Sự ngụy biện của một “nhân cách tật nguyền”

 

Câu nói trên có thể diễn giải theo cách của nhiều người thường nói “Khi cái đúng nằm trong một tập thể sai, thì cái đúng cũng trở thành cái sai”. Đáng sợ hơn tư duy “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” sẽ tạo môi trường dung dưỡng cho tham nhũng, tiêu cực và phạm pháp. Đây là kiểu nói “Quơ đũa cả nắm” cực kì nguy hiểm. Đành rằng ngành giáo dục cũng như bất cứ một ngành nghề nào khác ở nơi này nơi kia cũng có hiện tượng tiêu cực. Tuy nhiên không thể vì thế mà người ta có thể đánh đồng cả một tập thể nhà giáo tiêu cực. Có biết bao nhà giáo đã ngày đêm lặng thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người mà không mảy may nghĩ về tư lợi, lẽ tất nhiên với cương vị là trưởng phòng khảo thí, khi đi về cơ sở để công cán không thể bị cáo Diệp Thị Hồng Liên không biết?

Cách nói “Ai cũng gù, mình thẳng lưng thành khuyết tật” của bị cáo là kiểu biện luận vấy bùn lên người khác để xã hội thấy ai cũng nhơ nhớp giống mình hòng làm giảm đi tội trạng của bản thân và đồng bọn. Lẽ tất nhiên pháp luật sẽ không công nhận điều đó nhưng chính câu nói ấy đã hé lộ thêm những “khuyết tật” trong chính nhân cách của người nói. Tuy nhiên đau lòng ở chỗ câu nói ấy lại được thốt ra chính từ cửa miệng của một con người đã bao năm sống trong ngành giáo dục.

Bản thân tôi với tư cách là học sinh, sinh viên rồi ra trường trở thành giáo viên đã mười mấy năm. Trong quá trình công tác lại được cơ quan chủ quản tạo điều kiện học Cao học để nâng chuẩn. Cả một quãng đời đi học, đi dạy tôi hạnh phúc khi được học tập và làm việc trong bầu sinh quyển của yêu thương, của sự trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều thế hệ tiền bối và hậu bối của tôi đều có chung niềm hạnh phúc lớn lao này. Vậy nên xin xã hội đừng vì những chiếc lá úa, những cành cây mục ruỗng vì sâu bệnh mà quên đi vẻ đẹp của cả cánh rừng. Xin đừng vì “hiện tượng” mà quy kết “bản chất” của vấn đề.

Sau sự kiện này, một sự kiện mà cá nhân tôi nghĩ sẽ trở thành vết nhơ cho cả lịch sử ngành giáo dục đã tồn tại trên ngàn năm. Tuy nhiên những đóng góp lớn lao của ngành giáo dục thì không thể vì lí do gì mà xã hội lại có thể phủ nhận được. Lẽ tất nhiên đây cũng là một bài học lớn lao để ngành giáo dục sẽ nhìn vào đó mà có những quyết sách để điều chỉnh mình. Và đồng thời trong bản thân mỗi người đang làm công tác giáo dục cũng sẽ nhìn thấy ở đó nhiều bài học quý giá để mỗi ngày sẽ làm tốt hơn công việc mà xã hội đã giao phó.

Ông bà đã dạy chí lý “Đường đi hay tối, Nói dối hay cùng”. Khi cái dối trá đã không thể đậy che thì những luận điệu xảo trá sẽ được buông ra hòng bao biện cho những sai trái hiển hiện của mình. Mặc dù lời “bao biện” ấy lại được đơm lên mình bởi những mĩ từ đầy hình tượng “Ai cũng gù, mình thẳng lưng thành khuyết tật”. Tuy nhiên xin xã hội hãy bình tâm trước những “mỹ ngôn bất tín” ấy để có cái nhìn đúng đắn hơn đối với ngành giáo dục, cùng chung tay xây dựng một sinh quyển lành mạnh vì mục tiêu lớn lao: Xây dựng đất nước tri thức cường thịnh.

 

Nguồn: baovannghe.com.vn

Sưu tầm: Thuỳ Trang – TTPP.XVNT

zalo

Đặt hàng online

zalo