Tết ra, cách gì giữ chân người lao động?

 

Thông thường, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân thường rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động do công nhân không quay lại làm việc, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Thế nhưng, tới ngày 9-2 (mồng 10 Tết), tỷ lệ người lao động quay trở lại chiếm từ 85 đến 95%.

Phúc lợi tăng, "nhảy việc"

giảm Trước cổng doanh nghiệp các tỉnh phía nam, nhất là tại các doanh nghiệp dệt may, da giày, từ ngày mồng 5, mồng 6 Tết đã treo đầy băng-rôn, bảng thông báo tuyển từ vài trăm đến vài nghìn lao động. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động  tỉnh Bình Dương Bùi Thanh Nhân cho rằng: "Việc tuyển lao động sau Tết là do các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nhận được thêm các đơn đặt hàng mới chứ không phải do doanh nghiệp mất nhân công do tình trạng người lao động nhảy việc, tìm việc làm mới như những năm trước đây. Tại Bình Dương, sau Tết, có khoảng 300 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 37 nghìn công nhân, lao động.  Đây là cơ hội tìm kiếm việc làm tốt cho những lao động bị cắt giảm hợp đồng, mất việc trong năm 2013". Cũng theo ông Bùi Thanh Nhân, các doanh nghiệp dệt may, da giày khu vực phía nam thường khởi động sản xuất muộn hơn các doanh nghiệp phía bắc, do phải đợi người lao động từ các tỉnh miền bắc, miền trung quay trở lại. Tính đến ngày 8-2 (tức mồng 9 Tết), phần lớn các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã làm việc bình thường.

Công nhân Công ty TNHH Giày Chinluh (Bến Lức - Long An) hoàn thiện các sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Tổng số công nhân lao động trở lại làm việc sau tết chiếm tỷ lệ 85%. Còn khoảng hơn 85 nghìn lao động vắng mặt sau Tết, trong đó có lý do kết hợp nghỉ phép chiếm 80%.

Tại Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết: Theo thống kê nhanh từ công đoàn cơ sở, tỷ lệ người lao động trở lại làm việc sau đợt nghỉ Tết tại khu công nghiệp-chế xuất từ 95 đến 100%. Trong số đó, các doanh nghiệp như Công ty Canon, Denso, Asti, Muto... là những doanh nghiệp có tỷ lệ người lao động trở lại làm việc cao nhất. Tỷ lệ này cao hơn các năm trước, chứng tỏ ý thức của người lao động đã được nâng lên, rèn luyện được tác phong công nghiệp, tuân thủ quy định của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đinh Quốc Toản, doanh nghiệp nào phúc lợi tăng, tình trạng nhảy việc của công nhân lao động sẽ giảm. Các doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ tốt, lương, thưởng cao, ổn định là cơ sở giúp tâm lý người lao động ổn định, yên tâm, gắn bó lâu dài cùng công ty.

Một số doanh nghiệp giữ chân người lao động bằng việc ứng trước nửa tháng lương trước Tết. Năm mới nhận tiền lì xì từ 100 nghìn đến 500 nghìn đồng/người...". Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Canon Việt Nam Phạm Thị Vân Anh, nhân dịp Tết Giáp Ngọ, Công đoàn Công ty phối hợp lãnh đạo công ty bố trí 180 xe đưa 3.800 người lao động về quê nghỉ Tết và đón họ lên làm việc dịp đầu năm từ ngày 28-1 (28 tháng Chạp) đến ngày 5-2 (tức mồng 6 Tết). Đây là năm thứ tư Công ty Canon tổ chức chăm lo việc đi lại cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán. 18 nghìn công nhân lao động nhà ở gần, được lãnh đạo và công đoàn hỗ trợ 200.000 đồng/người...

Về phía người lao động, chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân Công ty Việt Nam Electronic (KCN Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, sáu nghìn công nhân lao động của công ty đều trở lại làm việc từ mồng 6 Tết theo quy định của doanh nghiệp. Chị chia sẻ chân thành: "Nhiều công nhân cùng khu trọ tìm kiếm việc làm ở một số công ty nhưng tình hình không khả quan hơn là mấy. Trong tình cảnh doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn thì việc tìm kiếm một công việc mới với mức thu nhập cao hơn không dễ dàng.

Chúng tôi vẫn có việc để làm, có lương là may mắn hơn nhiều người khác bị sa thải, mất việc, nghỉ không lương. Vì vậy, chúng tôi bảo nhau chịu khó bám trụ, hy vọng năm mới, đồng lương được cải thiện hơn để chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài ở công ty".

Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp giữ chân được người lao động là do đã có những nỗ lực trong việc tìm kiếm các đơn đặt hàng, ổn định đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp phía bắc thực hiện chủ trương "ly nông bất ly hương", tổ chức nhiều nhà máy vệ tinh, thu hút lao động tại chỗ, giảm bớt gánh nặng thuê nhà trọ, chi phí đi lại cho người lao động, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương, giảm bớt hệ lụy của quá trình di cư lao động từ nông thôn ra thành phố, hạn chế tối đa tình trạng lao động bỏ việc, trở về quê hương tìm kiếm việc làm. Điển hình như Tổng công ty cổ phần May 10, trong những năm qua đầu tư và liên doanh, liên kết tại bảy tỉnh, thành phố trên cả nước để thu hút lao động tại chỗ, mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, chia cổ tức 18%. Tại Tổng Công ty cổ phần May 10, ngay trong ngày 4-2 (ngày mồng 5 Tết) toàn thể cán bộ nhân viên nhà máy đã đồng loạt ra quân sản xuất.

Công đoàn - chỗ dựa tin cậy

Có thể thấy, việc người lao động quay trở lại doanh nghiệp lao động, sản xuất đầu năm mới tăng cao so với nhiều năm trước, không thể phủ nhận vai trò của các cấp công đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm cho tất cả người lao động được vui Xuân, đón Tết ngày càng đầm ấm, sung túc hơn. Qua đó, vai trò của công đoàn ngày càng thể hiện đậm nét, rõ nhất trong hàng loạt các hoạt động trước, trong và sau Tết. Không dừng lại ở việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ và chi trả tiền lương, thưởng Tết tại các đơn vị, doanh nghiệp, các cấp công đoàn còn tập trung huy động các nguồn lực chăm lo Tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị mất việc làm do doanh nghiệp giải thể hoặc có chủ bỏ trốn tại thời điểm trước Tết Nguyên đán; người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không được thưởng Tết, bằng các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên họ chủ động vượt qua khó khăn. Huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức hàng nghìn chuyến xe nghĩa tình miễn phí đưa hàng chục nghìn công nhân lao động về quê ăn Tết... Tại những khu lưu trú, khu nhà trọ có đông người lao động không có điều kiện về quê ăn Tết, công đoàn quận, huyện kết hợp, động viên các chủ nhà trọ tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét, nấu bữa cơm ngày Tết, đêm giao thừa... tạo không khí đón Xuân ấm cúng cho người lao động ở xa gia đình. Phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức Hội chợ hàng Việt, gian hàng bình ổn giá tại nơi tập trung đông công nhân lao động...

Chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh Long An Nguyễn Văn Vân cho rằng, do có sự tăng cường giáo dục, tuyên truyền từ các cấp công đoàn, nhận thức của người lao động đã tăng lên rõ rệt.

Qua tuyên truyền, giáo dục, người lao động nhận thức hơn quyền lợi và nghĩa vụ khi gắn bó với doanh nghiệp. Ông Vân cho biết thêm, Tết Nguyên đán 2014, các cấp Công đoàn tỉnh Long An phối hợp các cấp, các ngành, chủ doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tạo sự phấn khởi cho người lao động vui Xuân đón Tết.

Tết Giáp Ngọ vừa qua, toàn tỉnh Long An có khoảng năm nghìn người lao động không có điều kiện về quê ăn Tết, ngoài việc trao trực tiếp đến tay người lao động hơn 1.400 suất quà, Công đoàn tỉnh Long An phối hợp tỉnh đoàn tổ chức đêm tất niên cho 500 công nhân lao động khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết. Tổ chức ba đêm văn nghệ "Nghĩa tình công nhân" thu hút hàng nghìn người lao động tham gia, cổ vũ... Nhờ đó, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc tại tỉnh Long An cao, khoảng 85 đến 90%.

Điển hình như Công ty TNHH Giày Chinluh (KCN Thuận Đạo, Bến Lức) có 23 nghìn người lao động, đến nay đã có 21,5 nghìn người lao động đã trở lại, sẵn sàng lao động, sản xuất đầu năm mới.

Nguồn: nhandan.com.vn

Sưu tầm: Trung Thắng - BP. Tổ Hóa

zalo

Đặt hàng online

zalo