Tạo Động Lực Cho Nhân Viên Trong Giai Đoạn Khó Khăn

 

Để có thể  trở thành người chiến thắng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này, các tổ chức – lớn và nhỏ, quốc tế và địa phương, lợi nhuận và phi lợi nhuận – cần những nhà lãnh đạo tuyệt vời. Bạn có phải là một người lãnh đạo như thế không? Đây là thời gian khủng hoảng và bất ổn nên đó là dịp tốt nhất để vai trò lãnh đạo tài ba được chứng tỏ.

Hiệu quả của những gì bạn đã làm là một trong những lý do phổ biến nhất mà bạn được bổ nhiệm vào vai trò lãnh đạo. Nay với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn không còn phải tiếp tục những việc mà bạn đang làm rất tốt. Công việc của bạn hiện giờ là giúp cho những người khác có thể làm được như bạn, thậm chí là tốt hơn những gì bạn đã làm. Đây là những nhóm kỹ năng hoàn toàn khác nhau. Các phần sau đây thảo luận về một số kỹ năng hết sức quan trọng mà người lãnh đạo cần phải có để dẫn dắt tổ chức của họ đi đến thành công, đặc biệt là trong tình hình bất ổn hiện nay.

ĐỘNG LỰC

Những người lãnh đạo luôn tôn trọng và đánh giá cao sự khác biệt giữa mọi người. Ở những thời điểm biến động thì hẳn bạn phải thừa nhận rằng lợi thế cạnh tranh vững bền duy nhất là ở nguồn nhân lực của bạn. Khi nhân viên không hoàn thành được việc mà họ phải làm, việc phát huy ảnh hưởng của bạn đối với họ là cần thiết. Đôi lúc bạn không có quyền khiến cho họ phải làm theo ý bạn. Khi đó, bạn phải chấp nhận bất cứ điều gì họ làm, hoặc cố gắng tìm cách ảnh hưởng họ, khiến cho họ thực hiện những việc mà bạn tin rằng họ nên làm. Về cơ bản, có năm lý do dẫn đến việc không hoàn thành nhiệm vụ. Biết được những nguyên nhân đó là bước đầu tiên để bạn sử dụng khả năng của mình để tạo ra ảnh hưởng với người khác một cách hiệu quả. Nếu hiểu được động lực của những người khác, bạn có thể ảnh hưởng họ một cách dễ dàng mà không cần chi phối họ.

Lý do:

Tôi không biết phải làm gì…

Giải pháp: Giáo dục – Nếu người khác không biết phải làm gì, bạn có thể giúp họ tìm ra cái họ cần để vượt qua trở ngại này. Giáo dục là câu trả lời. Chỉ cho họ thấy những gì họ cần làm. Xây dựng nền tảng trong quá trình định hướng nhân viên mới và trong khi học việc, hoặc sau đó thông qua những cơ hội giáo dục và phát triển khác. Nếu họ không nắm rõ những gì họ cần phải làm, họ sẽ mắc phải những sai lầm trong công việc hoặc làm sai nhiệm vụ.

Lý do:

Tôi không biết phải làm điều đó như thế nào…

Giải pháp: Đào tạo – Khi người khác không biết làm như thế nào, cung cấp cho họ những ứng dụng thực hành cụ thể và những kĩ năng cần thiết để bắt đầu cho những bước tiếp theo. Đào tạo là câu trả lời. Hướng dẫn họ từng bước thực hiện nhiệm vụ và cho họ thấy việc thực hiện đúng những bước này đem đến sự thành công cho họ và tổ chức như thế nào.

Lý do:

Tôi không tin tôi có thể…

Giải pháp: Huấn luyện – Điều này phản ánh sự tự tin vào khả năng của họ. Điều quan trọng là cho họ thấy rằng nó có thể thực hiện được cũng như họ có thể làm được điều đó. Và huấn luyện là câu trả lời trong trường hợp này. Huấn luyện không chỉ là khích lệ họ, mà còn giúp họ thấy được vì sao mình đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ này hoặc vì sao họ đã được chọn vào nhóm. Truyền cho họ một niềm tin vào bản thân và sự tự tin khi sử dụng những thành công trước đây như một bước đệm cho những cơ hội trong tương lai.

Lý do:

Tôi không hiểu vì sao…

Giải pháp: Tầm nhìn – Khi họ không hiểu được những nguyên nhân đằng sau những yêu cầu công việc, bạn phải hỗ trợ để họ tiếp tục công việc. Việc này thường liên quan đến lòng tin. Tầm nhìn của một lãnh đạo cấp cao đối với tổ chức là một khởi đầu tốt, tuy nhiên các nhân viên cũng cần phải hiểu vai trò của họ trong bức tranh tầm nhìn đó và vì sao quá trình tổ chức của công ty lại đóng vai trò quan trọng trong việc đạt đến tầm nhìn như vậy.

Lý do:

Tôi không muốn…

Giải pháp: Động lực – Đây là vấn đề thách thức nhất. Họ biết phải làm cái gì và làm như thế nào, nhưng họ không có đủ động lực, hoặc là họ nghĩ rằng có cách khác tốt hơn. Thậm chí đôi khi người ta muốn phá hỏng tiến trình để làm chậm những thay đổi. Bạn sử dụng ảnh hưởng của mình để có được kết quả trong trường hợp này, và động lực sẽ giúp bạn. Nếu như người ta biết phải làm cái gì, làm như thế nào, hãy tin rằng họ có thể làm được điều đó và họ biết được tại sao họ nên làm như vậy, việc không hoàn thành nhiệm vụ chắc hẳn là có một rào cản nào đó mà bạn không thể nhận ra ngay. Hãy xem xét việc tổ chức đang truyền cảm hứng cho nhân viên của họ như thế nào. Có phải họ vẫn đang bận rộn với công việc mà không biết rằng những hoạt động của họ có quan hệ với nhiệm vụ hay tầm nhìn như thế nào? Những nhân viên được truyền cảm hứng sỡ hữu một khao khát để đạt đến tầm nhìn đó.

 

Nguồn: engagement.vn

Sưu tầm: Mộng Vi – P. Kế Toán

zalo

Đặt hàng online

zalo