Nói và Làm

 

Trong công việc và trong cuộc sống, nói và làm luôn là hai khía cạnh khá đặc biệt… Đó chính là hai trong ba loại hoạt động chủ yếu của con người: suy nghĩ, hành động, và lời nói.

Nếu tổ hợp việc nói và làm, chúng ta sẽ có 1 ma trận với 4 tổ hợp như bên dưới:

(1) Nói không giỏi, làm cũng không giỏi,

(2) Chỉ nói giỏi, mà làm thì không được như lời nói,

(3) Nói thì dở, im im lặng lặng, nhưng lại làm được việc,

(4) Nói năng thuyết phục, việc làm cũng đạt được kết quả tương ứng với lời nói.

Hãy thử đơn giản tự đánh giá, xếp loại bản thân xem bạn “lọt” vào ô nào trong 4 ô bên dưới? Tôi tin rằng, may mắn bạn có được cũng như sự tin cậy của mọi người có thể đặt lên bạn tuỳ thuộc vào việc bạn đang ở ô nào trong 4 ô này.

 

(1) Nói không giỏi, làm cũng không được việc

Có lẽ chẳng có ai muốn lọt vào ô thứ nhất (1) Chẳng nói năng được cũng chẳng làm được việc. Có lẽ đó là ô vô dụng nhất. Nếu chẳng may chúng ta thấy mình trong ô này, hãy cẩn thận. Đừng để lọt vào ô này. Bởi vì nếu bạn đang ở trong ô này, tôi chắc rằng bạn đang để cuộc đời này đẩy đưa bạn một cách vô định đến bất cứ bến bờ nào. Bạn đang rất mờ nhạt trong cuộc sống này.

(2) Chỉ nói giỏi, mà làm thì không được như lời nói

Tiếng lóng thông thường mọi người dùng để ám chỉ người trong ô thứ (2) này là NATO (no action, talk only). Trong công việc và trong cuộc sống, chắc hẳn bạn đã từng gặp qua kiểu người này. Thoạt đầu, bạn ấn tượng thật tốt khi thấy sự lanh lẹ, hoạt bát trong lời nói và đối đáp của họ. Nhưng dần dần, sau khi trải nghiệm qua công việc thực tế, chúng ta thường thật thất vọng với kiểu người như vậy. Khi chúng ta thấy họ chẳng động tay động chân làm việc gì giống như những gì họ đang đi “tuyên truyền” cả. Họ trở nên không đáng tin cậy khi chúng ta phải làm việc với họ. Các mối quan hệ sẽ khó mà phát triển được một cách mặn mà, bền chặt với loại người này.

Điều đáng chú ý hơn mà tôi quan sát được rằng: những người thuộc ô thứ (2) này thật ra họ rất thông minh, nhanh nhẹn trong suy nghĩ. Tuy nhiên, có vẻ như họ quá lạm dụng sự thông minh này. Và bởi vì khả năng nói tốt cộng với sự thông minh mà họ lại càng dễ ngộ nhận rằng họ có thể xoay chuyển mọi việc nhờ vào trí thông minh và khả năng hoạt bát trong lời nói của họ. Họ quá tự tin vào bản thân. Và nếu họ không nhận biết điều này thì càng ngày, họ lại càng quá tự tin trong ảo tưởng “giỏi giang” của họ. Họ càng xây dựng hình ảnh bản thân dựa trên sự ảo tưởng giỏi giang không thực này. Khi mọi người tiếp xúc với họ, cảm nhận không tin tưởng được sẽ là không tránh khỏi, dù rằng khi tranh luận, thảo luận bằng lời thì chẳng thể nào chỉ ra được mấu chốt sự thiếu tin tưởng này được bắt nguồn từ đâu.

Điều cần chú ý là trong công việc cũng như trong cuộc sống, chỉ có thực tế của kết quả có được và thực tế của sự đóng góp mới là tiêu chuẩn để đánh giá xem liệu con người này có hữu ích hay không, có đáng tin cậy hay không. Và đối với những người ở ô thứ (2) này, khoảng cách giữa lời nói và việc làm chính là nguyên nhân đánh mất niềm tin của đồng nghiệp đối với bản thân họ. Họ hứa mà không giữ lời hứa. Họ nói A, nhưng lại làm B. Trong tiếng Anh thì có câu “walk your talk” để chỉ để việc giữ được chữ tín. Và những người ở ô thứ (2) chính là những người mà vô tình hay cố ý thể hiện ra bên ngoài về việc “bất tín”. Do đó, họ không đáng tin cậy. Nếu bạn được mọi người dán nhãn không đáng tin cậy thì bạn đang từ từ đánh mất những gì là may mắn, là tốt đẹp ở cuộc đời này rồi.

(3) Nói thì dở, im im lặng lặng, nhưng lại làm được việc

Những ai ở ô thứ (3), tuy khả năng ăn nói hạn chế, nhưng công việc thì lại có thể chỉn chu. Họ thuộc loại lấy “cần cù, bù thông minh”. Tôi cũng thuộc loại người này với xuất phát điểm là dân kỹ thuật. Dân kỹ thuật chúng tôi là vậy. Không được hoạt bát trong lời nói. Khả năng giao tiếp xã hội cũng không được nhỉnh như bên các ngành xã hội. Chúng tôi thường chỉ tập trung vào làm việc, kiệm lời. Tôi nghĩ rằng, nếu phải chọn cộng sự thì tôi sẽ thích chọn người ở ô thứ (3) hơn là ô thứ (2). Bởi vì, ít nhất là công việc cũng sẽ được hoàn thành. Trong khi những người NATO thì chẳng có gì chắc chắn công việc sẽ được hoàn thành. Chưa kể là họ có thể gây xáo trộn trong đội ngũ do gây mất lòng tin của đội nhóm. Những người ở ô thứ (3) vẫn dễ gây được lòng tin và thiện cảm trong đội nhóm hơn những người ở ô thứ (2).

(4) Nói năng thuyết phục, việc làm cũng đạt được kết quả tương ứng với lời nói

Và cuối cùng là loại người mà lời nói đi đôi với việc làm. Chắc chắn rằng bạn sẽ vô cùng mãn nguyện khi đội nhóm của bạn là tập hợp của những người thuộc ô thứ (4) này. Đó là những con người trưởng thành, đáng tin cậy. Và cũng chính nhờ việc “walk the talk” này mà những con người này sẽ có xu hướng thăng tiến nhanh hơn, mau mắn hơn, thành công hơn. Chắc chắn là như vậy. Bởi vì đó là những con người có lòng tự trọng, nghiêm túc với bản thân. Và họ được sự yêu mến, được tin cậy và được hỗ trợ của bất cứ ai đã có cơ hội làm việc chung với họ.

Mục tiêu nói chung của chúng ta là dịch chuyển dần về ô thứ (4). Ô thứ (1) chắc chắn không phải là lựa chọn tốt rồi.

  • Nếu bạn đang ở ô thứ (1), tôi đề nghị bạn bắt đầu xắn tay áo lên và tìm một việc gì đó hữu ích cho bản thân, cho đội nhóm và làm. Làm mà không cần để ý ai sẽ biết đến việc mình làm (đôi khi như vậy lại dễ làm việc hơn nhiều).
  • Nếu bạn đang ở ô thứ (2), bạn cần chú ý đến lời nói, lời hứa của mình. Cần cân bằng giữa lời nói với những gì thực sự mình có thể làm được. Đừng chỉ dừng lại ở việc suy nghĩ và nói năng, mà hãy chú ý “xắn tay áo” lên để cùng cho mọi người biết rằng bạn là con người thực tế, nói được và làm được. Hãy walk your talk!
  • Nếu bạn đang ở ô thứ (3), hãy rèn luyện và cải thiện kỹ năng giao tiếp của bạn. Bạn không dứt khoát phải trở thành một người giao tiếp cực giỏi. Bạn chỉ cần biết cách để trình bày và cho những người xung quanh biết bạn đã đóng góp những gì cho đội nhóm, những khó khăn cũng như thành quả trong công việc của bạn hằng ngày. Điều đó sẽ giúp những người xung quanh hiểu bạn được nhiều hơn. Một cách tuyệt đối thì chẳng ai có thể biết rõ tường tận chúng ta đang làm gì mỗi ngày. Nên một trong những trách nhiệm cá nhân của chúng ta là cung cấp các thông tin đó đến những người xung quanh một cách đúng mực. Phương Tây thường gọi điều này là “sell yourself”. Vâng chúng ta cần phải “sell ourself”.

Và đây là câu hỏi dành cho bạn: Vậy, bạn tự xếp loại mình ở ô (1), (2), (3) hay là (4)? Tốt nhất là nói được, làm được. Còn không thì ít ra cũng làm cho tốt những gì chúng ta làm.

 

Nguồn: viethungnguyen.com

Sưu tầm: Cao Hà – Phòng HCNS

zalo

Đặt hàng online

zalo