Phải chăng bao biện đang ăn mòn chúng ta!

 

Tồn tại song song với thói quen tốt đó là thói quen xấu, trong mỗi con người chúng ta ai cũng tồn tại ít nhất một thói quen xấu mà bản thân chấp nhận sự tồn tại của chúng và sau đó bao biện cho chúng bằng những cách diễn giải khá hợp lý.

“Tôi bận”, “tôi không có thời gian để làm điều đó”, “Ôi trời, còn trẻ mà cứ chơi đi lo gì!”, “trẻ không chơi, già đổ đốn” hay cho rằng mình là nạn nhân của một hiện tượng “bất khả kháng” như “nay nhiều xe tắc đường quá” hay một bao biện mở rộng hơn “số nó thế rồi”, “ xui thôi”. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng nói hay nghe từ ai đó những lời biện minh như trên hoặc đại loại vậy.

Nhiều người cho rằng việc họ đi làm trễ không phải là vì bản thân không cố gắng dậy sớm mà vì “bỗng dưng” nay đường thật nhiều xe. Họ đổ lỗi cho bất kỳ thứ gì mà họ cảm thấy là vì thứ đó. Nhưng thực tế là chúng ta không thể dời chiếc giường yêu quý  cùng với giấc mơ đẹp buổi sáng sớm hơn 10 phút. Chúng ta không nghĩ rằng như vậy là đang dung túng cho thói xấu của bản thân và cũng khiến cho người nghe khó chịu vì lý do “phi thường hợp lý” đó.

Tôi nhớ khi còn là sinh viên, trong một lần phỏng vấn ở một Công ty bất động sản tôi đã bị trễ 10 phút so với giờ hẹn phỏng vấn. Đó là lần đầu tiên tôi đi tuyến xe buýt đó và tôi đã không biết rằng khi đi tuyến xe này tôi phải đợi lâu hơn các tuyến khác từ 15-30 phút. Ồ! Hình như tôi vừa bao biện cho lỗi lầm của mình bằng cụm từ “lần đầu tiên”. Nhưng không sao vì tôi đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi bản thân. Nếu như tôi không thể dứt khỏi ổ ngủ của mình sớm hơn 10 phút vậy tôi sẽ dậy sớm hơn “thời gian” 10 phút. Tôi đã cài đặt lại thời gian trên điện thoại và đồng hồ của mình chạy nhanh hơn với thực tế 10 phút. Và tôi đã quen với việc thời gian của mình chạy nhanh hơn của người khác 10 phút. Tôi đã không còn trễ hẹn phỏng vấn, tôi đã có 10 phút mỗi ngày cho việc kẹt xe khi đi làm và tôi có 10 phút cho thật nhiều thứ khác.

Thời gian là định lượng hiện thực duy nhất không vì ý chí của con người mà chạy chậm lại hay trôi thật nhanh. Muốn kết thúc một phút phải trải qua 60 giây. Con người muốn tới tuổi 30 phải đi hết 29 năm trước đó. Và mỗi một khoảng thời gian đã trôi qua thì tất cả đều đã trở thành quá khứ, không ai quay lại cũng không ai lấy lại được.

Nhưng nhiều người lại không ý thức được dòng chảy của thời gian. Chúng ta cho rằng năm phút của quá khứ cũng như năm phút của hiện tại và tương lai. Chúng ta không biết rằng 1 giờ của tuổi 20 và 1 giờ của tuổi 80 thật nhiều khác biệt vì thế chúng ta luôn để mọi việc “từ từ rồi làm” hay ‘để mai tính”, “còn nhiều thời gian mà khi nào làm chả được”. Để rồi những ngày sau đó chúng ta lại biện bạch bằng những lý do hợp lý hơn “tôi không có thời gian” hay nói một cách trắng trợn khác “ai mà biết, biết trước đã giàu”. Chúng ta đã thành công trong việc chối bỏ trách nhiệm của bản thân, đổ thừa cho vật thế thân đem những trách nhiệm đó phủi sạch sẽ. Nhưng chúng ta thất bại với chính bản thân, dọn đường cho những sai lầm tiếp tục được đeo bám chúng ta và thật khó khăn để thay đổi chúng. Đồng thời bỏ lỡ thật nhiều điều mà có lẽ chúng ta có thể hoàn thành nó ở nhiều năm trước đây.

Có lẽ vì chúng ta cùng tồn tại một loại tật xấu đó là thói quen bào chữa, bao biện vì vậy chúng ta hiểu cảm giác, suy nghĩ của nhau và cùng bao biện cho nhau. Thế nên những lời biện bạch càng được củng cố và đáng tin hơn bởi sự đồng cảm của lực lượng những người từng trải khi họ nói” đúng vậy, tôi hiểu mà. Tôi cũng bị y chang vậy”. Nhờ những lời “động viên” như thế mà trong lòng chúng ta nảy sinh môt cảm giác nhẹ nhõm và  yên tâm cho thói bao biện của bản thân, càng thêm dung túng và phát triển nó thành một lời bào chữa mới “người ta cũng như mình mà, ai cũng thế cả thôi”. Và dần dần chúng ta xây dựng cho mình tường thành biện minh êm tai dễ nghe và vô cùng hợp lý. Cuộc sống cũng vì thế mà dần dần trở nên tồi tệ hơn, bản thân càng trở nên “tha hóa”.

Bằng một lập luận đơn giản chúng ta có thể hiểu khi một phương pháp đem lại hiệu quả khi giải quyết một vấn đề nào đó thì hiển nhiên phương pháp đó sẽ được đưa vào áp dụng rộng rãi. Tương tự với việc thường xuyên biện bạch, mỗi một lần biện bạch thành công khiến cho lỗi lầm cũng chúng ta thăng lên một cấp tồi tệ, như vậy qua nhiều lần biện bạch, lỗi lầm chúng ta trở nên trầm trọng hơn. Từ đó những lời bào chữa bỗng được thốt lên một cách vô thức như một chiếc máy tự động đã được lập trình sẵn danh sách “lời bao biện”. Chúng ta lún sâu trong điều tệ hại đó, nhắm mắt chấp nhận nó để giữ “thể diện” cho bản thân.

Bao biện đã đánh mất nhiều cơ hội của chúng ta, đó là sự thật chúng ta đều nhìn thấy nhưng lại không thừa nhận. Chúng ta hoàn toàn có thể túm đầu chúng, kéo từng sợi rễ ăn mòn bên trong ra khỏi bản thân để mỗi bản thân chúng ta đều trở nên tốt đẹp hơn.

 

Người viết: Thuý Biên – Nhân viên P.PTKD - SAPUWA

zalo

Đặt hàng online

zalo