Mỗi ngày, 3 tỷ đồng trôi theo nước sạch

Tình trạng thất thoát nước sạch tại TPHCM đang ở mức nghiêm trọng: hàng năm lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Người dân đang phải gánh chịu khoản thất thoát này. Trong khi thất thoát lớn, nhiều nơi tại TPHCM lại thiếu nước sạch.

 

Sáng 11/11, vị trí xì bể tuyến ống cấp nước D1200 tại giao lộ Lê Lợi – Pasteur (quận 1) được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) khắc phục. Cách đây ít ngày, trong lúc đào thăm dò chuẩn bị cho công tác di dời, bảo vệ tuyến ống nước D1200mm trong phạm vi xây dựng gói thầu số 1a thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên thì tuyến ống trên bị xì vỡ. Hàng nghìn mét khối nước sạch chảy tràn ra đường trong suốt nhiều giờ.

 

Tiền tỷ “trôi” theo nước

 

Để hạn chế lượng nước thất thoát, Sawaco phải điều tiết mạng, cô lập vùng ảnh hưởng để sửa chữa, gây mất nước sinh hoạt đối với hàng nghìn hộ dân khu vực trung tâm thành phố. Đại diện công ty cấp nước Bến Thành cho biết vị trí tuyến ống được xây dựng lắp đặt hơn 50 năm đã bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí thay mới.

 

Tại buổi tọa đàm do Sở GTVT và Sawaco tổ chức mới đây, ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Sawaco cho biết tổng công suất cấp nước tại TPHCM hiện nay đạt gần 2 triệu m3/ngày đêm. Nếu các nhà máy nước phát hết công suất thiết kế, với tỉ lệ thất thoát gần 29% hiện nay, mỗi ngày TPHCM mất hơn 565.000 m3. Với mức giá thấp nhất trong định mức của đối tượng sinh hoạt hiện nay là 5.300 đồng/m3 (chưa VAT) thì mỗi ngày TPHCM mất gần 3 tỷ đồng vì thất thoát nước sạch, tức là gần 1.000 tỷ đồng/năm.

 

Ông Giang cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thất thoát nước là do hệ thống đường ống cấp nước được xây dựng cách đây hàng chục năm, đã cũ mục dẫn đến đường ống bị xì, bể hoặc do các công trình thi công lắp đặt công trình ngầm làm hư hỏng, rò rỉ, tình trạng gian lận trong sử dụng nước…

 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện công ty cấp nước Bến Thành cho biết khu vực trung tâm TPHCM hiện có trên 330 km đường ống, trong đó có khoảng 150 km ống lắp đặt từ thời Pháp, cũ mục, dễ phát sinh thất thoát nước. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ thay mới số ống này tuy nhiên, ngành cấp nước đang thiếu kinh phí nên số ống cũ thay thế không đáng kể.

 

Theo TS Ngô Hoàng Văn, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT, tỷ lệ thất thoát nước tại TPHCM còn cao so với các địa phương khác. Theo một chuyên gia của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thất thoát nước trung bình trên cả nước hiện nay là 24%.

 

Chậm khắc phục

 

Theo báo cáo của Sawaco, TPHCM hiện có 4 dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA đang triển khai, trong đó có dự án giảm thất thoát nước từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

 

Trước đây, khi chưa có dự án nói trên, lượng nước sạch thất thoát chiếm 41,5%. Khi dự án hoàn thành, tỷ lệ thất thoát giảm còn 36,54% trên toàn địa bàn và ở vùng 1 của dự án đạt mục tiêu đề ra. Riêng tại vùng 2 của dự án, do các điều kiện khách quan như cơ sở hạ tầng quá cũ, các đường ống cung cấp nước có từ khoảng hơn 130 năm trước nên thất thoát chỉ khắc phục được một phần.

 

Ông Bùi Thanh Giang cho biết, ngành cấp nước đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế, từng bước kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước từ 41% (năm 2009) xuống còn 30,43% năm 2015. Một trong những khó khăn trong việc chậm giảm tỷ lệ nước thất thoát được nói là do thiếu vốn đầu tư, trong khi đường ống cũ, mục còn khá nhiều và Sawaco đang cần vốn xây dựng thêm 3 nhà máy nước (Thủ Đức 3, Thủ Đức 4 và Tân Hiệp 2) với công suất gần 1 triệu m3/ngày.

 

Trước mắt, để giảm thất thoát nước sạch, Sawaco sẽ cho lắp đặt, di dời đồng hồ nước ra ngoài nhằm giảm phiền hà cho khách hàng và ngăn ngừa tình trạng gian lận. biện pháp này đã được công ty cấp nước Tân Hòa thực hiện với trên 15.500 đồng hồ được di dời, giảm được 5,5% lượng nước thất thoát. Trưởng khoa kỹ thuật hạ tầng đô thị Đại học Xây dựng Miền Tây Trần Thanh Thảo cho biết các nước tiên tiến trên thế giới có tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình khoảng 15%. Các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ lệ thất thoát nước sạch dao động trong khoảng 20 – 30%, trong đó thất thoát cao nhất là Philippines lên tới 60%.

 

Phát hiện rò rỉ nước sạch trên điện thoại

 

Đó là ý tưởng của ba sinh viên Đại học Bách khoa TPHCM vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thông minh về nước năm 2016. Xuất phát từ thực tế hiện vẫn còn khoảng 29% lượng nước sạch ở TPHCM bị thất thoát trong quá trình cấp nước, ba sinh viên Khoa Điện - Điện tử Đại học Bách khoa TPHCM gồm Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải, Võ Phi Long có ý tưởng thiết kế một ứng dụng có khả năng phát hiện được nguồn nước bị rò rỉ.

Theo bạn Trịnh Quốc Anh, thông thường, khi phát hiện rò rỉ nước, mọi người thường bỏ qua việc báo cáo vì không biết báo cáo với ai và quy trình báo cho bộ phận sửa chữa thường rắc rối và tốn thời gian

 

Cách hoạt động của ứng dụng là khi phát hiện có hiện tượng rò rỉ, người sử dụng truy cập ứng dụng, định vị vị trí và gửi thông tin về tổng đài. Nhờ sự hỗ trợ định vị của GPS, những người tiếp nhận kết quả sẽ có trách nhiệm phân tích tìm ra vị trí có lỗi hỏng về nước để có biện pháp sửa chữa kịp thời. Tính chính xác của ứng dụng có thể lên đến 80%

 

Nguồn: dantri.com.vn/kinh-doanh

Sưu tấm: Hữu Bằng – Bảo trì

zalo

Đặt hàng online

zalo