Nên uống thuốc với nhiều nước

Dùng một chất lỏng để đưa viên thuốc vào hệ tiêu hóa chính là đã chọn cho thuốc một dung môi hòa tan. Dung môi này có thể sẽ làm thay đổi độ tan, thậm chí tương tác với thuốc về mặt hóa học. Tốt nhất là bạn chọn nước lọc và đừng quá tiết kiệm.

 

Khi uống thuốc, nhiều người có thói quen nuốt khan viên thuốc hoặc dùng bất cứ chất lỏng gì sẵn có, như nước chè, nước vối, đồ uống có gas để sẵn trong tủ lạnh. Đối với trẻ nhỏ sợ uống thuốc, nhiều người dỗ dành cho uống với sữa, nước hoa quả hoặc nước đường. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc hấp thu thuốc, thậm chí làm giảm tác dụng điều trị.

 

Một số người lại có thói quen ngậm viên Co-Trimoxazol trong miệng để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp mà không dùng nước uống. Co-trimoxazol (còn có tên khác là Trimazol, Biseptol, Bactrim, Sultrim...) là một thuốc kháng khuẩn rất ít tan, có thể kết tinh ở ống thận làm tắc đường niệu, gây bí tiểu, tiểu ra máu, thậm chí gây sỏi thận hoặc sỏi đường tiết niệu. Vì thế, khi dùng nó, nên uống với nhiều nước.

 

Dùng nhiều nước là cách thích hợp để uống phần lớn các loại thuốc viên. Khi uống thuốc với nhiều nước, chúng ta đã tạo ra một dung dịch thuốc được pha loãng có thể tích lớn trong dạ dày, tạo nên áp suất lớn, làm dạ dày nhanh rỗng hơn. Điều đó có nghĩa là thời gian thuốc lưu lại tại dạ dày ngắn và dung dịch thuốc được nhanh chóng trôi xuống ruột - vị trí hấp thu tối ưu với đa số các loại thuốc uống.

 

Khi uống thuốc với một lượng lớn nước lọc, dung dịch tạo nên thường là nhược trương; lúc đó xu hướng chuyển nước từ trong lòng ống tiêu hóa vào mạch máu tăng lên nên sự hấp thu thuốc vào máu cũng tốt hơn. Uống thuốc với nhiều nước sẽ giúp thuốc tiếp cận với bề mặt của ống tiêu hóa nhiều hơn, tức làm tăng diện tích tiếp xúc nên thuốc được hấp thu nhanh hơn vào máu, hiệu quả điều trị của thuốc được kịp thời. Đối với những thuốc có độ tan kém, lượng nước uống kèm không những làm tăng độ tan, mà còn giúp thuốc hấp thu nhanh và triệt để hơn.

 

Ảnh hưởng của một số "dung môi" đến thuốc Nhiều loại đồ uống đóng sẵn hiện nay cũng có tác dụng dược lý, nhất là các loại nước ngọt có gas, bia, nước khoáng, nước ép hoa quả... Khi vào cơ thể, nó sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc trong đường tiêu hóa.

 

Không nên sử dụng nước khoáng, các loại nước uống đóng chai có gas để uống thuốc vì dễ gây những tương tác bất lợi, ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc. Bản chất của các loại nước có gas là pH kiềm. Với một số thuốc có bản chất acid như aspirin hoặc gardenan, nó sẽ làm tăng độ hòa tan, dễ làm tăng nồng độ thuốc đột ngột trong máu, dẫn đến ngộ độc thuốc.

 

Không nên dùng các loại nước lá (nước chè, nước vối...) vì chúng chứa chất tanin, dễ gây kết tủa với một số thuốc có bản chất alkaloid, làm mất tác dụng điều trị.

 

Một số loại chè thuốc như chè nhân trần, chè actichaud, nước cam thảo... bản thân chúng đã có tác dụng dược lý, vì vậy cũng không được dùng để uống thuốc. Các loại nước ép hoa quả, canh chua có tính acid nên rất dễ ảnh hưởng đến một số thuốc kém bền vững trong môi trường này như Ampicilin, Lincocin, Erythromycin.

 

Càng không nên dùng sữa để uống thuốc vì sữa là một hỗn dịch của nhiều vi chất, trong đó có một số ion kim loại có thể tác dụng với các hoạt chất thuốc, tạo thành phức hợp khó tan và không hấp thu được.

 

Như vậy, dùng nước lọc đun sôi để nguội uống thuốc là tốt nhất. Khi uống thuốc, nên uống ở tư thế sao cho viên thuốc nhanh chóng được nuốt trôi xuống dạ dày, đồng thời uống với nhiều nước để dung dịch thuốc phát huy tác dụng nhiều nhất theo yêu cầu điều trị.

 

 

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

 

Nguồn: vietbao.vn/Suc-khoe/Nen-uong-thuoc

Sưu tầm: Xuân Lạt

zalo

Đặt hàng online

zalo