Ngụy biện gièm pha: Ai cũng thích nghĩ xấu người khác

 

Có bao nhiêu người thật sự tán thưởng và trân trọng thành công của người khác? Bao nhiêu người cất lên tiếng khen mà không thấy mình đang ngấm ngấm đố kị hoặc khao khát chính thành công đó?

Có bao giờ khi nhìn một người giàu có bạn lại không gợi lên trong bạn một tưởng tượng về tiền bạc và hưởng thụ? Hoặc có bao giờ bạn thấy một người xinh đẹp mà không gợn lên dục vọng hoặc một ác ý đố kị, hoặc chí ít là một mong ước thầm kín được đẹp đẽ như họ?

Tóm lại, bao nhiêu trong số chúng-ta không là con người, không chứa chấp bóng đêm và ghen ghét, dù là ngấm ngầm hay bộc lộ?

Tốt rồi, bóng đêm đầu tiên trong lòng chúng ta là thế đấy: Nỗi đố kị đến mức muốn sỉ nhục, công kích, gièm pha cá nhân. Đó chính là động lực to lớn cho phép ngụy biện đầu tiên:

GIÈM PHA (APPEAL TO SPITE)

Ví dụ thế này:

A: Thằng Thắng nó giỏi quá, lần này lại điểm xuất sắc.

B: Ừ bố mẹ nó đến nhà cô giáo chủ nhiệm suốt mà.

Việc Thắng được điểm xuất sắc là mệnh đề thứ nhất được A đưa ra. B thêm vào một mệnh đề thứ hai lồng vào mệnh đề thứ nhất nhằm giải thích nguyên nhân và nhân tiện bôi nhọ Thắng. Mặc dù biết đây là ngụy biện, gần như không ai cảm thấy có thể nói tốt cho Thắng được. Đó là vì đa số đều ghét sự vượt trội, và thích thấy sự vượt trội “lộ mặt” tầm thường của nó.

Và tất cả chúng bạn lắng nghe cuộc đối thoại của A và B, dù có nói ra hay không, cũng âm thầm ghi nhớ lập luận của B, và “xài” nó khi nào họ bộc phát. Hãy nhớ: Ngay cả A cũng chịu ảnh hưởng bởi lời nói của B, dù cho lúc đó A có phản kháng hay không.

Hoặc thế này:

A: Cái Hằng xinh quá, nét mặt tươi sáng hiếm có ấy.

B: Ừ xinh bây giờ nhiều, nhưng cặp được với con nhà giàu như Hằng là hiếm đấy!

Mệnh đề thứ nhất: Hằng xinh.

Mệnh đề thứ hai: lợi dụng cái vẻ xinh để cặp với con nhà giàu.

“Cặp với nhà giàu” bị xem là phản cảm. Kể cả nó chẳng có gì sai. Lí do là: Chẳng mấy người trong chúng ta có cơ hội ấy. Hằng có cả nhan sắc và cơ hội, đó chính là thứ “đáng ghét” nhất với chúng ta. Cách lập luận của B cũng rất độc địa: (1) thừa nhận Hằng xinh và (2) chế giễu giá trị của vẻ xinh xắn ấy.

Một ví dụ nữa nhé:

A: Giáo sư hướng dẫn tớ là chuyên gia đầu ngành.

B: Ừ chuyên gia đầu ngành nên tiền phong bì cũng đầu ngành. Nghe đây còn cặp với mấy cô sinh viên nữa.

Mệnh đề thứ nhất: Giáo sư giỏi nhất.

Mệnh đề thứ hai: Nhờ cái giỏi đó mà trục lợi.

Bạn hãy tin rằng ngay cả những người tin yêu vị giáo sư đó nhất, bảo vệ vị giáo sư đó bằng mọi bằng cớ đanh thép cũng từ sâu thẳm đồng ý với lời gièm pha kia. Họ có thể đáp lại thế này:

C: Giáo sư là người rất tốt và đã giúp đỡ tôi!

(Ủa thế còn chuyện nhận phong bì và tán tỉnh học trò?)

Ngụy biện gièm pha trực tiếp sỉ nhục người tranh luận hoặc người được nói đến trong tranh luận. Cấu trúc thuộc loại căn bản nhất của nó như sau:

Thiết lập một Mệnh đề A về đối tượng A

Mệnh đề A + Tính chất Y (tính chất Y rất đáng ghét, tồi tệ nói chung, khơi dậy sự căm ghét, ghê tởm, chê bai của mọi người)

Theo đó vì mọi người thấy Y đúng, nên thấy A sai. Chẳng hạn bạn định gièm pha cậu đồng nghiệp ngồi cạnh:

Mệnh đề A: Cậu ấy rất chăm chỉ và chịu khó đấy.

Mệnh đề A + Tính chất Y: Cậu ấy chăm chỉ và chịu khó đến mức lần nào gặp sếp cũng xum xoe ấy mà.

Vì ai cũng ghét chuyện xum xoe sếp (và ai cũng làm thế) nên cậu A là đáng ghét.

Đơn giản quá còn gì?

Trọng tâm của gièm pha là lợi dụng sở thích công kích người khác, cũng như lòng yếm thế đố kị của mọi người.

Thậm chí, người ngụy biện không cần nói sai sự thật. Anh ta chỉ cần lợi dụng tâm lí đố kị kèm theo một hiện tượng tâm lí nữa: Liên tưởng. Bất kể bạn nói xấu ai, dựa vào mức độ “tiêu cực” trong người nghe, họ sẽ tự liên tưởng việc xấu đó với hình ảnh người bị nói xấu. Một khi trí óc đã làm công việc ấy, nó âm thầm (hay công khai?) thừa nhận nó nghĩ xấu về người khác.

Vậy là đủ ghê gớm rồi chứ? Chưa đâu!

Nếu lồng vào ngụy biện gièm pha vài yếu tố có thật nữa thì càng ghê gớm. Đầu óc đố kị luôn biết tìm một điểm nào đó là bằng chứng để vội hét lên rằng, phải rồi, kẻ tốt đẹp kia thật tồi tệ.

Chẳng hạn:

A: Ông ta là một lãnh đạo tốt và thật thà hiếm có.

B: Đúng rồi, ông ta sáng nay áo vét đen, giày nâu bóng, mặt vênh váo bước vào phòng họp và không quên liếc nhìn cô bồ thư kí của mình trắng trợn giữa cả phòng.

Nếu ông sếp bị gièm pha kia quả thật sáng hôm đó mặc áo vét đen, giày nâu và đi vênh mặt đến mức mọi nhân viên đều để ý, thì chi tiết liếc nhìn tình nhân kia dù có thật hay không cũng lập tức được cho là thật. Ồ, là thật ấy hả? Vậy thì ông ta nào có tốt và thật thà gì đâu?

Chưa hết đâu. Bạn đã bao giờ bị bới móc chưa? Khi bố mẹ mắng bạn và lôi hết sai lầm quá khứ ra nhiếc móc? Cô người yêu kể lể việc bạn đã làm cô ấy thất vọng bao nhiêu lần vì trễ hẹn? Bới-móc-quá-khứ là một loại ngụy biện gièm pha hay thấy nhất.

A: Tôi đã bỏ thuốc lá đấy! Một nỗ lực kinh khủng!

B: À anh đã bỏ thuốc lá thành công đến lần thứ 5 nhỉ? Tôi nghe anh nói vậy từ năm trước rồi.

 Để bới-móc-quá-khứ, phải tìm hiểu rõ hoặc ghi nhớ kĩ về các vấn đề sai phạm trong quá khứ của người ta. Đó là lí do trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, thật dễ dàng thấy những lời bới móc quá khứ, các phát ngôn sai lầm hoặc các vụ tai tiếng từng xảy ra dẫu từ thời còn trẻ măng cách tranh cử đến hàng chục năm.

À thì, đây là cuộc đời, và ai cũng muốn gièm pha người khác.

Ai cũng muốn đay nghiến người khác.

Ai cũng muốn bôi nhọ người khác.

Vì lòng đố kị trong mình!

Và vì cả những tổn thương, tự ti trong mình.

Ai đã vượt qua tổn thương và tự ti, sẽ không bao giờ bị gièm pha ngụy biện lôi kéo, gạt gẫm.

 

Nguồn: oopsy.vn

Sưu tầm: Vũ Lâm - P. DVKH

zalo

Đặt hàng online

zalo