Phú Yên: Hàng ngàn tỷ đồng khắc phục thiếu nước sinh hoạt cho người dân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà, tỉnh đã đăng ký danh mục các dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các nguồn vốn khác với tổng vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng.

 

Đến nay có ba dự án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, gồm hai dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 và thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân; sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước thôn Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu với tổng mức đầu 44,6 tỷ đồng; đồng thời ban hành danh mục các dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt bền vững tại các vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sinh hoạt theo nhiều hình thức để huy động các nguồn lực đầu tư.

 

Tỉnh Phú Yên có 89 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung do Nhà nước đầu tư với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm này, chỉ còn 32 công trình hoạt động hiệu quả, còn lại là hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động.

 

Mặc dù các công trình nước được đầu tư khá dày, nhưng hằng năm vào mùa nắng nóng, Phú Yên có ít nhất từ 6.000 đến 7.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt nhất là mùa khô 2016 vừa qua với gần 10.000 hộ thiếu nước. Nhiều nơi, công trình nước nằm trong khu dân cư, nhưng người dân vẫn phải lấy nước suối hoặc mua nước ở nơi khác về dùng với giá gấp 10 lần giá Nhà nước quy định, nhất là ở các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh Đồng Xuân, Tuy An...

 

Theo ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nguyên nhân các công trình nước hoạt trên địa bàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng là do đầu tư quá dàn trải, không tính toán kỹ đến yếu tố lâu dài về biến đổi khí hậu và công tác quản lý, vận hành.

 

Hàng năm tỉnh Phú Yên phải đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí nhiều tỷ đồng tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt và riêng 2016 là 11,4 tỷ đồng, trong đó có cả công tác chống hạn cây trồng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã bỏ ra 4,2 tỷ đồng trong điều kiện khó khăn cho các địa phương giải quyết nước sinh hoạt cấp bách cho nhân dân, chủ yếu là khoan bổ sung và đào các giếng gần khu dân cư.

 

Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là tất cả công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Trung ương. Hiện, chương trình này đã được lồng ghép vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên không còn nguồn vốn riêng để đầu tư, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước.

 

Người dân xã Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa phải mua nước về sử dụng

 

Vệ Giang

 

Nguồn: dangcongsan.vn/xa-hoi

Sưu tầm: Thị Hà - KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo