Ngụy biện người rơm

 

Bất chấp kết quả của thí nghiệm là gì, sẽ luôn có những người háo hức sẵn sàng:

Đưa ra những kiến giải sai về nó.

Làm giả nó.

Hay 

Tin rằng nó đúng với lý thuyết “ruột” của họ.

Trong quá trình giao tiếp, sẽ rất nhiều lần bạn gặp phải tình huống hiểu sai ý của người đang nói chuyện. Một trong những nguyên nhân là vì chúng ta có những thế giới quan khác nhau, do đó cách ta diễn dịch cùng một câu nói cũng có thể sẽ khác nhau. Cách bạn “mã hoá” thông điệp của mình và cách tôi “giải mã” thông điệp đó sẽ không bao giờ giống nhau được. 

Nhiều người, do vô tình hay cố ý, đã lợi dụng lỗ hổng này trong giao tiếp để giành chiến thắng bằng cách sử dụng một trong những ngụy biện tinh vi là Ngụy biện người rơm. Người sử dụng ngụy biện này cố tình bóp méo lập luận của đối phương, biến nó thành một lập luận yếu đuối để sau đó dễ dàng “xử lý” và tuyên bố trong vui sướng rằng lập luận của gã đối thủ kia đã bị đánh bại.

A: Tôi nghĩ nên để cho giới trẻ ngày nay nhiều khoảng trống hơn để có thể tự đưa ra những lựa chọn cho bản thân.

B: Tôi không đồng ý với anh. Không thể để lũ trẻ muốn làm gì thì làm được. Chúng sẽ mau chóng hư hỏng.

Ở đây, lập luận đầu tiên của người A là:

“Cho giới trẻ nhiều khoảng trống hơn để tự lựa chọn.”

Lập luận của người B là:

“Không thể để lũ trẻ thích làm gì thì làm.”

Lập luận của người B bóp méo lập luận của người A và biến nó thành một lập luận sai lầm. Tất nhiên chúng ta không thể để lũ trẻ thích làm gì thì làm, nhưng đó đâu phải là lập luận của người A. 

Mục tiêu đầu tiên của chúng ta khi sử dụng Ngụy biện người rơm là bóp méo các phát biểu của đối thủ. Để làm được điều này, chúng ta có thể phóng đại hoá phát biểu của đối thủ đến mức cực đoan vì những phát biểu cực đoan cực kỳ dễ phản bác. Chẳng hạn:

A: Nạn tắc đường thường xuyên xảy ra do lượng xe máy lưu thông ngày càng nhiều. Để giải quyết vấn nạn này, chúng ta phải hạn chế xe máy.

B: Không còn xe máy thì xây đường xá để làm gì.

Ở đây người A đưa ra một phát biểu về hạn chế xe. Người B cực đoan hoá phát biểu của người A bằng cách diễn giải lại phát biểu này trở thành không còn chiếc xe máy nào.

Ngụy biện Người rơm là một “đường binh” rất khôn ngoan. Bằng cách tạo ra một người rơm (lập luận cực đoạn bóp méo lập luận của đối thủ), chúng ta có thể dễ dàng đánh bẹp người rơm này. Trong tình huống xấu nhất, nếu đối thủ phát hiện ra bạn sử dụng ngụy biện này, người phạm ngụy biện sẽ tuyên bố rằng mình đã “vô tình” hiểu sai ý của người kia chứ không cố tình bóp méo nó và do đó bảo toàn hình ảnh của mình để tiếp tục cuộc tranh luận.

Ngụy biện Người rơm có thể được viết lại dưới dạng đơn giản sau đây:

1. Người A trình bày B.

2. Người C phản bác và đánh bại B. (một ý kiến/ phát biểu/ lập luận trông có vẻ là B nhưng thực ra là một phiên bản được bóp méo đến cực đoan của B.)

3. Do đó, B sai.

 

Nguồn: colorbond.vn

Sưu tầm: Yến Ngân – P.Kế toán

zalo

Đặt hàng online

zalo