực này, bảo đảm thực thi công bằng, minh bạch, nghiêm minh. Quan trọng là cần tạo lập môi trường thông tin thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động. Đặc biệt, xây dựng bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Nhấn mạnh bối cảnh hội nhập nền kinh tế số hiện đại, TS. Trần Văn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cho rằng, để giải phóng mạnh mẽ, chính sách của Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đầu tư vào công nghệ, phát triển tự động hóa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội để tạo thị trường cho các sản phẩm tự động hóa trong nước. 

Các chính sách cần hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để khởi nghiệp, nghiên cứu, trình bày và thử nghiệm những sáng kiến số, phát triển từ những ý tưởng ban đầu đến lên kế hoạch cho sự chuyển đổi đầu tư, để kinh tế số trở thành mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiếp cận giải pháp công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật... Thêm nữa, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội, sẵn sàng cho cuộc cách mạng số - cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) lưu ý, để tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao năng lực từng bước tham gia sâu, vững chắc vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. 

Bà Phạm Thị Thanh Bình cho rằng, cần tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với  doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đối với doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển. 

Cụ thể, cần mạnh dạn giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ điều kiện đảm nhiệm các lĩnh vực quan trọng của Nhà nước. Chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp Nhà nước mang tính chủ đạo. Nên coi kinh tế tư nhân không chỉ là quan trọng mà là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trong phát triển kinh tế tư nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho doanh nghiệp tư nhân.

 

Huy Thắng

Nguồn: baochinhphu.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP IT

zalo

Đặt hàng online

zalo