Phát triển “kinh tế xanh” bảo đảm các Mục tiêu Thiên niên kỷ

“Kinh tế xanh” (KTX) là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. KTX là xu hướng phát triển, là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới và đang được xem là mô hình mới, giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Đây cũng là một yếu tố cần thiết để chúng ta đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Xanh hóa nền kinh 

Sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam trong hơn 20 năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, đã tạo ra những vấn đề cấp bách đối với môi trường. Đặt gánh nặng lên các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế gắn với trách nhiệm xây dựng và bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia về kinh tế, KTX được hiểu một cách đơn giản, là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội. Các hoạt động trong nền KTX tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người, đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường, 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

Việt Nam đã tiếp cận với KTX bằng những chương trình cụ thể, khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, gắn tăng trưởng với công bằng xã hội, giảm đói nghèo và bảo vệ môi trường… Chúng ta đã có những chính sách hướng tới nền KTX như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chiến lược sản xuất sạch hơn đến năm 2030...

Bên cạnh đó, để phát triển đất nước và hội nhập giao lưu với quốc tế, Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng mang tính chất chiến lược như Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 5/12/2011 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12/4/2012 về phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 19/2/2013 về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, hoàn thiện chính sách pháp luật đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường trong tình hình mới. 

Chúng ta cũng đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng xanh, theo lộ trình đến năm 2020, GDP bình quân đầu người ít nhất gấp đôi so với mức 2010, đồng thời giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5 - 3% mỗi năm, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 10-15% so với mức 2010; hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại và hiệu quả, trong đó giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 42-45% trong tổng GDP, yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, chấm dứt suy thoái môi trường, từng bước tạo điều kiện để chuyển sang nền KTX, phát triển bền vững đất nước.

Đến năm 2030, Việt Nam đạt trình độ nước có thu nhập trung bình trên thế giới, thiết lập được đầy đủ nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp để thực hiện phổ biến phương thức tăng trưởng xanh. Giảm tổng mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 2-3%; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt ít nhất 50%. tài nguyên thiên nhiên được khai thác và chế biến sâu; môi trường được phục hồi và cải thiện đạt các tiêu chuẩn cơ bản về sạch và xanh.

Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn lớn, ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy: Tổng thiệt hại kinh tế của nước ta trong thời gian qua do ô nhiễm môi trường gây ra tối thiểu từ 1,5% - 3% GDP.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam còn phải chịu thiệt hại hơn 780 triệu USD trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã cho thấy, quá trình phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế thấp, chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.

Phát triển kinh tế xanh đáp ứng yêu cầu hội nhập

Chủ trương của Đảng và nhà nước ta thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang mở ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, KTX. Bảo đảm hướng đến nền KTX là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách thực thi của nhà nước nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh “chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu” gắn với khai thác, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, đòi hỏi phải thay đổi ngay trong cơ cấu của nền kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu các thành phần kinh tế hướng đến ưu tiên những ngành, những vùng, và thành phần kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên.

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Cùng với đó, giảm khí phát thải nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác; cần xanh hóa lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững, trong đó thực thi đô thị hóa bền vững, xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hoà với môi trường. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ chính thức, các nguồn đầu tư từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cho bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới xây dựng nền KTX.

Từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với sự phát triển KT-XH; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020; triển khai hiệu quả Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Chương trình Mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đồng thời động viên, khuyến khích phát triển những công nghệ, mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường.

Hoàn thiện và ban hành hướng dẫn đầu tư công xanh, phối hợp các tổ chức nước ngoài, các quốc gia trong khu vực để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm. Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, nguồn đầu tư nhà nước và ODA để hình thành môi trường thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực biến đổi khí hậu, TTX (dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm/nghiên cứu điển hình); Giới thiệu các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất điện.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng; giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải, thương mại; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông, như: Sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững bằng cách chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp

 

 

ĐOÀN NGUYÊN

Nguồn: tapchitainguyenvamoitruong.vn

Sưu Tầm: Thanh Bình – BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo