Thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau?

 

Câu hỏi trong phần thi ứng xử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đã trở thành chủ đề để nhiều người trẻ bàn luận.

 Ngồi cùng nhau nhưng mỗi người một việc...

Trong phần thi ứng xử, thí sinh Nguyễn Thị Thúy An đã nhận được câu hỏi: “Người ta nhận xét ở thời đại công nghệ ngày nay, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Bạn nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng lòng nhân ái sẽ không còn?”. Người đẹp này trả lời: "Lòng nhân ái xuất phát từ trái tim, tấm lòng của mỗi con người nên sẽ không bao giờ kết thúc. Lòng nhân ái gắn kết từ tình yêu thương này đến tình yêu thương khác, truyền lửa đến thế hệ sau và đi theo mỗi chúng ta".

Sau đêm chung kết, câu hỏi này tiếp tục được nhắc đến nhiều lần khi nhiều người băn khoăn, có đúng là trong thời đại công nghệ thì con người ngày càng ít quan tâm đến nhau?

Đúng...

7/10 người trẻ, là các học sinh, sinh viên được hỏi, đã trả lời rằng: "Chính xác là như vậy". "Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, công nghệ đã và đang chi phối đời thực của con người rất nhiều. Dẫn đến mọi người ít quan tâm đến nhau", Trương Thị Lan, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói. Nữ sinh này dẫn chứng: "Không khó để nhận ra điều đó. Thử đến các quán ăn, quán cà phê. Dù ngồi cả nhóm 6, 7 thành viên. Nhưng mỗi người dán mắt vào điện thoại của riêng mình, làm chuyện riêng, chứ ít giao tiếp với nhau".

"Bản thân mình cũng từng là người trong cuộc. Đi uống cà phê với bạn. Nhưng đứa nào làm việc đứa nấy. Hẹn nhau đến, gọi nước xong là mỗi đứa chăm chú bấm điện thoại. Việc hỏi han đối phương dường như xa xỉ. Cả buổi gặp 2, 3 tiếng đồng hồ, có lẽ nói được với nhau vài câu", Lan kể thêm.

Không ít bạn trẻ cũng đưa ra những câu chuyện về sự phụ thuộc của con người vào công nghệ, để rồi khiến cuộc sống thay đổi hoàn toàn. Và theo đó, sự quan tâm dành cho nhau ngày càng ít đi.

Không chỉ những mối quan hệ bạn bè cũng "nhạt" dần bởi bị phụ thuộc vào công nghệ, nhiều bạn trẻ còn đưa ra những câu chuyện của gia đình để minh chứng rằng mối quan hệ bố mẹ và con cái, những người thân trong gia đình... cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, mọi người ít quan tâm đến nhau hơn. 

"Khi công nghệ chưa phát triển, điện thoại thông minh chưa có, cả nhà mình rủ nhau đi tắm biển rất vui. Mọi người nói chuyện với nhau, ba hướng dẫn mình bơi, mẹ thì tắm cho em... Nhưng từ khi có điện thoại thông minh, thì đi tắm biển cũng mang theo để selfie. Có khi vừa xuống biển mà vẫn cầm điện thoại để chụp hình, hoặc... chat. Để rồi những sự quan tâm dành cho các thành viên trong gia đình ngày trước dường như biến mất. Mình cho rằng trong thời đại công nghệ thì con người ngày càng ít quan tâm đến nhau", Nguyễn Trọng Bạch, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, nói.

Trần Thanh Vĩnh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng, kể: "Trong những bữa ăn, mình nhận ra những câu hỏi thăm: "nay con học như thế nào", "ở trường, ở lớp có gì mới không"... ít dần đi. Thay vào đó là những khoảng lặng. Có khi vừa ăn vừa bấm điện thoại, tán gẫu với bạn bè, đối tác qua Zalo, Facebook. Vì thế, những bữa cơm gia đình ngày càng mất đi giá trị. Bên nhau trong... im ắng. Mình cảm thấy bố mẹ ít quan tâm đến mình hơn".

Đấy là chưa kể trong nhiều bữa tiệc, nhiều người không cần nói chuyện hay mời người bên cạnh dùng món, hay nhận xét món ăn... mà chỉ lo lấy điện thoại, máy ảnh ra chụp món ăn. Sau đó khoe lên mạng xã hội, tiếp tục đắm chìm vào những lời bình luận.

Nhiều học sinh cũng than vãn rằng đã thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Dù ở cùng nhà nhưng ít khi được gặp bố mẹ, ít khi được tâm sự, trò chuyện, chỉ vì lý do: "Bố lo chăm chú vào điện thoại, lướt mạng", "Mẹ lo tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp".

Và những điều đó đã khiến nhiều bạn trẻ đồng tình, rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau.

... hay sai?

Tuy nhiên vẫn có nhiều bạn trẻ cho rằng đây là nhận định sai lầm. Bởi lẽ những câu chuyện sống vì cộng đồng, giúp đỡ người khác... vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống.

"Rất nhiều người trẻ, tận dụng trang cá nhân thu hút nhiều người theo dõi trên mạng xã hội để kêu gọi, vận động giúp đỡ các mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, có vô số CLB, đội, nhóm tình nguyện, thường xuyên đến các vùng miền trên Tổ quốc để làm thiện nguyện, dù nơi đó có xa xôi, hẻo lánh. Vẫn còn đó những câu chuyện đầy tình người. Nên mình không đồng tình với quan điểm trên", Trần Thúy Hà, sinh viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, nói.

Còn Lê Duy Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (TP.HCM) thì bảo: "Mình đã từng chứng kiến vô số câu chuyện cảm động, mọi người yêu thương, quan tâm nhau rất nhiều, dù đó là những người xa lạ. Hãy thử một lần chạy xe vào đêm khuya, để được chứng kiến bao người lạ đem chăn, màn, hay những thức uống, thức ăn... để tặng cho những người vô gia cư".

Hằng năm, rất đông sinh viên tình nguyện đến các vùng sâu, vùng xa để giúp đỡ những gia đình, mảnh đời nghèo khó

Hoàng Phú Bình, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, nói: "Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều người đã vô tình bị công nghệ chi phối, bị phụ thuộc vào công nghệ, nên khiến không ít bạn nhận định cho rằng thời đại công nghệ, con người ngày càng ít quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, thực tế thì những sự quan tâm giữa người với người, cả những người thân thiết hay người lạ vẫn còn đó, không phải ít quan tâm hơn mà có thể nhiều hơn. Vấn đề là, mỗi người cần biết cách thoát khỏi sự 'nô lệ' đối với công nghệ".

Trao quà cho những người vô gia cư ở TP.HCM

Cùng quan điểm, Lê Duy Anh nói: "Chỉ cần kiểm soát bản thân để không bị lệ thuộc vào công nghệ thì chắc chắn sự quan tâm dành cho nhau vẫn tồn tại, vẫn tiếp diễn và ngày càng nhiều hơn".

Nam sinh này nói thêm: "Khi ăn những bữa cơm gia đình, bố mẹ và con cái nên trò chuyện cùng nhau, hỏi han nhau sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng, chứ đừng vừa ăn vừa bấm điện thoại nữa. Hay cùng bạn đi cà phê, đừng 'mỗi người mỗi máy' làm việc riêng, mà hãy tận dụng để trao đổi, tâm sự cùng nhau... Có như vậy thì dù công nghệ có phát triển đến mấy cũng không khiến sự quan tâm dành cho nhau ít đi".

Nguồn: thanhnien.vn

Sưu tầm: Trung Hạnh - P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo