Làm việc tại nhà: Quan trọng là kết quả cuối cùng của công việc

 

Để ứng phó với tình hình mới khi dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang diễn biến khó lường, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã chuyển hẳn sang hình thức làm việc tại nhà (work from home). Dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng xu hướng này đang nhận được nhiều

Quan trọng là hiệu quả công việc

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ đầu tháng 4/2020, chị Thúy Nga - giám đốc một công ty truyền thông và tổ chức sự kiện tại Hà Nội - đã quyết định cho toàn bộ nhân viên công ty gồm 20 người chuyển sang làm việc online tại nhà. Mọi thông tin chỉ đạo, điều hành đều được xử lý qua email, Viber hoặc họp trực tuyến.

Sau tuần đầu tiên áp dụng còn nhiều bỡ ngỡ thì trong mấy tuần trở lại đây, mọi thứ đã vận hành khá trơn tru, hiệu quả không kém so với việc phải tới văn phòng.

“Khi nào cần trao đổi trực tiếp chúng tôi sẽ sử dụng các ứng dụng họp trực tuyến, còn công việc hàng ngày tôi phân công cho nhân viên qua nhóm group chat trên Viber hoặc Zalo. Với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc tổ chức làm việc tại nhà sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất”, chị Nga cho hay.

Không riêng gì công ty của chị Nga, từ khi dịch bệnh bùng phát, hưởng ứng lời kêu gọi hạn chế ra ngoài, tụ tập đông người của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang làm việc online và tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ làm việc trực tuyến hiệu quả.

Theo khảo sát, từ tháng 3/2020, nhiều công ty lớn, tập đoàn lớn như Unilever, ABinBev, Bosch, Go Viet…cũng kích hoạt chính sách cho nhân viên khối văn phòng làm việc tại nhà với mức độ khác nhau. Trong khi đó, nhiều công ty quy mô vừa và nhỏ trong các ngành như truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện, giải trí... đã cho nhân viên làm việc tại nhà từ khi tình hình dịch bệnh có chuyển biến phức tạp tại Việt Nam.

Anh Hữu Dũng - nhân viên một công ty tư nhân có trụ sở tại Hà Nội - cũng được công ty bố trí cho làm việc tại nhà từ gần một tháng nay, cho biết so với việc hàng ngày đến công sở, làm việc online giúp anh tiết kiệm khá nhiều thời gian di chuyển, lại giảm chi phí đi lại và căng thẳng trên đường.

“Quan trọng là kết quả cuối cùng của công việc, không quan trọng bạn ngồi làm ở đâu, như thế nào và lúc nào”, anh nói.

Xu hướng của tương lai

Claude Spiese - cố vấn cao cấp cho Dịch vụ chuyển đổi số tại Grant Thornton Việt Nam - lưu ý rằng mô hình làm việc tại nhà không phải là điều gì xa lạ với hầu hết chủ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu vì đại dịch, các doanh nghiệp đã phải chạy nước rút để lên kế hoạch và qui định chính sách cho phép nhân viên làm việc tại nhà để có thể hoạt động với số lượng nhân sự tối thiểu ở văn phòng.

Theo sau đó, các công ty cũng bắt đầu phải đối mặt với vấn đề mới đặt ra: có thể không còn nhân viên nào được đến văn phòng, hay thậm chí không còn văn phòng làm việc.

"Làm việc tại nhà không chỉ là một mô hình mà còn là tương lai của công việc văn phòng", Claude Spiese nhận định.

Đồng quan điểm, Lê Đình Hiếu - CEO và Founder của Học viện G.A.P, chuyên gia về đào tạo kỹ năng và tư duy cho người trẻ - trong tương lai, làm việc từ xa mà rộng hơn là chuyển đổi số sẽ trở thành chiến lược lâu dài của không chỉ các tập đoàn khổng lồ mà cả các công ty vừa và nhỏ.

“Sẽ có một sự biến chuyển về văn hóa doanh nghiệp, cách ứng xử của công ty với sự vận động của xã hội”, ông Hiếu nói.

Phân tích lợi ích của mô hình làm việc tại nhà, PGS-TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho rằng giải pháp này không những phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay mà còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp...

Ưu điểm của cách thức làm việc này là mang lại cho nhân viên sự thoải mái và tự do sáng tạo, tránh được những áp lực tại cơ quan. Quan trọng nhất là không gian làm việc mới, không gian tương tác trên mạng giúp rút ngắn các công đoạn trong quá trình làm việc, trao đổi thông tin, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cách làm việc này cũng tạo ra sự phân công lao động mới thay cho mô hình truyền thống làm việc tại văn phòng, một cách phù hợp và hiệu quả hơn.

4 nguyên tắc khi tổ chức làm việc từ xa

Tuy nhiên, mô hình làm việc từ xa chắc chắn chưa hoàn hảo, nhất là ở hiện tại, khi đây là hình thức đối phó với dịch bệnh của nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Bởi lẽ, giải pháp này chỉ phù hợp với các công việc có liên quan nhiều đến nền tảng online, trong khi nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có sự chuẩn bị cho hệ thống làm việc từ xa.

Đồng thời, việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến nhân viên làm việc tại nhà không tự giác, thiếu tập trung trong công việc.

Thậm chí chưa cần nhắc đến mức độ nghiêm túc khi làm việc tại nhà, mô hình này còn có những nhược điểm khác như: khó khăn trong giao tiếp và làm việc nhóm, khó áp dụng cho các mô hình kinh doanh truyền thống và tất nhiên, nhiều rủi ro về bảo mật.

"Thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng lên kế hoạch hỗ trợ nhân viên làm việc tại nhà. Sự gấp rút này đương nhiên sẽ dẫn đến các rủi ro về bảo mật và an ninh mạng nghiêm trọng”, ông Claude Spiese nói thêm.

Để giúp doanh nghiệp hỗ trợ tốt nhân viên khi là việc từ xa, Claude Spiese gợi ý bốn nguyên tắc.

Thứ nhất, các công ty cần có chính sách làm việc tại nhà hoàn chỉnh: thiết lập và liên tục cải thiện chính sách làm việc tại nhà để quản lý ai cần làm việc tại nhà khi nào, trong những tình huống bình thường và trong những tình huống đặc biệt.

Thứ hai, các thiết bị của công ty phải được cài đặt phần mềm quản lý thiết bị và bảo mật, có thể nhắc đến bao gồm: VPN, tường lửa cá nhân, phần mềm chống virus, bảo vệ email cũng như chống URL độc hại.

Thứ ba, toàn bộ nhân viên phải được đào tạo đẩy đủ kỹ năng và hỗ trợ tốt khi làm việc tại nhà.

Thứ tư, bộ phân công nghệ thông tin cần giám sát từ xa liên tục phòng tránh các rủi ro và mối đe dọa trên mạng.

 

Nguồn: diendandatdai.com

Sưu tầm: Trường An - P. BKS

 

zalo

Đặt hàng online

zalo