NHÂN VIÊN CHIA BÈ KÉO PHÁI PHẢI LÀM SAO ĐÂY

 

Bất kỳ một tổ chức nào đó đều chịu sự chi phối bởi những quy luật chung của nhóm – của đám đông. Trong hoạt động của một doanh nghiệp, khi đám đông bắt đầu tìm được tiếng nói chung cũng là lúc tiếng nói riêng của một cá nhân bắt đầu có sức hút. Lẽ đương nhiên, không phải bao giờ sức hút của một cá nhân có thể trở thành “tiêu điểm” chung của cả một nhóm hay của toàn thể đám đông. Từ đó, sự phân chia bắt đầu xuất hiện và hiện tượng bè phái trở thành một hệ quả tất yếu…

Thực tế cho thấy trong đám đông thì sự lây lan tâm lý rất dễ dàng xảy ra. Trong môi trường doanh nghiệp, mỗi thành viên đều nỗ lực cố gắng hết mình nếu như đám đông tạo ra động lực thúc đẩy, thế nhưng cũng chính sự va chạm tâm lý trong đám đông sẽ dễ dàng dẫn đến hiện tượng bè phái.

Không phải ngẫu nhiên hiện tượng bè phái xuất hiện mà đầu tiên là do sự tương hợp tâm lý cá nhân theo kiểu “mức chùn thấp”. Khái niệm này mô tả hiện tượng thích nhau, hợp nhau không phải toàn diện mà ở một góc nhìn nào đó, ở một khía cạnh nào đó thế là họ gặp nhau và tạo nên tính cố kết.

Mức chùn thấp cho thấy cái nhìn của họ có phần chủ quan, cảm tính và tiêu cực mang màu sắc cá nhân không đủ lớn và đủ cao để tạo thành điểm chung của tập thể.

Thông thường, những hụt hẫng tâm lý, những bất mãn về quyền lợi, về các vấn đề có liên quan thôi thúc những người có cùng cảm xúc gặp nhau và từ đó tạo nên một liên kết mới. Liên kết này đôi lúc không có tôn chỉ rõ ràng, không có phương châm hoạt động một cách công khai nhưng luôn có những luật ngầm mà mỗi người đều mong muốn tuân thủ…

Hiện tượng bè phái này còn xuất hiện khi những vấn đề có liên quan đến lợi lộc được phát sinh. Một sự bất đồng của một cá nhân có thể được lan truyền thật nhanh và bè phái chống đối bắt đầu xuất hiện.

Một ứng xử sai lầm khá căn bản của người quản lý có thể tạo ra hiện tượng bè phái “nhắc nhở” hoặc “phản đối”. Một cơ hội mới cho những ứng viên chuẩn bị thăng tiến hay cơ cấu có thể tạo nên những liên kết mới để vận động hành lang, để tấn công trực tiếp cho bản thân mình.

Một sự bất hòa ngay trong quá trình thương thuyết, giải quyết mâu thuẫn có thể khơi gợi tâm hồn u tối của nhóm đối tượng để tạo ra bè phái nhằm lật đổ, tẩy chay… Một thủ lĩnh ngầm muốn trở thành lãnh đạo chính thức nên “gồng mình” rắp tâm xây dựng bè phái để tạo bàn đạp cho mình vùng vẫy… cũng là một kiểu bè phái rất độc đáo và sâu sắc.

Mỗi một cơ sở tâm lý đều đưa ra những góc nhìn khác nhau về bè phái nhưng chắc chắn rằng điểm chung rất quan trọng mà ai cũng nhận ra là hoạt động doanh nghiệp bị đình trệ, năng suất hoạt động hay chất lượng kinh doanh bị giảm sút là điều đương nhiên…

Ở những doanh nghiệp lớn, hiện tượng bè phái có thể gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Những biểu hiện đình công, bãi công, những hành vi phản  đối – phản ứng ít nhiều cũng có thể do hiện tượng bè phái chi phối.

Một số cá nhân vẫn ý thức rất rõ về hậu quả của chuyện bè phái nhưng cũng không ít cá nhân vẫn còn rất mù mờ về vấn đề này. Những cá nhân này thường cho rằng mọi chuyện vẫn thế thôi, đứng về số đông hay đứng về chân lý là đúng đắn và hợp lý.

Trong những trường hợp như vậy, việc  “a dua” theo đám đông hay việc ủng hộ mù quáng “chân lý còn đang hoài nghi” của bè phái hay của nhóm là một trong những sai lầm rất trầm trọng của nhiều công nhân, nhiều  nhân viên hiện nay trong doanh nghiệp – tổ chức…

 

Nguồn: edutainment.edu.vn

Sưu tầm: Hương Giang – P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo