Thám hiểm không gian thời đại mới: Đó không phải là vùng đất hoang dã, lãng mạn, vô chính phủ

 

Thời đại mới của thám hiểm không gian mở ra kỳ vọng về những cuộc chinh phục các miền đất hứa xa xôi nhưng cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ rình rập.

Cách đây 50 năm khi Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng, khoảnh khắc ấy trở thành cảm hứng, niềm tự hào, sự kích động ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc đổ bộ lịch sử khi đó là phát súng báo hiệu khả năng bất tận của Mỹ trong việc chinh phục các mục tiêu mới trong không gian. 

Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Chi phí chinh phục không gian không còn đắt đỏ như trước, hàng loạt các công nghệ mới được áp dụng, các công ty tư nhân vạch ra các dự án du lịch không gian táo bạo, nhiều quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang cho thấy tham vọng của mình trong nỗ lực chính phục không gian.

Theo Economist, về lâu dài, các hành trình khám phá vũ trụ sẽ không chỉ gói gọn trong việc tạo ra các bước chân lịch sử lên hành tinh xa xôi mà là mục tiêu du lịch vũ trụ, khai thác khoáng sản và vận chuyển hàng loạt. 

Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đổ bộ lên vùng tối của Mặt Trăng. (Ảnh: Cơ quan Không gian quốc gia Trung Quốc)

Đó là điều hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào nghiên cứu thang máy vũ trụ của Nhật Bản, tham vọng giăng lưới bắt tiểu hành tinh để khai thác khoáng sản của Trung Quốc hay hứa hẹn về hành trình tới sao Hỏa của SpaceX. 

Không gian sẽ trở thành một phần mở rộng của Trái Đất, một đấu trường dành cho các công ty và cá nhân, không chỉ cho các chính phủ. Nhưng để đấu trường này hoạt động quy củ, cần phải có một hệ thống quy định rõ ràng để tránh những tranh chấp không đáng có. 

Sự phát triển của không gian cho tới nay tập trung vào việc tạo điều kiện cho truyền thông vệ tinh để phát sóng và điều hướng. Điều đó đang thay đổi. 

Đầu tiên, địa chính trị đang tạo ra một cú hích mới để đưa con người vượt ra khỏi quỹ đạo của quỹ đạo Trái Đất thấp. Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2035. Chính quyền Trump muốn quay lại đó vào năm 2024. Trước đây để Apollo 11 hạ cánh xuống Mặt Trăng, Mỹ cần hàng trăm tỷ USD. Con số này giờ đây chỉ còn là vài chục tỷ. 

Thứ hai, đây là thời của khu vực tư nhân. Từ năm 1958 đến 2009, gần như toàn bộ chi tiêu trong không gian là của các cơ quan nhà nước, chủ yếu là NASA và Lầu Năm Góc.

Trong 1 thập kỷ qua, đầu tư tư nhân tăng trung bình 2 tỷ USD mỗi năm, tương đương với 15% chi tiêu trong không gian. Con số này dự kiến sẽ tiếp tục nâng lên thời gian tới. 

Tập đoàn công nghệ Khai phá Không gian SpaceX trong năm 2018 chi 33 tỷ USD cho 21 lần phóng vệ tinh. Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, bán hết cổ phần trị giá 1 tỷ USD của mình trong công ty mỗi năm để chi trả cho Blue Origin, một liên doanh vũ trụ.

NASA thông báo mở "tour" tham quan trạm Hàng không Quốc tế (ISS) với giá 35.000 USD/đêm từ năm 2020. (Ảnh: Roscosmos)

Virgin Galactic có kế hoạch ra mắt công chúng trong năm nay với mức định giá 1,5 tỷ USD.

Với nguồn vốn dồi dào và kho ý tưởng phong phú, khu vực tư nhân cung cấp hiệu quả cao hơn. Theo NASA, cơ quan này sẽ mất 4 tỷ USD nếu phát triển tên lửa Falcon của SpaceX, nhưng với SpaceX, họ chỉ phải bỏ ra 1/10 con số đó. 

2 mô hình thương mại mới đang được thúc đẩy mạnh mẽ là phóng, duy trì một loạt các vệ tinh liên lạc ở quỹ đạo thấp và du lịch vũ trụ dành cho người giàu. Trong năm 2020, những chuyến du hành ra ngoài rìa Trái Đất, nhìn ngắm hành tinh Xanh gần như chắc chắn sẽ được triển khai. Công ty Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson tuyên bố sẽ đưa 1.000 nhà thám hiểm ra ngoài không gian mỗi năm trước năm 2022. 

Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa bỏ một số tiền không nhỏ để trở thành du khách đầu tiên bay vòng quanh Mặt Trăng bằng tàu vũ trụ SpaceX.

Sự phát triển trong không gian cũng hứa hẹn sẽ làm thay đổi không nhỏ đời sống của loài người. Tỷ phú Elon Mask, người sáng lập Space hy vọng sẽ sớm đưa người lên Sao Hỏa định cư. Bezos đang ấp ủ ước mơ đưa hàng triệu người tới các trạm không gian trong 50 năm nữa. 

Vào thời điểm Trái Đất đang phải đối mặt với những tin tức nghiệt ngã về biến đổi khí hậu, tăng trưởng chậm và chính trị đầy rủi ro, không gian mang tới cho nhiều người những hy vọng khác biệt. Nhưng nó không phải thuốc chữa bách bệnh hay thuốc gây nghiện. Và một khi đã là thuốc, nó mang theo tác dụng phụ là những rủi ro trong các hành trình chinh phục. 

Theo Hiệp ước năm 1967, không gian ngoài Trái Đất là sở hữu chung. Hiệp ước này quy định quyền tự do thăm dò và sử dụng không gian ngoài hành tinh đồng thời xác định các nguyên tắc về không cho phép tuyên bố chủ quyền quốc gia trên không gian này. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong các điều khoản của Hiệp ước này đang tạo ra những điểm khá mơ hồ. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho các vụ va chạm vệ tinh? Người định cư trên Sao Hỏa có được phép làm những gì họ thích với môi trường không? 

Không gian giờ đây trở nên chật chội hơn với 2.000 vệ tinh trên quỹ đạo trong khi NASA đang phải theo dõi hơn 500.000 mảnh vụn riêng lẻ bay vù vù với vận tốc hơn 27.000 km/h. 

Những điểm mơ hồ như vậy làm tăng nguy cơ sử dụng vũ lực trong không gian. Nga và Mỹ vài năm qua liên tục cáo buộc lẫn nhau vũ khí hóa không gian dù không bên nào thừa nhận. 

Tổng thống Trump tự hào về kế hoạch thành lập lực lượng không gian của mình. Trong lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp mới đây, Tổng thống Emmanuel Macron cũng tuyên bố thành lập lực lượng không gian thuộc quân đội. 

Theo Economist, việc quảng bá không gian như một vùng đất hoang dã, lãng mạn, một biên giới vô chính phủ, nơi loài người có thể sống một cuộc đời mới có thể là một sai lầm nếu như không vạch rõ các quy định để ngăn lợi ích chồng chéo giữa các bên trên vũ trụ. 

 

Nguồn: vtc.vn

Sưu tầm: Minh Chương – P. Ban Kiểm Soát

zalo

Đặt hàng online

zalo