Sống vui, sống thọ cùng công nghệ

 

TTCT - Người lớn tuổi có thể không bao giờ bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ, nhưng công nghệ nhân văn đích thực là khi biết nhìn lại và không bỏ rơi một thế hệ cần đến nó nhất.

Năm 2020 ghi nhận lần đầu tiên số người từ 60 tuổi trở lên trên thế giới nhiều hơn số trẻ em dưới 5 tuổi, và nhóm tuổi trên 60 được dự báo sẽ tiếp tục tăng gấp đôi lên xấp xỉ 2 tỉ người từ nay đến năm 2050, theo một báo cáo về tình trạng già hóa dân số của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Những cải thiện về sức khỏe cộng đồng, dinh dưỡng và năng lực y tế đang giúp con người kéo dài tuổi thọ, nhưng những ứng dụng công nghệ tiên tiến mới là thứ sẽ khiến quãng đời cao niên trở nên đáng sống hơn.

Dưỡng lão tại gia

Giữa đỉnh dịch ở Anh đầu hè năm ngoái, Paula Tinker quyết định nghỉ công việc cũ để thử sức với hướng đi mới: chăm sóc người cao tuổi. Nghề này không xa lạ gì ở xứ sở sương mù, nhưng dịch bệnh khiến công việc truyền thống tưởng chừng rất đơn giản này cũng phải chuyển đổi số để thích nghi.

Công ty mà Tinkler được nhận vào thử việc là Cera Care, một “nhà cung cấp dịch vụ điều dưỡng ứng dụng công nghệ” theo lời tự giới thiệu trên trang web. Khác với các nhà dưỡng lão truyền thống, Cera Care không sở hữu hay vận hành một cơ sở vật lý nào.

Thay vào đó, nền tảng này cho phép thuê dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà bằng cách kết nối người có nhu cầu với những người chăm sóc chuyên nghiệp, tương tự mướn người giúp việc theo giờ. Nền tảng còn liên kết với Uber để đưa đón người già từ nhà riêng đến bệnh viện theo lịch khám bệnh định kỳ, và sử dụng một dịch vụ giao hàng khác để gửi thuốc đến tận nhà.

Theo Đài BBC, Cera Care đã gọi vốn thành công hơn 77 triệu bảng Anh từ khi thành lập vào năm 2016 và hiện cung cấp khoảng nửa triệu lượt chăm sóc tại nhà mỗi tháng. “Cứ 3 người sinh ra ngày nay thì có 1 người sẽ sống đến 100 tuổi... Cầu đang vượt cung, và không có đủ nhà điều dưỡng cho tất cả mọi người” - Ben Maruthappu, CEO và người đồng sáng lập của Cera Care, nói với BBC.

Công nghệ không chỉ là công cụ để kết nối với khách hàng. Martha, một trợ lý ảo do Cera Care phát triển để hỗ trợ điều dưỡng viên trong các công việc hằng ngày, có thể chủ động đưa ra khuyến nghị dựa trên thông tin thu thập trước đó về khách hàng. Năm 2019, công ty hợp tác với IBM để thử nghiệm việc lắp đặt cảm biến Lidar - thường dùng cho xe tự lái - trong nhà của khách hàng cao tuổi, giúp thu thập dữ liệu về mức độ di chuyển của người được theo dõi và phát đi cảnh báo đến người chăm sóc nếu phát hiện họ bị ngã. Công nghệ này giúp giải quyết bài toán hỗ trợ 24/7, khắc phục một điểm yếu của các dịch vụ chăm sóc theo giờ truyền thống.

Cera Care không phải là công ty duy nhất ứng dụng công nghệ để giúp người cao tuổi có cuộc sống độc lập và khỏe mạnh, và các mô hình mới hướng đến đối tượng này được dự báo sẽ ngày càng trở nên phổ biến trước tình trạng già hóa nhanh chóng của dân số thế giới.

Các thiết bị trợ thính hiện đại nhất ngày nay đã được tích hợp tính năng phát hiện té ngã. Alfred, một quản gia ảo do Liên minh châu Âu phát triển, có thể tương tác với những người lớn tuổi và hướng dẫn họ thực hiện các bài tập thăng bằng và rèn luyện thể chất hằng ngày. Xe tập đi thông minh LEA của một công ty Hà Lan thì có thể tự tránh chướng ngại vật, thiết kế bài tập, giúp nhặt đồ vật dưới đất và thậm chí trở thành bạn nhảy của người sử dụng...

Ảnh: Getty Images

Tuổi già đáng sống

Tuổi thọ trung bình ngày càng tăng là điều đáng mừng, nhưng sẽ phần nào mất đi ý nghĩa nếu sống đến 100 tuổi mà lại không đủ sức khỏe để tận hưởng được cuộc sống của chính mình.

Thực tế cho thấy khi độ tuổi trung bình của dân số tăng lên, số người mắc các “bệnh người già” như viêm xương khớp, tiểu đường, béo phì, đột quỵ, bệnh tim, bệnh hô hấp, tăng nhãn áp và Alzheimer cũng tăng theo.

Ngày nay các chính phủ bắt đầu để tâm hơn đến cải thiện chỉ số “healthspan” - số năm “sống khỏe” và không mắc các bệnh mãn tính trong tuổi đời của một người. Đơn cử, Chính phủ Anh đã đề ra một “thách thức lớn” là tăng thêm 5 năm healthspan cho mỗi công dân vào năm 2035. Đây là nơi công nghệ thật sự tỏa sáng.

Giải thưởng Smart Ageing năm 2018 do Tổ chức Nesta (Anh) trao cho “các giải pháp trao quyền cho người lớn tuổi” đã vinh danh Komp, một sản phẩm máy tính bảng dành cho người cao tuổi với thiết kế lấy cảm hứng từ những chiếc tivi đời cũ với chỉ một núm xoay để chuyển kênh. Komp cung cấp một giải pháp đơn giản để chia sẻ ảnh và gọi video cho gia đình và bạn bè, với các thao tác dễ hiểu ngay cả với những người chưa từng sử dụng các sản phẩm công nghệ.

Máy tính bảng Komp lấy cảm hứng từ tivi đời xưa. Ảnh: No Isolation

Với những ai có nhu cầu giao tiếp xã hội thường xuyên hơn, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh không thể tụ họp bạn bè, không thiếu các sản phẩm robot thông minh sẵn sàng trở thành người bạn tri kỷ bên ta tuổi xế chiều. Như robot Pepper do tập đoàn SoftBank của Nhật sản xuất đã được dùng để mua vui cho những vị khách đến sinh hoạt tại một câu lạc bộ người cao tuổi ở thủ đô Praha, Cộng hòa Czech. Hay như chú robot hải cẩu đáng yêu Paro biết uốn éo và kêu meo meo khi được âu yếm đang là một trong các giải pháp trị liệu cho người mắc chứng suy giảm trí nhớ tại các nhà điều dưỡng.

Nguồn: cuoituan.tuoitre.vn

Sưu tầm: Văn Phát - Tổ Kỹ thuật

 

zalo

Đặt hàng online

zalo