TRÁCH NHIỆM VỚI TẬP THỂ

 

 

Tôi, bạn, mọi người ai cũng có một tập thể để cống hiến và trung thành, rộng hơn là một quê hương một đất nước và toàn thể địa cầu. Và tinh thần trách nhiệm là yêu cầu trước hết mà chúng ta phải có khi tham gia vào tập thể.

Tinh thần trách nhiệm là bẩm sinh ư? Nó phải được rèn luyện và rèn luyện không ngừng mới có được. Hôm nay tôi sẽ nhìn lại tinh thần trách nhiệm của mình ở phạm vi rất nhỏ, đó là tập thể.

Đâu là tập thể? Khi ta ở nhà, môi trường tập thể của chúng ta là gia đình; khi đến trường, tập thể là lớp học; khi tham gia nhóm StudentHope, tập thể là nhóm StudentHope...Một người có thể có thể là thành viên của nhiều tập thể.

Ở mỗi tập thể tham gia, chúng ta đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm không đòi hỏi bạn phải xung phong nhận nhiệm vụ khó, không đòi hỏi bạn phải là người quản lý...mà mọi thành viên trong tập thể đều phải có trách nhiệm với tập thể.

Vậy những hành động nào chứng tỏ mình là người có trách nhiệm với tập thể? Đơn giản và vô cùng đơn giản:

1/ Giữ uy tín cho tập thể chính là có trách nhiệm với tập thể

Để tạo được uy tín đã khó, giữ được uy tín lại càng khó hơn. Vấn đề này nói thì dễ, làm rất khó, nhưng không phải vì khó mà không làm. Có người hỏi tôi: "Tôi không bêu rếu, không nói xấu tập thể vậy là giữ uy tín cho tập thể rồi!". Nhưng xin thưa mới bấy nhiêu đó thì chẳng thắm vào đâu cả! Khi đã khoát trên mình chiếc áo của tập thể nào thì mỗi việc bạn làm đều bị người khác đánh giá không chỉ bản thân bạn mà còn đánh gía cả tập thể mà bạn tham gia nữa. Ví dụ: nếu bạn là một đứa con hư hỏng, khi ai đó nhận xét về bạn, người ta không chỉ chê bạn mà còn kèm theo một câu thậm tệ dành cho gia đình bạn, đại thể như:"con ông A, bà B...ăn chơi lêu lỏng, chỉ biết phá làng phá sớm chứ làm được việc gì nên trò! Cũng tại nhà không gia giáo mới vậy". Dẫu có, dẫu không, cũng rất tủi hỗ cho gia đình. Một ví dự khác: giả sử bạn A là thành viên nhóm StudentHope, nhưng tối ngày la cà nhậu nhẹt, học hành rớt lên, rớt xuống. Ở ký túc xá thì quậy quạn, làm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Thế là người ta không cần biết nhóm StudentHope thế nào mà phán ngay một câu: " nó là thành viên StudentHope đó, chắc tụi nó cũng chẳng khác gì nhau", thế là tập thể mang tiếng xấu. Còn rất nhiều ví dụ, tôi không thể kể hết được, vậy trách nhiệm với tập thể là không gây tiếng xấu cho tập thể. Nên nhớ rằng: " trăm việc tốt không được khen, một việc xấu sẽ bị chê".

2/ Trách nhiệm với tập thể là phải quan tâm đến tập thể

Điều này có lẽ dễ làm. Quan tâm đến tập thể là quan tâm thế nào? Đó là một vài tuần, bận quá thì một vài tháng ghé thăm trang nhà của tập thể; nhắn tin, gởi email hỏi thăm về tình hình tập thể...Không ít người tham gia vào tập thể để cho có chứ chẳng quan tâm gì đến tập thể; hỏi tập thể có bao nhiêu người cũng không biết; hỏi ai quản lý cũng không biết; hỏi địa chỉ liên hệ cũng không biết...Tôi cũng không biết họ tham gia tập thể để làm gì! Vậy họ có trách nhiệm với tập thể chưa? Có người đỗ lỗi cho thời gian, công việc...tôi chấp nhận hết thảy những sự bào chữa đó, điều quan trọng là bạn bào chữa để bạn ý thức hơn chứ không phải bào chữa rồi giữ nguyên hiện trạng. Ý thức cái gì? Ý thức rằng:" ừ, đúng là mình chưa có trách nhiệm lắm, mặc dù mình bận bịu thật, mình phải có trách nhiệm hơn". Ý thức được như vậy là đủ chứng tỏ bạn là người có trách nhiệm rồi.

3/ Có trách nhiệm với tập thể là khi tập thể cần tôi sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của tôi.

Ví dụ: ngày mai nhóm StudentHope cần mượn một xe máy để đi phỏng vấn học sinh nghèo ở Trà Vinh. Tôi biết ngày mai tôi phải đi làm bằng xe máy như thường ngày, nhưng vì tập thể cần, tôi hy sinh đi xe đạp để tập thể mượn xe của tôi. Đó là một người có trách nhiệm với tập thể.

4/ Cuối cùng, có trách nhiệm với tập thể là phải yêu tập thể, xem công việc của tập thể như công việc của mình, chứ không phải xem nó là trách nhiệm của những người quản lý

Điều này rất khó. Từ một người có trách nhiệm chuyển sang yêu tập thể là cả một quá trình phấn đấu. Khi tôi có trách nhiệm với tập thể, tôi sẽ quan tâm hơn đến tập thể, từ quan tâm, tôi dành nhiều thời gian cho tập thể và ngày càng gắn bó với tập thể, yêu tập thể lúc nào không biết. Yêu tập thể là ngưỡng cao nhất của một thành viên đối với tập thể.. Để thành viên yêu tập thể thì vai trò của những người quản lý là hết sức quan trọng, vấn đề đó tôi sẽ đề cập ở bài viết khác.

Vậy muốn yêu tập thể cần

- Yêu mến hầu hết thành viên của tập thể.

- Cùng lý tưởng với tập thể.

- Hiểu rõ tập thể và ý nghĩa các hoạt động của tập thể.

- Biết quyền và nghĩa vụ của mình trong tập thể.

- Tin tưởng vào tập thể

...

Tôi mong rằng, hễ ai tham gia vào tập thể nào thì đều yêu tập thể đó. Và tập thể phải làm sao cho thành viên của mình yêu thích thì mọi công việc đều thuận lợi, thành công. Phải thật sự chú ý tới chất lượng thành viên hơn là số lượng, trọng yếu là tập thể tốt, chứ không phải là tập thể có nhiều thành viên.

Rèn luyện tinh thần trách nhiệm với tập thể như thế nào?

+ Để rèn luyện tinh thần trách nhiệm với tập thể chúng ta phải đổi mới từ nhận thức đến hành động. Không tham gia tập thể nào khi chúng ta cảm thấy không phù hợp, không yêu thích. Nếu đã tham gia mà thấy không phù hợp thì xin rút ra để trách làm người vô trách nhiệm.

+ Nếu sự tham gia là bắt buộc, là mặc định (lớp học...) thì phải tự rèn luyện để có tinh thần trách nhiệm với tập thể. (Rèn luyện như phần trên đã trình bày: giữ uy tín cho tập thể, hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể...)

+ Rèn luyện tinh thần trách nhiệm trong mọi công việc, nhận sai, sửa sai khi công việc làm chưa đúng, chưa tốt.

Một tập thể mà ai cũng có tinh thần trách nhiệm thì sẽ rất tốt, rất phát triển, dù khó khăn đến đâu cũng có thể vượt qua và tiến lên. Tôi có một lời nhắn chân thành đến một trong số tập thể mà tôi tham gia đó là nhóm StudentHope: các bạn hãy là những người có trách nhiệm với StudentHope nhé! Hôm nay, ngày mai bạn có trách nhiệm, nhưng nếu không rèn luyện, không duy trì, có thể ngày mốt bạn là người vô trách nhiệm. Thông thường những tổ chức hoạt động cộng đồng , thành viên ít có sự ràng buộc, tất cả trên tinh thần tự nguyện, vì thế thành viên rất dễ lơ đễnh, xa rời tập thể. Cho nên tôi cũng đồng gởi lời nhắn này đến những ai đang tham gia các tổ chức hoạt động xã hội, hãy là những người có trách nhiệm với tổ chức của mình bạn nhé!

 

Nguồn: sites.google.com

Sưu tầm: Dziễm Trung - ĐGN

zalo

Đặt hàng online

zalo