Ngành giáo dục với công tác bảo vệ môi trường
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục môi trường (GDMT) trong công tác bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, những chương trình hành động cụ thể, và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Các chương trình GDMT bao gồm cả chính khóa và ngoại khóa đã được triển khai tới tất cả các cấp học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, và vận động quần chúng cũng như các tổ chức xã hội khác tham gia vào việc bảo vệ mội trường tiến hành hàng năm. Hệ thống thông tin và dữ liệu môi trường cũng đã được xây dựng và ngày càng hoàn thiện hơn. Song song với những thành quả này, nội dung báo cáo cũng nêu lên những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Giáo dục môi trường (GDMT) nhằm giúp cho cộng đồng hiểu được bản chất phức tạp của hệ thống môi trường thiên nhiên cũng như nhân tạo để từ đó giúp con người có những hành vi đối xử “thân thiện” hơn đối với môi trường.
Ba mục tiêu của giáo dục môi trường
Giáo dục môi trường hoàn toàn không tách rời những giá trị về kiến thức, kinh nghiệm thực tế và cách thức thực hiện của từng địa phương hay khu vực về một quá trình tạo lập và phát triển bền vững. Giáo dục môi trường luôn trân trọng những tri thức bản địa và ủng hộ việc giáo dục tương ứng với việc học tập dựa trên môi trường địa phương, coi trọng việc giáo dục toàn cầu cũng như giáo dục môi trường địa phương, thậm chí về mặt cam kết và hành động lại hướng về cụ thể và địa phương: “Nghĩ – toàn cầu, Hành động – Địa phương”.
Những thông tin, kiến thức về môi trường được tích luỹ trong mỗi cá nhân sẽ nuôi dưỡng và nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chính họ, tạo nên những động cơ mạnh mẽ, những cam kết vững chắc hướng về một môi trường trong lành và phát triển trong tương lai. Bởi vì, mỗi cá nhân nếu đều có ý thức đóng góp những hành động dù nhỏ nhưng tích cực cũng sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn tốt đẹp hơn cho môi trường.
Mục đích cuối cùng của giáo dục môi trường là tiến tới xã hội hóa các vấn đề môi trường, nghĩa là tạo ra các công dân có nhận thức, có trách nhiệm với môi trường, biết sống vì môi trường.
Một khi các vấn đề môi trường đã được xã hội hóa thì những lợi ích kinh tế cho cộng đồng ngày một gia tăng và đặc biệt hiệu lực quản lý nhà nước tăng nhưng gánh nặng chi phí sẽ giảm. Do đó, những kết quả nghiên cứu về môi trường và các phương pháp khắc phục ở nhiều quốc gia trên thế giới đã đi đến kết luận chung là: không có giải pháp nào kinh tế và hiệu quả bằng việc đầu tư vào con người thông qua công tác giáo dục môi trường.
Một số phương thức và cách tiếp cận trong giáo dục môi trường
Giáo dục môi trường có nhiều phương thức, được phân chia thành các bộ phận phù hợp với trình độ nhận thức và tính chất đặc thù của cương vị công tác như:
Giáo dục môi trường cho cộng đồng còn gọi là nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng được thực hiện chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đợt tập huấn ngắn hạn, các hoạt động văn hóa, truyền thông và các cuộc vận động quần chúng rộng rãi.
Giáo dục môi trường cho các nhà quản lý các cấp, các cán bộ ra quyết định được thực hiện bằng nhiều biện pháp phù hợp.
Giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục và đào tạo ở các trường từ các trường mẫu giáo đến các trường cao đẳng và đại học.
Đào tạo nhân lực chuyên môn về môi trường, bao gồm công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy.
Như vậy, rõ ràng công tác đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng đều là những bộ phận vô cùng quan trọng không thể thiếu trong giáo dục môi trường, thực hiện những mục tiêu chiến lược của giáo dục môi trường.
Đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong học đường
Trao đổi với Tạp chí Môi trường & Cuộc sống, PGS.TS. Lê trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục & Đào tạo, cho rằng Giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giáo dục tại các nhà trường từ cấp học mầm non đến đại học. Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đối với các em học sinh, sinh viên đồng thời tạo hiệu ứng cho toàn cộng đồng, hướng đến các mục tiêu phát triển môi trường bền vững.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị 02/2005/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 01 năm 2005 về việc “Tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/07/2008 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong cả nước tổ chức triển khai các nhiệm vụ về giáo dục bảo vệ môi trường, đưa nội dung giáo dục môi trường vào trường học. Từ đó, hướng dẫn xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy, học tập và tài liệu tham khảo về Giáo dục bảo vệ môi trường (GDBVMT) của các cấp học, trình độ đào tạo làm cơ sở cho việc thực hiện thống nhất mục tiêu, nội dung và phương pháp GDBVMT trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông về các phương pháp tích hợp/lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào các môn liên quan trực tiếp đến môi trường như sinh học, địa lý, giáo dục công dân.., qua đó đã xây dựng được mạng lưới đội ngũ giáo viên cốt cán triển khai nhiệm vụ tập huấn, tuyên truyền về giáo dục bảo vệ môi trường tại cơ sở. Đội ngũ giáo viên cốt cán này đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc triển khai nhiệm vụ GDBVMT tại địa phương.
Cùng với đó là việc xây dựng được hệ thống các trường xanh sạch đẹp góp phần mở rộng các trường chuẩn quốc gia, đồng thời gắn với các hoạt động thông tin, tuyên truyền đa dạng và phong phú, từng bước nâng cao nhận thức giáo dục về BVMT trong hệ thống giáo dục quốc dân nói riêng và cho cả cộng đồng nói chung.
Với sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ, ngành, các giải pháp tích cực, cụ thể, thời gian qua các hoạt động giáo dục trong nhà trường, ý thức về bảo vệ môi trường của đội ngũ cán bộ, học sinh và sinh viên được nâng lên rõ rệt. Nhiều mô hình tốt về bảo vệ môi trường được xây dựng, nhiều nhà trường trở thành trường xanh-sạch-đẹp. Có thể khẳng định giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học đã đạt nhiều thành công, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ môi trường của toàn dân.
Giáo dục về bảo vệ môi trường là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của nhà trường và tập thể đội ngũ cán bộ và giáo viên. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường phải thấy được trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường, có những biện pháp giáo dục học sinh thường xuyên, tổ chức các hoạt động mang tính giáo dục cao và có sức thu hút học sinh, sinh viên tham gia một cách tự nguyện, thích thú.
Sưu tầm Trần Thị My – P,KTSX
Bài viết liên quan
- 4 sai lầm khi uống nước đang âm thầm làm hại trái tim nhưng nhiều người mắc
- Lợi ích của việc uống nước ấm hàng ngày: Không chỉ đẹp dáng, đẹp da...
- Lý do nên uống nước sau khi thức dậy vào buổi sáng
- Đừng tưởng uống nước là tốt, cứ uống theo kiểu này còn phá hủy tim - thận nhanh hơn cả nhiễm độc
- CÁC LỢI ÍCH KHÔNG NGỜ ĐẾN CỦA NƯỚC ION KIỀM SAPUWA+
- SAPUWA+ NÂNG CAO SỨC KHỎE TRONG HƠI THỞ HIỆN ĐẠI
- Tìm hiểu về chỉ số TDS trong nước?
- NHỮNG TƯỞNG ĐƠN GIẢN NHƯNG BẠN ĐÃ BIẾT UỐNG NƯỚC ĐÚNG CÁCH
- Bộ Y tế sắp cấp hộ chiếu vaccine toàn quốc: 12 thông tin nhất định phải biết
- NHỮNG ĐÔI VỚ TỪ NHỰA TÁI CHẾ
- TIP CHĂM SÓC SỨC KHOẺ HẬU COVID - 19
- KHÁI NIỆM ĐA CHIỀU CỦA “MẦM NON”