Mắc sai lầm trong công việc: Giải quyết ra sao?

 

Trong công việc, người nhân viên không ít thì nhiều cũng mắc phải sai lầm. Sai lầm đó do nhiều nguyên nhân, có thể do chủ quan hoặc khách quan. Nhưng tâm lý của hầu hết những nhân viên đó là lo sợ. Nếu thú nhận với sếp, nhẹ thì sợ đánh mất niềm tin của sếp đối với mình, còn nặng thì lo có nguy cơ bị cho nghỉ việc; không thú nhận thì tâm trạng bất an, không có tinh thần làm việc. Giải quyết cách nào cho hay nhất, để có lợi cho mình và không mất lòng sếp?

Trung thực, tự giác nhận sai lầm

Đa số các nhà quản lý đều đưa ra lời khuyên: Khi mắc phải sai lầm trong công việc, nhân viên nên tự giác thú nhận với cấp trên vì không sớm thì muộn cũng bị phát hiện ra. Trong xu hướng làm việc theo nhóm hiện nay bạn chỉ là một mắt xích vận hành trong một hệ thống. Vì thế, kết quả làm việc của bạn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một tập thể, cho nên nếu không thú thật sai lầm của mình với sếp thì hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn và tất nhiên là tội của bạn cũng tăng lên khi bị phát hiện. Hơn nữa, khi giữ bí mật ấy trong lòng bạn sẽ luôn ở trong trạng thái lo sợ, không an tâm làm việc dẫn đến làm việc không hiệu quả và dễ tiếp tục mắc phải sai lầm khác.
Sự trung thực của nhân viên được các nhà quản lý rất coi trọng. Người ta thường đánh giá cao những nhân viên tự giác nhận khuyết điểm của mình và coi đó là một bước tiến trong công việc cũng như trong nhân cách của người nhân viên. Đồng thời, những trường hợp này thường sẽ áp dụng mức kỷ luật thấp nhất. Tuy nhiên trên thực tế không phải công ty nào, người quản lý nào cũng có cách nghĩ thoáng như vậy.

Nhân viên phạm sai lầm: Sếp cũng có lỗi

Người nhân viên không nên e ngại nói rõ sai lầm của mình cho sếp biết vì chính sếp là người giao việc, trực tiếp phân công và chỉ đạo công việc cho mình. Do vậy, khi nhân viên phạm lỗi sếp cũng không tránh khỏi một phần trách nhiệm. Trong công việc có sự tương tác hai chiều giữa người quản lý và nhân viên. Người nhân viên tiếp nhận sự hướng dẫn, chỉ đạo của người quản lý. Vì thế, khi sai lầm xảy ra người quản lý không nên đổ hết trách nhiệm cho nhân viên của mình mà phải cùng gánh vác khó khăn với họ. Việc cùng chịu trách nhiệm với cấp dưới cũng sẽ giúp cho người trực tiếp quản lý củng cố được lòng tin đối với cấp cao hơn. Tuy nhiên, khi nhận lỗi với cấp trên người nhân viên nên chọn thời điểm thích hợp (lúc sếp không quá bận rộn, lúc không tức giận...) thì sẽ dễ dàng được thông cảm hơn.

Kỷ luật: Dấu chấm hết cho các cơ hội thăng tiến?

Khi phạm lỗi và bị kẹp quyết định kỷ luật vào bộ hồ sơ cá nhân đối với tôi như một dấu chấm hết. Chắc chắn cái nhìn của công ty đối với nhân viên đó cũng không còn thiện cảm như trước. Cho nên dù không bị cho thôi việc, cũng tìm đường rút lui vì dù có ở lại cũng không còn cơ hội để tiến lên nữa. Theo các chuyên viên tư vấn nhân sự, đây là cách nghĩ phổ biến của các bạn trẻ khi mắc sai lầm và bị kỷ luật trong công việc. Kỷ luật là cách chứng tỏ sự nghiêm minh trong nội quy của công ty chứ không dùng nó làm áp lực đối với nhân viên. Đối với những nhân viên biết khắc phục sai lầm, làm việc tốt hơn và chứng tỏ được năng lực của mình thì trong các cơ hội thăng tiến họ vẫn được đối xử bình đẳng như mọi người.

Làm sao để tránh phạm sai lầm?

Người nhân viên nên nghiêm túc kiểm điểm lại mình và phân tích xem tại sao mình phạm lỗi để tránh mắc phải những sai sót tương tự. Tuy nhiên, không nên quá sa đà vào việc phân tích ấy mà hãy cố gắng làm việc tốt hơn để xây dựng lại niềm tin của cấp trên. Phải biết vượt qua sự tự ái của bản thân, ngại ngùng với đồng nghiệp để tiếp tục công việc. Không dùng quà cáp biếu xén hay nịnh bợ sếp vì như thế chứng tỏ bạn coi thường họ khiến cho họ càng thiếu thiện cảm đối với bạn. Đồng thời, để tránh phạm sai lầm, khi nhận công việc mới chúng ta nên trao đổi trước với sếp, nhờ sếp mô tả trước công việc sẽ làm và hỏi ngay những vấn đề khúc mắc. Ngoài ra bạn nên học hỏi nhiều hơn ở đồng nghiệp đi trước. Nếu cảm thấy công việc quá khó, vượt quá khả năng thì bạn nên kiến nghị với sếp để được sắp xếp công việc phù hợp. Được làm việc ở một vị trí yêu thích sẽ khiến bạn say mê làm việc hơn, đó cũng là cách để tránh sai lầm.

 

Nguồn: kosaido-hr.com

Sưu tầm : Anh Duy - P.PTKD

zalo

Đặt hàng online

zalo