Tìm đâu giá trị xưa cũ trong cái Tết “công nghệ” của thập niên mới này?

 

Chúng ta vừa bước qua ngưỡng cửa của một thập niên mới, một kỷ nguyên công nghệ mới. Trong một thời đại 4.0 cùng với sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo thì mọi thứ đang dần bị ảnh hưởng và thay đổi. Chẳng biết tự khi nào Tết truyền thống cũng trở nên “4.0” đến thế!

Tết nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam. Nó luôn mang trong mình những giá trị vô cùng ý nghĩa và nhân văn bởi những khoảnh khắc đoàn viên, sum họp và gắn kết. Chẳng trách, đã từ lâu Tết cổ truyền đã trở thành một tín ngưỡng thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt.

Thế nhưng trong những năm gần đây, ngày Tết đang dần mất chất, và lý do chính được nhiều người xem là “hợp lý” chính là vì sự xuất hiện của công nghệ. Liệu rằng nhận định trên có chính xác? Liệu rằng tín ngưỡng đẹp đẽ kia có bị lu mờ dần trong thời đại hiện đại này? Hãy cùng Sforum.vn đọc và ngẫm nhé!

Công cuộc “xâm lăng” mạnh mẽ của công nghệ:

Có thể nói chúng ta đã và đang sống trong thập niên mới của công nghệ, của những thiết bị thông minh, của trí tuệ nhân tạo cùng những sáng tạo, đổi mới không giới hạn. Kể từ khi cuộc cải cách công nghệ số được diễn ra, cuộc sống của con người đã thay đổi rất nhiều. Và chẳng bao lâu nữa, công nghệ dự đoán sẽ thay thế hầu như toàn bộ các chức năng, hoạt động của con người. 

Sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ đã tạo ra những luồng tranh luận về tầm ảnh hưởng của nó. Hiển nhiên chúng ta không thể phủ nhận được sự hiện đại và hiệu quả mà công nghệ đã đem lại nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều điều tiêu cực và xa cách do công nghệ tạo ra lại khiến rất nhiều người phải hoài nghi. Thể hiện rõ ràng nhất trong những ngày Tết, khi mỗi người đã cảm thấy bất lực khi chứng kiến những sự đổi thay quá khác biệt so với truyền thống khi xưa. Họ thấy giữa sự hiện đại ấy là nét nhạt nhòa của giá trị tốt đẹp cũ và rồi Tết trở nên “nhạt” dần tự lúc nào không hay?

Tết 4.0 trong mỗi người:

Có lẽ sự “nhạt” dần trong cách cảm nhận của mọi người được thể hiện rõ ràng qua những sự đổi thay đầy khác biệt giữa các truyền thống xưa và nay.

Nếu ngày ấy, những phiên chợ họp vào mỗi độ cuối năm sẽ đem đến cho chúng ta một không khí Tết thật rộn ràng và rõ nét thì giờ tất cả mọi thứ đã có sẵn trên các trang mua hàng trực tuyến. Chúng ta sẽ chẳng còn phải vất vả, lặn lội đến tận nơi tìm kiếm mà chỉ cần ở nhà và thao tác đặt mua qua một cú click chuột đơn giản. 

Nếu lúc trước, tiếng pháo nổ đã trở nên rất quen thuộc đối với mỗi nhà mỗi làng, thì giờ đây lại chẳng hề dễ dàng để có thể tìm được những thanh âm náo nhiệt ngày ấy. Thay vào đó là những âm thanh xập xình, các bài hát sôi động được phát ra từ các loa đài, smartphone với những chất lượng âm thanh tuyệt vời. 

Nếu khi xưa, trước những ngày Tết, mọi người cẩn thận chuẩn bị những phong bao đỏ rực để mừng tuổi người già, lì xì trẻ nhỏ lấy lộc, lấy may thì giờ đây khi đã xuất hiện nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến, hình thức “lì xì ngày Tết” đã trở thành một “dịch vụ” chỉ để trao đổi tiền qua lại mà thôi. 

Nếu lúc ấy, Tết là dịp mà mọi người cùng nhau quây quần, sum họp, sẻ chia những câu chuyện của năm cũ thì bây giờ chúng ta vẫn ngồi cùng nhau nhưng là với một chiếc smartphone của riêng mình và chia sẻ những trạng thái trên các trang mạng xã hội xa lạ. 

Đã có rất nhiều sự so sánh được đưa ra giữa Tết xưa và nay, trong đó thể hiện nhiều sự trách móc lẫn nuối tiếc, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn vội vàng kết luận rằng chính công nghệ đã làm tạo ra những khoảng cách, chính sự hiện đại làm mất đi giá trị truyền thống tốt đẹp thuở đầu. Nhận thấy sự khác biệt quá rõ ràng và có phần chua xót, mọi người vội trách cứ Tết 4.0 sao mà “xa lạ” thế? 

Tết giờ thật lạ nhưng cũng thật quen

Trước khi bản thân cũng chán nản, buông lời trách cứ, sao chúng ta không chậm lại để nhìn thấu đáo hơn? Thực ra chẳng có gì là xa lạ cả, chẳng có giá trị xưa cũ nào nhạt nhòa mất đi hết, tất cả chỉ là được thể hiện bằng một hình thức, một “vỏ bọc” mới mẻ hơn mà thôi. 

Bạn nhớ về những chiếc TV đen trắng thời xưa hay là bạn nhớ những phút giây gắn kết, được quây quần bên nhau cùng xem những chương trình Tết?

Bạn nhớ tiếng pháo xưa, tiếng radio cũ, hay chỉ đơn thuần là nhớ những thanh âm đặc trưng, náo nhiệt chỉ có riêng ngày Tết?

Bạn lưu luyến những phong bao lì xì đỏ hay là bạn mong chờ những khoảnh khắc trao gửi yêu thương bằng những điều đơn giản ấy?

Chúng ta vẫn cứ luôn đổ lỗi cho những chiếc smartphone hay mạng xã hội làm con người càng xa cách nhau nhưng ta nào biết đó lại là công cụ vô cùng ý nghĩa đối với những người con xa xứ, với mong muốn được sẻ chia những khoảnh khắc đáng nhớ ấy cùng gia đình qua sự hỗ trợ tuyệt vời của công nghệ. 

Thế nên dù bây giờ chẳng còn thấy hình bóng của chiếc radio cũ, chiếc xe phượng hoàng xưa hay thứ gần gũi hơn là chiếc TV đen trẳng cổ thì chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những giá trị quen thuộc bên trong món đồ công nghệ xa xỉ và hiện đại khác bây giờ.

Thực ra những giá trị cốt lõi của ngày tết vẫn luôn ở đó, hiện diện ngay trong những sự đổi mới của công nghệ. Những điều cũ kỹ vẫn nằm nguyên vẹn, chẳng hề sứt mẻ, chỉ là công nghệ đã tạo cho những giá trị ấy một “hình thức” hiện đại hơn, mới mẻ hơn và hữu dụng hơn mà thôi. 

Công nghệ đang thay đổi Tết, nhưng là biến chất hay phát triển?

Kể từ khi có công nghệ phát triển, cuộc sống vật chất và tinh thần chúng ta đã thay đổi không ít và Tết truyền thống cũng chẳng nằm ngoài sự vận động ấy. Thực ra không chỉ có đời sống thay đổi, nhu cầu thay đổi hay Tết đang thay đổi mà cả chính chúng ta cũng là những chủ thể đang dần đổi thay từng ngày. Khi xã hội phát triển kéo theo những nhu cầu của con người cũng dần cao hơn.

Chúng ta thường nghe rất nhiều lời than phiền về sự ảnh hưởng của công nghệ nhưng thực ra là Smartphone, SmartTV, SmartCar,… hay bất kỳ sự phát minh về công nghệ nào khác đều chẳng hề có lỗi. Công nghệ vẫn đang làm rất tốt công việc của mình, phát triển và cải tiến để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của con người. 

Chính vì vậy sự thay đổi trong tâm thức và cách thức đón Tết cũng là một điều tất yếu. Và sự thay đổi ấy không thể làm lu mờ những giá trị nhân văn cốt lõi, không thể làm cái “chất” bên trong biến đổi mà chỉ đang duy trì chúng dưới sự hỗ trợ của công nghệ. 

Suy cho cùng giá trị thực sự vẫn nằm ở con người…

Cho dù công nghệ sau này có biến hóa “khôn lường” hay phát triển chóng mặt như thế nào đi chăng nữa thì giá trị cổ truyền của những ngày Tết cốt vẫn tồn tại mãi trong mỗi con người. Chẳng thể có sự phát triển hay đổi mới nào có thể lay chuyển được.

Cũng giống như việc kinh doanh thương mại điện tử có phát triển ra sao thì các phiên chợ cuối năm vẫn không thể biến mất. Hay khi đã có những hình thức lì xì trực tuyến thì vẫn chẳng bao giờ giống được cảm giác được trao tận tay những phong bao rực rỡ cùng những lời chúc may mắn khi xưa.

Miễn rằng trong tâm của mọi người vẫn còn Tết, trí của mọi người vẫn mãi nhớ về những khoảnh khắc sẻ chia và sum họp những ngày đầu năm thì Tết sẽ vẫn mãi luôn ở đó thôi!

Mãi nguyên vẹn trong tim mỗi người!

 

Nguồn: cellphones.com.vn

Sưu tầm: Hương Giang – P. Ban Kiểm Soát

zalo

Đặt hàng online

zalo