Thấu hiểu và nhường nhịn trong gia đình: “Ông nhà tôi làm gì cũng đúng”

 

Thấu hiểu và nhường nhịn trong cuộc sống hôn nhân – gia đình có lẽ là điều tốt đẹp nhất, có thể biến mọi khó khăn trở thành niềm vui, có thể biến mọi thất bại trở thành niềm hạnh phúc.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân.

Dường như mỗi truyện cổ hay ngụ ngôn đều có ẩn ý đằng sau chúng. Nhiều câu chuyện trong số đó có thể làm người đọc bối rối, như câu chuyện “Những gì ông lão làm đều đúng” của Andersen. Ẩn chứa trong đó chính là bài học đầy ý nghĩa về tình cảm gia đình, về sự thấu hiểu và tôn trọng trong cuộc sống hôn nhân.

Những gì ông lão làm đều đúng

Câu chuyện kể về một cặp vợ chồng già và hai người đàn ông giàu có. Để kiếm tiền, cặp vợ chồng già đã phải bán đi con ngựa duy nhất của mình. Vốn bản tính thiện lương, ông già lần lượt bị lừa bởi rất nhiều người khác nhau. Ban đầu là một người muốn trao đổi con ngựa của ông, để lại cho ông một con bò. Sau đó một người khác lừa ông đổi bò để lấy dê, tiếp theo là đổi dê lấy ngỗng, đổi ngỗng lấy gà mái và cuối cùng là đổi gà mái lấy một giỏ táo héo khô.

Hai người đàn ông giàu có nọ nghe ông già kể lại chuyện này, họ tin rằng ông sẽ bị vợ mắng bởi sự ngu ngốc của mình. Thế nhưng, đáp lại sự cười cợt của hai người đàn ông giàu có, ông lão lại cam đoan rằng bà lão sẽ chỉ hôn ông ấy và nói: “Ông nhà tôi làm gì cũng đúng”.

Quá ngạc nhiên trước sự tự tin của ông lão, hai người đàn ông giàu kia liền đánh cược: Nếu ông lão không bị vợ mắng, họ sẵn sàng đổi một đấu táo khô héo của ông lão với một đấu tiền vàng của chính họ.

Không chần chừ, ông lão liền dắt hai người đàn ông giàu có kia cùng về nhà mình. Sau đó trước mặt họ, ông đã mô tả chi tiết những quyết định của mình từ đổi ngựa lấy bò, rồi đổi bò lấy dê, đổi dê lấy một con ngỗng, đổi ngỗng lấy gà mái, và đổi gà mái lấy một đấu táo khô héo. Hai người đàn ông giàu có lấy làm ngạc nhiên vô cùng khi mỗi lần mô tả một sự kiện, bà lão đều khen ông vì đã quyết định khôn ngoan.

Cuối cùng, sau những câu “Ông nhà tôi làm gì cũng đúng!”, người vợ đã tặng cho chồng một nụ hôn. Và nhờ vậy, ông lão đã thắng cược một đấu vàng.

                                   

Với mỗi giao dịch trao đổi, người vợ đều khen quyết định khôn ngoan của chồng mình. (Ảnh: Wikimedia/CC0 1.0)

Thấu hiểu và nhường nhịn trong gia đình

Câu chuyện được kể rất giản dị và hài hước, nhưng ý nghĩa đằng sau nó quả thực là sâu sắc. Đó chính là đạo nghĩa vợ chồng, khi một người thấu hiểu và nhường nhịn người kia, mọi xung đột sẽ được hoá giải một cách nhẹ nhàng và gia đình luôn luôn đầm ấm.

Tác giả của cuốn sách “Tại sao Hỏa Kim xung đột” (Why Mars & Venus Collide), John Gray cho biết: “Đàn ông cần cảm giác mình là người cần thiết, người phụ nữ cần biết là họ không cô đơn”.

Đôi khi trong cuộc sống gia đình, mọi việc xung đột và mâu thuẫn từ công việc bên ngoài, con cái, họ hàng… đột nhiên ập đến. Thế nhưng, nếu ta biết tĩnh tâm lại và bình tĩnh giải quyết vấn đề, hay nhìn nhận một cách tích cực thì mâu thuẫn sẽ ít tồn tại và dễ dàng giải quyết hơn nếu hai vợ chồng biết đồng lòng. Giống như người vợ trong câu chuyện luôn biết động viên, khuyến khích chồng mình trước mặt những người khách lạ.

Học cách chấp nhận khuyết điểm của người khác và động viên mặt tốt của họ là đều rất khó, nhưng có thể làm được.

*Từ câu chuyện trên, chúng ta có thể nhận thấy những sai lầm thường có trong cuộc sống gia đình như sau:

1. Nói xấu vợ hay chồng trước mặt bạn bè

Nhiều người vợ, hay chồng cứ mỗi lần bạn bè, họ hàng tới chơi là mừng rỡ như thể gặp quan tòa vậy. Họ thi nhau kể những thói hư tật xấu của chồng hay vợ mình, rồi từ đó nhờ bạn bè khuyên bảo họ sửa chữa giúp. Nhất là phái nữ, cảm thấy chân yếu tay mềm không thể khuyên bảo ‘đức lang quân’ của mình được, nên thường nhờ bạn bè, đồng nghiệp “khuyên bảo giúp”. Thực ra đều này còn hại nhiều hơn là lợi.

Ai cũng có lòng tự tôn cả, và người ta luôn không thích bị chỉ bảo phải làm gì đó. Khi bạn làm vợ hay chồng mình cảm thấy khó chịu hay bực tức, thì khả năng suy nghĩ lý trí của họ sẽ bị hạn chế. Thậm chí họ sẽ làm ngược lại đều bạn mong muốn.

Vì vậy, thay vì nói xấu trước mặt bạn bè, đồng nghiệp hay nói xấu sau lưng, bạn hãy khen những điểm tốt của chồng, vợ mình. Nếu có mâu thuẫn hãy thẳng thắn chia sẻ trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, pha chút hài hước nếu bạn có thể. Thậm chí, bạn cũng nên chấp nhận nếu khuyết điểm đó không lớn, điều này cũng là một phương án tốt hơn nhiều so với việc “ngồi lê tám chuyện”.

Ngay cả con cái cũng vậy, chúng cũng có lòng tự tôn riêng của chúng. Không như người lớn, người có tinh thần thép, lòng tự tôn của chúng mới hình thành nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài. Hãy học hỏi bố mẹ Mỹ, luôn yêu thương vô điều kiện cho dù con cái họ có tài năng hay không, và không thúc ép con trẻ đi thực hiện “giấc mơ của bố mẹ”.

                           Chúng ta cần sự nâng đỡ để trưởng thành hơn là những lời trê trách.

2. Đem chuyện tiền bạc, kinh doanh bàn trong bữa cơm gia đình

Donald Trump, một người rất thành công về mặt kinh doanh, chính trị cũng như đời sống gia đình. Tuy nhiên, ông cũng trải qua không ít lần phá sản và rạn nứt tình cảm qua hai lần ly dị với hai người vợ trước của mình. Một trong những lý do khiến đời sống gia đình xích mích – theo ông Trump chia sẻ – là thói quen bàn công việc kinh doanh mọi lúc, mọi nơi và ngay cả trên bàn ăn của ông và vợ mình đã làm ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.

Hãy nghĩ về những gian khổ mà các bạn đã trải qua để đi đến ngày hôm nay. Trân quý hiện tại và bữa cơm gia đình. Đều người ta cần thiết chính là một nơi có thể thư giãn và yên tĩnh, nơi họ có thể thể hiện con người thật của chính mình cả mặt tốt lẫn mặt chưa tốt mà vẫn được chấp nhận và tôn trọng, chứ không phải bàn họp cho công việc kinh doanh.

Vì vậy, đừng biến bàn ăn thành “bàn họp”.

3. So sánh chồng/vợ mình với người khác

Chồng bạn có thể là người kiếm tiền không giỏi, nhưng anh ấy thật thà và yêu thương bạn cùng con cái. Hay chồng bạn kiếm tiền giỏi, nhưng ít dành thời gian cho gia đình. Cũng có thể bạn thấy rằng người phối ngẫu của mình thiết sót ở một mặt nào đó khi đem so sánh với những người khác, nhưng hành động so sánh ấy vô tình sẽ làm tổn thương họ.

Đối với trường hợp này, tốt nhất sự tôn trọng cá tính của người khác nên được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, bạn cần tìm những phẩm chất tốt đẹp của đối phương để tăng thêm “điểm cộng” cho họ. Đừng chỉ đánh giá bản chất của một người qua một vài hành động hay lời nói nhất thời. Tốt nhất là không phán xét đánh giá người khác vì chính bản thân chúng ta cũng không hoàn hảo.

Con cái cũng rất sợ khi bố mẹ so sánh chúng với con cái nhà người ta. Nếu bạn cảm thấy chồng, vợ của mình có khuyết điểm. Hãy chấp nhận nếu có thể, hãy động viên và dùng lời lẽ thích hợp, tốt nhất hãy âm thầm đi bổ sung cho khiếm khuyết của họ.

Chúng ta từng xem nhau là một nửa hoàn hảo, đừng để một điều nhỏ nhặt phá tan đi công sức mà cả hai cùng dựng xây.

4. Cằn nhằn khi công việc quá nhiều

Trong quá khứ chỉ có người chồng đi làm, người vợ ở nhà lo chăm sóc con và nội trợ, điều này tạo cho người vợ ít áp lực hơn và người chồng cảm thấy có uy quyền, có thể giúp đỡ được gia đình nhiều hơn. Tuy nhiên, trong nhịp sống hối hả hiện nay, người vợ phải đi làm để đóng góp vào kinh tế gia đình, đồng thời lại phải chăm sóc con và nội trợ, nên áp lực lên họ là rất lớn. Đồng thời, một số người đàn ông cũng cảm thấy mất uy quyền khi người vợ đóng góp quá nhiều vào mọi việc từ kinh tế đến nội trợ.

Người vợ vì quá nhiều công việc nhà thường cằn nhằn chồng vì những việc nhỏ như: “Anh có đem quần áo ngoài dây phơi vào nhà chưa, trời mưa hồi chiều? Anh nhậu nhẹt giờ mới về à? Anh bỏ bừa bộn cả nhà, tôi mệt mỏi vì phải dọn dẹp suốt ngày lắm rồi! Chúng ta đều đi làm kiếm tiền, tại sao khi về nhà, tôi phải làm việc nhà còn anh ta ngồi xem TV? Anh xem, anh ngồi xem TV trong khi tôi làm hết mọi việc? Sao anh không dạy con học mà nhậu nhẹt mãi thế?”.

Phụ nữ không biết rằng những lời cằn nhằn dai dẳng ấy đôi khi lại khiến cho đức lang quân “bướng bỉnh” của mình dù biết lỗi nhưng chẳng muốn nghe và làm theo. Khi việc nhà quá nhiều, thay vì cằn nhằn hay la hét, người vợ có thể làm ít lại và nói rõ cần giúp đỡ những việc cụ thể nào, chi tiết của việc đó. Phản hồi của người vợ đối với người chồng là quan trọng hơn hết, họ muốn thấy mình được tôn trọng, và vì bộ não đàn ông thích dự án, chi tiết, rõ ràng.

Đàn ông cần mạnh mẽ và bảo vệ phụ nữ, phụ nữ cần nhu mì và tế nhị với chồng. Đó là sự hoà hợp của yếu tố “cương” và “nhu”. Người chồng nên biết thông cảm, đoán biết ý kiến và thấu hiểu cho nỗi khổ của vợ mình, chia sẻ một phần công việc nhà và động viên vợ. Người vợ cần hiền dịu và khéo léo hơn khi chỉ ra những lỗi sai của chồng, và cần phải thật tinh tế khi yêu cầu chồng giúp đỡ mình làm một việc gì đó.

Con người luôn có sự tự tôn

Chúng ta thường có xu hướng muốn được thấu hiểu và đền đáp vì những điều mình đã làm và hy sinh cho người khác, vậy nên trong những lúc mâu thuẫn xung đột thường hay buột miệng nói ra những lời trách móc để khiến người khác áy náy và suy nghĩ lại. Thế nhưng, chính những lời nói vô tình này lại khiến đối phương cảm thấy mình bị tổn thương và bị đánh giá thấp, và họ thường phản ứng trái ngược lại với những gì ta mong muốn.

Bạn nhịn ăn nhịn mặc để mua cho chồng con những món quà đắt tiền nhất? Bạn hy sinh những giờ vui chơi cùng bạn bè và thậm chí là từ bỏ gia đình ruột thịt để về làm dâu và chăm sóc tổ ấm? Bạn từ bỏ những bộ quần áo sành điệu để trở thành người vợ mẫu mực trong mắt chồng?… Tất cả những điều này có thể là lý lẽ được các bà vợ lôi ra để khiến chồng mình cảm thấy áy náy.

Bạn đầu tắt mặt tối kiếm tiền để có thể duy trì sinh hoạt phí cho cả gia đình? Bạn từ bỏ các cơ hội thăng tiến vì nó đồng nghĩa với việc đi xa và không thể ở cạnh gia đình thường xuyên hơn? Bạn phải từ bỏ hết những sở thích và ước mơ tuổi trẻ để có thể toàn tâm chăm sóc chu đáo cho vợ mình?… Tất cả những điều này cũng thường là suy nghĩ thầm kín của các đức ông chồng khi nghĩ về những điều mình đã làm được cho vị hôn thê.

Thế nhưng, bạn có biết, rằng một khi bạn bắt đầu kể lể, thì nó cũng đồng nghĩa với việc bạn hạ thấp đối phương không bằng với những công lao và vật chất bạn hy sinh cho họ? Người chồng xem vợ không giá trị bằng số tiền lương hàng tháng anh ấy kiếm được. Người vợ đánh giá chồng không bằng những bộ quần áo mà cô ấy chắt chiu dành dụm để sắm sửa cho gia đình. Những lời trách móc vô tình khiến đối phương cảm thấy mình bị hạ thấp. Đây chính là vòng lẩn quẩn của tâm lý “muốn được người khác tôn trọng”.

Đối với con cái cũng vậy, khi bạn trách chúng sống không xứng đáng với những năm tháng và tiền của mà bạn hy sinh, tâm lý non nớt của chúng thường nghĩ rằng chúng là kẻ sống bám và không có giá trị trong gia đình.

Người xưa có câu rằng: Hôn nhân chỉ bền chặt khi vợ chồng biết “kính nhau như khách, trọng nhau như bạn”.

Bạn hãy chấp nhận một điều rằng, những lời nói tuy có đúng sự thật nhưng sẽ không bao giờ có thể đánh bại được lòng tự tôn trong mỗi người. Bạn không thể đòi hỏi người bạn đời của mình thay đổi giống với mong muốn của bạn, cách duy nhất là hãy thay đổi bản thân từ những điều cơ bản nhất: đó chính là suy nghĩ, lời ăn tiếng nói, và hành động.

Hãy nhớ lấy một điều rằng: Âm – dương vốn tương sinh tương khắc. Nếu bạn chọn “tương sinh”, hãy biết thấu hiểu và nhường nhịn. Nếu bạn chọn “tương khắc”, bạn sẽ đưa mọi thứ đi vào bế tắc. Cuộc đời là do mỗi người tự chọn lựa và quyết định!

 

Nguồn: anh135689999.violet.vn

Sưu tầm: Xuân Thái - Tổ Kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo