NÉT ĐẸP TRONG TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC

 

Chợ hoa ngày Tết

Chợ hoa Tết, từ lâu đã trở thành một trong những nét đặc trưng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Người đi chợ hoa không chỉ để chọn một cành đào, chậu mai mà còn là dịp tìm những phút giây thư thái trong tâm hồn, hi vọng về một mùa xuân đầm ấp, hạnh phúc và cùng nhau chào đón năm mới an khang, thịnh vượng. Mỗi vùng miền hội tụ mỗi lòai hoa khác nhau tạo nên một Việt Nam rực rỡ sắc màu.

Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà. Theo quan niệm, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu Xuân.

Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng , màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.

Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí.

Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ…; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet… Còn cây quất thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.

Mâm ngũ quả

Bên cạnh bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả cũng không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết của dân Việt. Mỗi miền sẽ có cách trình bày mâm quả khác nhau.

Nhưng nhìn chung, 5 loại quả sẽ thường thường xếp lại thành một thông điệp, ví dụ như “cầu vừa đủ xài thơm” (có 5 quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm (khóm, dứa), hoặc thêm quả phật thủ, loại quả nào mang ý nghĩa tốt tùy ý… để cầu chúc cho một năm tới may mắn, hạnh phúc, bình an, tài lộc,…

Mâm ngũ quả cũng làm bàn thờ Tết trông đầy đặn và đẹp mắt hơn. Chính vì vậy, việc đi chợ Tết và chọn mua trái cây về bày đã là phong tục lâu đời của người Việt.

Cúng Tất Niên

Vào chiều cuối năm, tức mùng 30 (có năm là mùng 29), các gia đình thường làm mâm cơm, mời gia tiên về dùng bữa gia đình. Đây là giây phút các thành viên quây quần bên nhau, ăn bữa cơm cuối để tiễn năm cũ và đón năm mới.

Bữa cơm tất niên là nét văn hoá đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình mỗi khi “Tết đến, xuân về". Mâm cỗ cúng gia tiên trong buổi chiều ngày cuối cùng của năm âm lịch với mỗi gia đình xưa nay vẫn là công việc vô cùng quan trọng và là nét đẹp truyền thống từ bao đời nay. Từ sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình lo làm cơm cúng để mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Người đàn ông trụ cột trong gia đình sửa soạn nơi thờ tự, thăm mộ rồi trở về làm lễ cúng.

Một số vùng có thêm câu đối đỏ, "gậy ông vải" (là 2 đôi mía còn đủ cả ngọn, lá tươi tốt, buộc khum vào nhau ở hai bên bàn thờ). Đặc biệt, trước khi cúng tất niên, cả gia đình đều phải có mặt, thành tâm kính lễ.

Lễ vật cúng không cần quá cầu kỳ mà chủ yếu thể hiện được tấm lòng thành. Mâm cơm đạm bạc, chỉ cần có đầy đủ các vị, các hàng đại diện cho các món mặn, chay, thể hiện được sự phong phú trong đời sống hàng ngày của cuộc sống. 

Trước là để cúng thần linh, ông bà tổ tiên, sau là cấp cho con cháu mọi thành viên trong gia đình cùng hưởng lộc và nói chuyện trò vui vẻ trong một năm đã qua, động viên nhau cố gắng, tạo nên một không khí gia đình đầm ấm trong gia đình.

 

Nguồn: baodautu.vn, bloganchoi.com, phunuonline.com.vn

Sưu tầm: Phương Trà – P. HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo