Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế

Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Chiều ngày 13/4, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn CEO năm 2018 với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế" với mục tiêu là tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong bối cảnh Việt Nam tích cực và chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời, tìm giải pháp vượt qua khó khăn, nắm bắt những cơ hội để hợp tác bình đẳng, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và quốc gia trong năm 2018 cũng như các năm tới.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể.

“Tuy nhiên, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận thành tích tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế", ông Tuấn cho biết. 

Theo Tổng cục Thống kê, thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua từng năm. Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tính chung giai đoạn 2007-2016, năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2011 của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Phillippin. 

Dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Tính theo năng suất lao động theo sức mua tương đương năm 2012, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% mức năng suất của Singapore, 17,6% của Malaysia, 36,5% của Thái Lan. Chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng. 

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, khoảng cách xa với các nước trong khu vực ASEAN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, nguyên nhân chính là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp. 

Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động còn thấp. Tiếp đến là trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hạn chế… 

Ông Ngô Văn Tuấn cũng lo ngại năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển. Cụ thể, với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau, khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm. 

"Có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi mà nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế", ông Ngô Văn Tuấn cho biết. 

Để tăng năng suất lao động của Việt Nam, kéo gần khoảng cách với các nước trong khu vực, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và các bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. 

Theo đó, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; trong đó thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam. 

Đồng thời, xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đề xuất thực hiện cụ thể vào một số lĩnh vực ở một số địa phương để Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp 4.0… 

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cũng cho rằng, với những nước đang trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam thì giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để tăng nhanh năng suất lao động là thu hút FDI vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao hơn. Đồng thời, kết nối những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia thông qua trao đổi thông tin, cải tiến kỹ năng và chuyển giao công nghệ. 

Ông Tuấn khuyến nghị, chúng ta cần có những chiến lược mới, định hướng mới trong việc thu hút FDI để khu vực này đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chuyển giao - nắm bắt công nghệ, tăng năng suất lao động cho nền kinh tế, nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân 5,5%/năm; có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020. 

Đại diện Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloite Việt Nam, bà Hà Thu Thanh cho rằng, trong sản xuất, yếu tố con người là điều kiện đầu tiên ảnh hưởng đến năng suất lao động. Do đó, chúng ta cần tiếp cận từ yếu tố con người. 

“ Tiềm năng để tăng năng suất lao động là rất cao nhưng phải được khai phá bởi người lãnh đạo, cần đưa ra được hệ chính sách tiền lương, tiền thưởng; đồng thời, cần tối ưu hoá chi phí đào tạo; yếu tố hệ thống quản trị Công ty và văn hoá doanh nghiệp mà ở đó cho con người ta sức sáng tạo…”, bà Hà Thu Thanh nhấn mạnh. 

"Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Tăng năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế, năng suất lao động cao đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, chống tụt hậu so với các nước trong khu vực", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh./.

 

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn: bnews.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP IT

zalo

Đặt hàng online

zalo