Tại sao chúng ta không thể nhường nhịn nhau?

 

Hằng ngày trên khắp nẻo đường ở các đô thị lớn, chúng ta không ít lần chứng kiến những người vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại hoặc nhắn tin. Tắc đường, nhiều người vẫn cố chen lấn giành đi trước. Ðèn tín hiệu chưa bật xanh, đã inh ỏi tiếng còi hối thúc, hoặc những giao lộ đèn vừa chuyển sang vàng, hai hướng xe cắt nhau ai cũng giành đi trước. Ðiều gì đang xảy ra? Phải chăng ai cũng vội?

 

Bất chợt nhận ra đôi khi tôi cũng ứng xử như vậy, nhưng mỗi lần chịu khó bình tâm ngồi suy ngẫm, lại thấy xấu hổ với chính những hành vi - dù vô tình như một thói quen - khi tham gia vào sự vội vàng kia mà chẳng để làm gì. Tất cả sự vội vã đó không hẳn vì công việc làm ăn, mà phần lớn chỉ để đến quán cà phê hay... quán nhậu. Vì vậy, không thể tiếp cận và lý giải “vội” đến mức vi phạm luật lệ, hay chí ít là “khó coi” ấy dưới góc độ nhịp sống công nghiệp.

Cũng có người kiến giải do nhiều người nhập cư từ nông thôn, trình độ học vấn không đồng đều nên cư dân các thành phố bây giờ không “thuần” về văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, nếu quan sát rộng hơn, “thuần” về văn hóa chỉ là ngụy biện. Có lẽ ai trong chúng ta cũng không ít lần phiền lòng trước việc có những người trong trang phục chỉ để mặc ở nhà, cố tình đi thẳng lên đầu hàng người đang xếp chờ thanh toán tiền trong siêu thị, hay chen lấn cố vượt lên trước hàng xe lúc đường chật như nêm cối. Có lần tôi chứng kiến một nam diễn viên điện ảnh đưa con đến trường. Trước cổng trường có bảng cấm xe gắn máy của phụ huynh học sinh vào sân, nhưng anh này vẫn ngang nhiên xộc thẳng vào sân - nơi rất đông học sinh chơi đùa - trước sự khó chịu của nhiều người. Mặc người bảo vệ, anh ta đùng đùng nhấn ga lao tới, miệng không ngớt lời giải thích với lý do đang bận.

Cũng không ít lần, nhiều người thấy “gai mắt” vì có những người ăn diện sang trọng, dừng xe hơi giữa đường đón trẻ tan trường, bất chấp cảnh kẹt xe do chính họ gây nên. Qua vài hiện tượng nêu trên, có thể thấy rất khó lý giải về việc không biết nhường nhịn nơi công cộng. Vì vậy, nếu tiếp cận vấn đề dưới góc độ “thuần” về văn hóa e không thỏa đáng.

Từ vài hiện tượng phổ biến nêu trên, ta có thể dần nhận ra nguyên ngân của các nguyên nhân, phải chăng bắt nguồn từ văn hóa nhường nhịn đã khác xưa, ứng xử nhường nhịn bị xem nhẹ. Những điều vốn xa lạ trước đây, nay đã trở nên bình thường và được mặc nhiên thừa nhận. Có lẽ chưa ai quên những vụ việc va chạm xe trên đường phố dẫn đến xô xát chết người, hay hành hung cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ...

Vâng, lan man nhiều chuyện trên để thấy rằng, nếu như mỗi khi ra đường chúng ta ai cũng biết nhường nhau thì đâu đến nỗi dẫn tới cảnh tắc đường kẹt xe, hay có dẫn tới cảnh đó thì cũng nhanh chóng được giải quyết. Rồi nữa, nếu mỗi người biết kìm lòng, biết nhường nhịn nhau thì đâu dẫn tới cảnh phải đánh chửi nhau mỗi khi va chạm giao thông trên đường...

 

Nguồn: cgvdt.vn

Sưu tầm: Thanh Bình - Tổ Kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo