PHONG TỤC ĐÓN TẾT CỔ TRUYỀN NAM BỘ

 

Trong những cơn gió se lạnh những ngày cuối đông là những tia nắng sưởi ấm những cành mai đang chực chờ hé nở đón Tết. Năm nay Tết đến sớm hơn, người người, nhà nhà chạy đua với Tết, mọi người hối hả cho xong việc cuối năm để về nhà đón Tết.

Tết mỗi vùng miền với những phong tục khác nhau, hãy cùng Phương Anh tìm hiểu những phong tục đón Tết của bà con vùng sông nước Miền Tây nhé!

1. Chợ Tết trên sông

Đây là phong tục và nét văn hóa rất riêng đặc trưng ở Miền Tây,bởi cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với sông nước. Chợ Tết trên sông cũng giống như các chợ Tết trên bờ khác, chợ họp từ rất sớm, trên những chiếc xuồng ghe nối đuôi nhau người mua kẻ bán tấp nập. Chợ Tết trên sông bán rất nhiều loại hoa, trái cây, bánh kẹo ngày Tết. Tiếng rao của người này xen lẫn tiếng trả giá mua hàng của người kia tạo nên không khí rất miền Tây và rất Tết.

2. Chợ hoa ngày Tết

Cũng giống với người miền Bắc, thú vui chơi hoa vào những ngày Tết của người miền Nam cũng rất thú vị.

Hoa Tết đặc trưng tại Miền Tây là hoa mai. Trên hầu hết các con đường có thể dễ đang bắt gặp những chậu hoa mai lớn, có những gốc hàng chục năm được người bán đem trưng bày. Những gốc mai có giá hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng được người mua vây quanh nhìn ngắm.

Ngoài ra các loại hoa cúc đủ màu sắc, hoa vạn thọ, hoa đồng tiền, hướng dương,… được rất nhiều gia đình lựa chọn để trang hoàng nhà cửa dịp Tết với ước muốn may mắn trong năm mới.

3. Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”. Mâm ngũ quả thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể chưng  xoài hoặc thơm. Gần đây có phát hiện thêm quả Dư cũng được trang trí trên mâm ngũ quả cầu mong được dư dã, sung túc.

Ngoài ra trên bàn thờ nhà nào cũng đều có cặp dưa hấu đỏ hoặc vàng. Dưa  hấu lựa chưng tết là dưa hấu quả tròn, đẹp , hai quả phải cân xứng nhau. Ngày nay dưới sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của những người bán, quả dưa hấu được trang trí đẹp và ý nghĩa hơn với chữ khắc trực tiếp lên vỏ như: Phúc, Lộc, Thọ, Như Ý, Cát Tường,.. một số quả có hình vuông, trái tim.

4. Mâm cỗ ngày Tết

Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu, dưa cải trong mấy ngày tết.

Đặc biệt trong ngày Tết ở Miền Tây và Nam Bộ nói chung nhất định phải có  bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác.

Đặc trưng của Nam bộ đó là món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm mà không nơi nào có được.

Dù giàu hay nghèo, người miền Nam cũng không thể thiếu những món ăn ngày tết truyền thống từ lâu đời. Món thịt kho tàu là thịt ba rọi (ba chỉ) thái to khoảng trên bốn phân nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt.

Còn có món khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt với ý nghĩa ” cho cái khổ đi qua” .

Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sáng ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.

6. Các món mứt ngày Tết

Các món mứt ngày Tết ở Miền Tây thì nhiều vô số kể, bởi các loại cây trái nơi đây vô cùng phong phú, mỗi loại lại cho ra đời một món mứt Tết thơm ngon. Tuy nhiên đặc trưng nhất có thể kể đến là: Mứt dừa, mứt chuối, mứt gừng,..

Mứt dừa: được làm từ cơm dừa cứng, bào mỏng, rửa sạch và để ráo nước, ướp đường độ một đến hai giờ rồi đảo liên tục trên chảo, khi nào thấy khô mới mang xuống. Ngoài vị dừa cơ bản vốn đã béo bùi, người ta còn cho thêm sầu riêng để mứt có thêm hương nồng nàn, riêng có của món mứt dừa phương Nam.

Để cho món mứt thêm đẹp người ta thêm vào màu vàng của sầu riêng, àu xanh của lá dứa, tim tím lá cẩm, màu đỏ cam của gấc.

Mứt gừng: Cứ tầm sau hai ba tháng chạp, chợ Tết miền Nam lại nhộn nhịp các bà, các cô mua gừng về chuẩn bị làm mứt. Mứt gừng miền Nam ưa loại mứt dẻo, không quá cay, chẳng quá ngọt, chỉ vừa đủ là, gai vị giấc rung lên vị tê tê thích thú. Gừng được xào chung với đường, thêm đậu hộng rang chín, bỏ vỏ, giã sơ rồi rắc lên trung hòa bớt vị ngọt của mứt, làm tăng thêm vị béo bùi hấp dẫn.

 Mứt chuối: Với cách làm truyền thống, mứt chuối dẻo ngọt đậm đà sẽ là món quà quê phù hợp với mọi lứa tuổi. Mứt chuối dẻo mềm, ngọt thơm, vị chuối hòa quyện với vị bùi bùi của đậu phộng, vị béo của nước cốt dừa, vị cay của gừng, vị chua của khóm, bên ngoài là lớp bánh tráng sữa mềm,chỉ cần cắn một miếng thôi là đã mê tít.

7. Lễ nghi ngày Tết

Chiều 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời, sau khi chuẩn bị xong cơm chiều, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cổ để đưa ông táo về trời. Người Việt Nam nới chung và Miền Tây nói riêng quan niệm Ông Táo là vị thần giữ lửa trong bếp nhà, mỗi năm Ông sẽ về trình với Ngọc Hoàng những điều mà chủ nhân trong nhà đã làm trong một năm qua.

Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên lun nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”.

Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng con gà trống luộc.

Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.

Đêm 29-30 là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… rất huyên náo.

Mùng 1 Tết là ngày đầu năm mới, mọi người sẽ đi lễ chùa cầu bình an

Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành, đặc biệt là chúc Tết và trao lì xì

Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.

Những phong tục cổ truyền của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

 

Nguồn: phuonganhtourist.com

Sưu tầm: Ánh Hoa-P.Kế toán

zalo

Đặt hàng online

zalo