Sự gắn kết nhân viên là gì? Điều gì hình thành nên sự gắn kết nhân viên?

 

Gắn kết nhân viên là một trong những vấn đề quản trị ảnh hưởng lớn đến thành công của một doanh nghiệp. Tại sao mọi doanh nghiệp đều cần sự gắn kết và sự gắn kết được hình thành như thế nào?

Bí mật của những tập đoàn lớn như Shell, BP, Castrol,... vượt qua bao sóng gió, đứng vững trên thương trường là nhờ có đội ngũ nhân viên gắn kết, cùng đồng lòng qua mọi thăng trầm với công ty. Nếu không có sự gắn kết, các doanh nghiệp chỉ là tập hợp những chủ thể rời rạc được phân cấp nhân viên, giám đốc cấp trung và lãnh đạo cấp cao. Họ chỉ tập trung với nhau vì lợi ích ngắn hạn và sẽ sớm rời đi khi nhu cầu không được đáp ứng.

Do đó, sự gắn kết nhân viên là yếu tố nòng cốt duy trì sự sống còn của tổ chức. Vậy, thế nào là sự gắn kết? Điều gì hình thành nên sự gắn kết nhân viên và làm thế nào để đo lường chúng?

Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

 

Sự gắn kết của nhân viên (Employee Engagement) là gì?

Cho đến nay, thuật ngữ “Sự gắn kết” vẫn chưa có định nghĩa hoàn chỉnh và gây hoang mang cho nhiều người. Mỗi định nghĩa đều tiếp cận thuật ngữ theo nhiều khía cạnh khác nhau. Đó có thể là một trạng thái tâm lý như sự cam kết, gắn bó hoặc cũng có thể là thái độ, hành vi như làm việc hiệu quả cao, hòa hợp với đồng nghiệp và cống hiến hết sức cho công ty. 

Theo Gallup, một nhân viên có sự gắn kết với công ty là khi nhân viên đó nhiệt tình, tận tâm với công việc. Tương tự như vậy, Deloitte định nghĩa sự gắn kết là khi một nhân viên hài lòng, trung thành và nỗ lực hết mình vì mục tiêu của tổ chức.

Một nhân viên gắn kết với công ty sẽ có những đặc điểm sau:

Các nhà lãnh đạo giỏi sẽ nhận ra lực lượng lao động gắn kết có thể: tăng hiệu suất bán hàngnâng cao năng suất lao động và tạo lợi nhuận cao. Không những thế, những rủi ro liên quan đến vận hành và chất lượng sản phẩm cũng được giảm thiểu.

 

Các nhân tố hình thành sự gắn kết

Sự gắn kết không đến từ tiền bạc hay những động cơ bên ngoài mà đến từ những nhu cầu cơ bản từ bên trong con người. Đó là những nhu cầu được quan tâm chăm sóc, được tôn trọng, được thể hiện bản thân,... Một khi những nhu cầu đó được đáp ứng đầy đủ, doanh nghiệp sẽ có được những nhân viên trung thành, luôn hết mình vì mục tiêu chung của tổ chức.

Có 9 nhân tố quan trọng hình thành nên sự gắn kết, đó là: Giao tiếpmục tiêukhông gian làm việcchăm sóc sức khỏetrách nhiệm công việcsự công nhậncơ hội phát triển bản thântình bạnngười quản lý trực tiếp.

 

Giao tiếp

Một môi trường làm việc cởi mở cho phép sự giao tiếp thân thiện là bước đầu hình thành sự kết nối nhân viên và doanh nghiệp. Sự giao tiếp không chỉ nằm ở việc mọi người trò chuyện thân thiện với nhau mà còn thể hiện ở cách nhân viên được tự do đóng góp, tự do nêu ý kiến và thể hiện bản thân. 

Giao tiếp là chiếc chìa khóa giúp nhân viên và doanh nghiệp hiểu nhau hơn. Thông qua giao tiếp, nhân viên sẽ được tiếp xúc và hiểu về quy trình làm việc cũng như văn hóa doanh nghiệp. Nếu văn hóa phù hợp, nhân viên sẽ hình thành tâm lý mong muốn gắn bó lâu dài với công ty. Còn về phía doanh nghiệp, bằng sự giao tiếp, doanh nghiệp sẽ hiểu thêm về nhân viên, về những mong muốn, điểm mạnh, điểm yếu của họ trong công việc và đó là căn cứ để các nhà quản lý phân chia nhiệm vụ cho nhân viên sau này.

Để nâng cao văn hóa giao tiếp, các doanh nghiệp có thể áp dụng những phương pháp sau:

  • Xây dựng quy trình làm việc thân thiện, cởi mở
  • Tạo điều kiện cho các cấp quản lý cùng thảo luận, lên ý tưởng và cùng nhau giải quyết vấn đề
  • Khuyến khích không khí thân thiện, hòa đồng giữa các nhân viên nhằm thắt chặt tình đồng nghiệp
  • Thay đổi không gian làm việc, phá bỏ ngăn cách trong không gian làm việc truyền thống
  • Quan tâm đến các thành viên trong những sự kiện đặc biệt trong đời sống cá nhân họ
  • Xây dựng hệ thống truyền thông nội bộ 
  • Quan tâm đến những cá nhân hướng nội

 

Mục đích

Đừng để nhân viên phải tự hỏi “Tại sao mình phải ở đây?”, “Tại sao mình phải làm công việc này?”. Những câu hỏi này đồng nghĩa với việc nhân viên đang không biết mục đích công việc của mình. Họ sẽ tự hỏi bản thân có giá trị gì với công ty và những công việc họ làm liệu có đóng góp gì không hay chỉ là vô nghĩa. Một khi nhân viên không có mục đích với công việc, họ sẽ thấy mình không có lý do gì để gắn kết và cống hiến hết mình vì cho công ty.

Tình trạng này có thể giải quyết bằng những cách sau:

  • Giáo dục cho nhân viên về tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu doanh nghiệp để cả 2 có mục đích chung
  • Thường xuyên trao đổi, trò chuyện cùng nhân viên để củng cố tinh thần, đồng thời phát hiện sớm và giải quyết nguy cơ nhân viên mất mục đích cũng như định hướng sự nghiệp.
  • Có cơ chế thường cho những nhân viên thực hiện xuất sắc công việc
  • Tổ chức những chương trình, sự kiện định hướng mục tiêu công việc

Mục đich công việc là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự gắn kết

 

Không gian làm việc

Trung bình, một nhân viên dành 8-10 tiếng ở công ty, nếu không tính thời gian ngủ thì anh ấy/ cô ấy chỉ có 4-5 tiếng ở nhà. Vậy nên, không gian làm việc rất quan trọng bởi nó là nơi nhân viên dành phần lớn thời gian gắn bó. Một không gian làm việc thân thiện với đầy đủ tiện nghi sẽ giúp nhân viên thoải mái, làm việc hiệu quả và dành nhiều thời gian hơn cho công việc. 

Dưới đây là một số cách để môi trường làm việc trở nên thoải mái đối với nhân viên:

  • Thiết kế nơi làm việc phù hợp với đặc tính công việc. Ví dụ, với công việc đòi hỏi sự sáng tạo, công ty có thể thiết kế phòng riêng cho âm nhạc hoặc hội họa để kích thích cảm hứng. Nếu công việc có xu hướng nghiên cứu, hãy tạo một số khu vực yên tĩnh để tăng sự tập trung.
  • Thiết kế văn phòng theo xu hướng có thực vật và ánh sáng tự nhiên
  • Có khu vực cung cấp đồ ăn, nước uống

 

Chăm sóc sức khỏe

Cảm giác được quan tâm sẽ phá bỏ rào chắn ngăn cản sự gắn kết nhân viên và doanh nghiệp. Được an toàn, được quan tâm là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Do đó, nếu nhu cầu này được đáp ứng, con người sẽ có xu hướng hình thành sự gắn kết với những đối tượng có thể mang đến cho họ cảm giác này. Để tạo sự gắn kết thông qua cảm giác được quan tâm, các doanh nghiệp nên cung cấp cho nhân viên các phúc lợi về sức khỏe.

Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của việc cung cấp các phúc lợi về sức khỏe tại nơi làm việc. Nếu nhân viên được chăm sóc sức khỏe tốt, tỷ lệ nghỉ phép do đau ốm sẽ giảm, năng suất lao động tăng dẫn đến lợi nhuận tăng. Bên cạnh đó, phúc lợi là một trong những điều nhân viên quan tâm nhất khi làm việc tại công ty, vậy nên, nếu phúc lợi đủ tốt, làm hài lòng nhân viên, họ sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài để hưởng những đối đãi tuyệt vời này.

Doanh nghiệp có thể chăm sóc sức khỏe nhân viên bằng các hình thức:

  • Đóng bảo hiểm cho nhân viên
  • Có những chương trình thăm khám miễn phí định kỳ
  • Có chế độ thanh toán chi phí ăn uống khi nhân viên làm tăng ca
  • Thiết lập khu vực cung cấp đồ ăn, nước uống
  • Chính sách giờ làm việc linh hoạt

Doanh nghiệp nên chú trọng chăm sóc và cung cấp những phúc lợi sức khỏe cho nhân viên

 

Trách nhiệm với công ty

Mô hình quản lý hiện đại có đặc điểm yêu cầu tất cả mọi người cùng làm việc như một đội nhóm. Mỗi người trong nhóm có thế mạnh, vai trò nhất định với các kỹ năng chuyên môn riêng cho từng vị trí công việc. 

Để nhân viên có thể gắn kết với công ty, các nhà quản lý cần cho nhân viên nhận thức được tầm quan trọng của vị trí họ đang đảm nhận. Tuy nhiên, đừng quá quan trọng hóa vị trí đó bởi vô tình nó sẽ trở thành gánh nặng gây sự hoảng sợ. Ngoài ra, nhà quản lý cần làm rõ mục tiêu công việc, phổ biến kết quả nhà quản lý mong muốn và thường xuyên theo dõi tiến độ, động viên nhân viên.

Các nhà quản lý có thể áp dụng những phương pháp sau để tăng mức trách nhiệm của nhân viên với doanh nghiệp:

  • Thường xuyên thảo luận và đánh giá hiệu quả đóng góp của từng cá nhân với doanh nghiệp
  • Có cơ chế khen thưởng với các cá nhân có đóng góp lớn cho doanh nghiệp
  • Khuyến khích nhân viên tự đưa ra quyết định cho công việc của bản thân
  • Truyền đạt mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh doanh nghiệp cho nhân viên để họ nhận thức vai trò của họ trông việc giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đó
  • Nhà quản lý trở thành tấm gương cho nhân viên noi theo. Khi nhà quản lý có trách nhiệm, cấp dưới của họ sẽ nhận thức được mình cũng cần có trách nhiệm với cả công ty

 

Sự công nhận

Nếu nhân viên hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhưng kết quả đó không được ghi nhận, họ sẽ hình thành tâm lý tiêu cực, chán nản. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến nhân viên cảm thấy bản thân không được coi trọng và họ sẽ sớm chọn cách rời đi. 

Sự gắn kết không nằm ở việc công ty trả lương thật cao cho nhân viên nhưng đối xử thờ ơ với họ. Gắn kết được hình thành khi công ty quan tâm, ghi nhận những đóng góp nỗ lực của nhân viên trong trường hợp những nỗ lực đó là xứng đáng. Sự ghi nhận giúp nhân viên cảm thấy mình được quan tâm, tôn trọng và tạo động lực để nhân viên cống hiến và gắn bó với công ty.

Sự công nhận giúp nhân viên cảm thấy công ty quan tâm và tôn trọng mình

Vậy, làm thế nào để công nhận sự đóng góp của nhân viên?

  • Thường xuyên đưa ra các phản hồi tích cực khi nhân viên hoàn thành công việc hiệu quả
  • Cho nhân viên cảm nhận sự đánh giá cao từ cấp trên bằng cách cho phép họ tự chủ công việc và cho giao cho họ những trách nhiệm mà họ có thể xử lý
  • Vinh danh nhân viên trên trang truyền thông nội bộ
  • Trao cho nhân viên quyền tự quyết và quyền tự do thể hiện ý tưởng
  • Cảm ơn những đóng góp của nhân viên cho công ty. Hình thức cảm ơn có thể bằng lời nói, sự vinh danh hoặc cũng có thể đơn giản là một ly cà phê nhỏ

 

Sự phát triển bản thân

Lực lượng lao động thời hiện đại đề cao cơ hội được học hỏi và phát triển bản thân. Nhân viên trẻ ngày nay luôn mong muốn được rèn luyện, học tập, mở rộng kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm. Vậy nên, nếu doanh nghiệp không thể đáp ứng nhu cầu của họ, sớm hay muộn, những nhân viên tham vọng sẽ ra đi tìm kiếm môi trường phù hợp hơn.

Để tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân, doanh nghiệp có thể:

  • Thường xuyên tổ chức các khóa học nâng cao các kỹ năng chuyên môn và dạy thêm các kỹ năng mới phục vụ công việc. 
  • Nên nói chuyện với nhân viên, tìm hiểu định hướng phát triển của họ để có động thái giúp đỡ họ phát triển sự nghiệp.
  • Hỗ trợ chi phí cho nhân viên tham gia các khóa học phát triển bản thân được tổ chức ngoài doanh nghiệp
  • Định kỳ nhận xét và đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên
  • Tích cực lắng nghe và duy trì sự giao tiếp với nhân viên

 

Tình bạn

Phát triển mối quan hệ tình bạn tại nơi làm việc giúp nhân viên kết nối về mặt cảm xúc cũng như gắn kết và làm việc hiệu quả. Nghiên cứu tại Gallup cho thấy những nhân viên có bạn làm cùng công ty có sự gắn kết mạnh hơn 7 lần so với những người luôn cô đơn tại nơi làm việc. 

Có bạn bè nới làm việc giúp nhân viên có tâm lý thoải mái và gắn kết hơn

Tình bạn được hình thành tùy tiêu chuẩn và sự thu hút của từng người, vậy nên, doanh nghiệp hay nhà quản lý không thể gượng ép các nhân viên phải làm bạn với nhau. Điều doanh nghiệp cần làm có thể là:

  • Tổ chức những sự kiện gặp gỡ chung toàn công ty để nhân viên có cơ hội giao lưu, kết nối
  • Có những buổi team building, picnic
  • Phát hiện sớm những xung đột và giải quyết ngay lập tức
  • Xây dựng mạng truyền thông nội bộ để nhân viên có thể kết nối với nhau

 

Người quản lý tốt

Theo nghiên cứu của Dale Carnegie - tác giả của cuốn “Đắc nhân tâm” nổi tiếng -  có đến 84% nhân viên đồng ý rằng họ gắn kết với công ty bởi sự hài lòng với khả năng dẫn dắt của người trực tiếp quản lý họ. Những nhà quản lý tạo được cảm xúc tích cực, khiến nhân viên cảm thấy nhiệt tình, hào hứng thường nhận được tỷ lệ đồng thuận ý kiến cao. Khi có được sự gắn bó của nhân viên, nhà quản lý sẽ dễ dàng dẫn dắt họ gắn kết với tổ chức bởi lúc này, nhân viên sẽ có xu hướng đi theo những điều nhà quản lý làm và tin tưởng.

Để có được sự gắn kết của nhân viên, các nhà quản lý cần:

  • Tập trung nâng cao các kỹ năng quản trị công việc và quản trị nhân sự. 
  • Thường xuyên giao tiếp với nhân viên
  • Khuyến khích sự nhận xét, đánh giá hai chiều để hai bên được hiểu nhau và tăng sự gắn kết. 
  • Tin tưởng và biết cách giao việc cho nhân viên
  • Luôn duy trì thái độ tích cực

 

Đo lường và cải thiện mức độ gắn kết nhân viên

Để có thể cải thiện mức độ gắn kết nhân viên, doanh nghiệp nên thiết lập thước đo và tiến hành đo lường thường xuyên để thu thập những phản hồi và có những hành động kịp thời. Ba thước đo độ gắn kết đang được áp dụng nhiều nhất và phát huy hiệu quả nhất hiện nay gồm có: Employee Turnover Rates, Employee Net Promoter Scores, and Employer Satisfaction Scores

Trong quá trình thu thập, xử lý cũng như báo cáo về tình hình gắn kết của nhân viên, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý về tính nhất quán và tần suất tiến hành đo lường. Những feedback cần được thu thập theo thời gian thực (real time). Thời gian lấy feedback hiệu quả nhất là ngay sau khi nhân viên có đóng góp cho mục tiêu chung của công ty. Tuy nhiên, vì lịch trình bận rộn và quỹ thời gian eo hẹp khiến việc thu thập feedback không thể tiến hành ngay lập tức, do đó, nhà quản lý nên lên lịch cho những buổi họp hàng tuần, hàng tháng để có những cập nhật kịp thời.

 

Kết luận

Sự gắn kết có vai trò ổn định nhân sự, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Nhiệm vụ xây dựng sự gắn kết giữa nhân viên và doanh nghiệp không phải công việc diễn ra trong 1 hay 2 tháng mà đó là cả một chiến dịch đòi hỏi sự nỗ lực của cả ban lãnh đạo và các nhân viên đang làm việc tại công ty. Khó khăn là vậy nhưng nếu thành công, doanh nghiệp sẽ có được đội ngũ nhân viên trung thành, sẵn sàng cống hiến và dốc lòng cùng doanh nghiệp hướng tới tương lai.

Nguồn: resources.base.vn

Sưu tầm: Hồng Phúc – P. Kế Toán

zalo

Đặt hàng online

zalo