Nên và không nên làm gì trong ngày Tết?

 

Theo quan niệm dân gian, có một số điều nên và không nên làm trong ngày Tết ai cũng cần lưu ý.

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, người Việt ở nhiều địa phương thường có những phong tục khác nhau. Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian, có một số điều nên và không nên làm trong ngày Tết ai cũng cần lưu ý.

Nên làm gì trong ngày Tết?

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vẫn là câu nói truyền miệng từ bao nhiêu đời nay. Cứ mỗi sáng mồng 1 Tết, khi thấy cô hàng muối rao qua nhà, các bà, các mẹ sẽ gọi lại để mua thêm ít mặn mà cho gia đình một năm thêm mặn nồng, bền chặt.

Đầu năm mua muối mong một năm mới mặn nồng, bền chặt. Ảnh minh họa: baodautu

Ngày nay, ngay trong đêm giao thừa, tại các góc ngã tư hay trước cổng đền, chùa, những chiếc túi nhỏ màu đỏ chứa chút muối bên trong cũng được bán cho mọi người với ý nghĩa may mắn, đủ đầy.

Nhắc tới đền, chùa, không thể không kể đến tục đi lễ chùa cầu may đầu năm. Đây đã trở thành một thói quen của không chỉ các tăng ni phật tử mà còn của phần lớn người dân.

Trong tiết xuân tươi mới, dưới làn hương trầm ấm, ai nấy đều cầu mong cho người thân và gia đình một năm mới đủ đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn, cầu mong cho con trẻ thông minh lanh lợi, học hành tấn tới...

Không chỉ có vậy, người xưa còn quan niệm rằng sau Giao thừa nếu hoa mai (loại 5 cánh) nở thêm nhiều và đầy đặn thì đó là một điềm may. Và may mắn hơn nữa khi có một hoặc vài bông hoa 6 cánh.

Tương tự với hoa đào, nếu hoa trổ bông có nhiều cánh kép (hoa kép) 3 lớp (hàng) trên đài hoa và có hình dáng như bông hồng thì sẽ có nhiều phúc lộc.

Còn với cây quất, nếu có đủ “tứ quý”: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ may mắn cả năm.

Những điều kiêng kị ngày Tết

Quan niệm xưa cho rằng, đầu năm kiêng cho lửa, cho nước... Bởi lửa là đỏ, là may mắn nên cho người khác cái đỏ trong ngày mồng 1 Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may. Nên người ta kị người khác đến xin lửa ngày mùng 1 Tết hay mất bật lửa ngày Tết.

Còn nước được ví như “nguồn tài lộc” trong câu chúc “tiền vô như nước”, nếu cho nước thì coi như … mất lộc. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước.

Ông bà ta kiêng quét nhà 3 ngày Tết nên dù ngày 30 có bận đến đâu, các gia đình cũng phải dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng đón Tết. Ảnh minh họa: astrostar

Ông bà ta còn kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết. Vì người Việt cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì Thần Tài sẽ… đi mất, tiền bạc sẽ ra khỏi nhà, mang lại điềm xấu, không may mắn cho gia đình.

Do đó, ngày 30 tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, bàn thờ sạch sẽ trước lúc giao thừa và những ngày Tết thì mọi người phải hết sức giữ gìn nhà cửa không vứt rác bừa bãi.

Ở Nam bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm vào vét sạch của cải.
Ở nông thôn ngày Tết, hiện nay còn có một số nhà vẫn giữ tục lệ rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng để xua đuổi ma quỷ.

Một số món ăn như: thịt chó, cá mè, thịt vịt… cũng nằm trong danh sách kiêng kị ngày Tết do quan niệm nếu ăn những thứ này vào dịp đầu năm hay đầu tháng sẽ xúi quẩy.

Bên cạnh đó, nhà nào có đại tang kiêng đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Ngoài ra, nhiều tục kiêng kỵ từ xưa như kiêng vay, mợn, trả nợ, kiêng làm đổ vỡ đồ vật, nói tới điều rủi ro... vẫn còn được lưu truyền tới ngày nay.

Nguồn: bnews.vn

Sưu tầm: Cao Thi - P. HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo