Tp. Hồ Chí Minh giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mở rộng thị trường

Ngày 14/3, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với các ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghệ cao tổ chức chương trình Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018.

Tại ngày hội, 17 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc các lĩnh vực điện tử, ô tô, xe tải, cơ khí chế tạo đã được kết nối trực tiếp với hơn 80 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam để giới thiệu nhu cầu và tìm kiếm đối tác sản xuất, cung ứng linh kiện, sản phẩm trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ gặp gỡ trực tiếp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối sẽ giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, tăng khả năng cạnh tranh, giúp cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo hướng giảm nhập khẩu và tăng linh kiện, sản phẩm nội địa. 

Đối với chính sách kích cầu doanh nghiệp năm 2017, Sở Công Thương đã tiếp nhận 12 dự án về xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ và đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vay vốn ưu đãi với số tiền gần 800 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Phương Đông cho biết, một trong những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ hiện nay là chưa có sự ổn định và đồng đều về quản trị.

Vì vậy thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản trị cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bám sát các cơ chế, chính sách của Chính phủ và Tp. Hồ Chí Minh để tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp tục thay đổi trang thiết bị theo hướng hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội cao su nhựa Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ như chính sách kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Trong lĩnh vực nhựa và cao su, vấn đề nội địa hóa linh kiện nhựa và cao su trong xe máy hiện đã đạt 100%, tỷ lệ này đối với xe tải khoảng 30 - 40%.

Một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện đã đầu tư tương đối hoàn chỉnh về trang thiết bị sản xuất hiện đại nhưng chưa được các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối biết đến hoặc chưa nắm được những nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối. 

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ chính năm 2018 là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu và giới thiệu trang thiết bị sản xuất đối với doanh nghiệp sản xuất đầu cuối để có sự hợp tác trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. 

Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018 được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ có cơ hội tiếp cận với các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung ứng, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng tính liên kết trong chuỗi cung ứng nhằm phát triển công nghiệp bền vững, trong đó có công nghiệp hỗ trợ./.

 

Nguồn: bnews.vn

Sưu tầm: Thanh Tuấn - BP. IT

zalo

Đặt hàng online

zalo