Trí tuệ AI sẽ thay đổi cuộc sống đô thị ra sao

 

Câu hỏi rằng trí tuệ nhân tạo AI sẽ tác động như thế nào đến tương lai của các thành phố lớn luôn là đề tài gợi trí tò mò và tưởng tượng. Đối với giới thiết kế, điều này cũng không ngoại lệ.

Trong cuốn sách “Life 3.0”, giáo sư Max Tegmark của MIT có nói rằng: “Tất cả chúng ta đều là những người bảo vệ tương lai của cuộc sống hiện tại khi thời đại của AI đang dần lên ngôi”. Trí tuệ nhân tạo vẫn được coi là con dao hai lưỡi, với tiềm năng phát triên những thành phố thông minh, bền vững nhưng cũng đồng thời xâm phạm vào cuộc sống riêng tư của con người.

Là một phần của Sự kiện Shenzhen Biennale 2019, các KTS và NTK tham dự đã đưa ra một loạt tầm nhìn về sự thay đổi của đô thị trong tương lai. Đó là những giải thuyết khác nhau, nơi mà trí tuệ nhân tạo AI sẽ thay con người làm những công việc liên quan đến kỹ thuật, thông tin… như một bước tiến mới của nhân loại.

1. Eyes of the City: Seeing and Designing Beyond the Human / Jeanne Gang

(Tạm dịch: Đôi mắt của thành phố: Tầm nhìn và thiết kế vượt xa loài người / Jeanne Gang) Sự tiến bộ của công nghệ AI có thể nâng tầm hiểu biết của con người đối với mọi thứ trong cuộc sống. Khi đó, loài người sẽ ra sao nếu hàng ngày, mọi thông tin của chung ta đều được ghi chép, tính toán và giám sát trong một hệ thống điện tử?

Trí tuệ nhân tạo có thể là người bạn, cũng có thể là một thế lực mới với quan điểm riêng, mục đích riêng và cách hành động riêng. Liệu rằng con người có chấp nhận chia sẻ môi trường sống với một thực thể máy móc có trí thông minh của toàn nhân loạ

Khi đó, có thể mối liên kết giữa con người với con người sẽ bị rạn nứt. Cuộc sống đô thị sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nếu có một công nghệ hàng ngày theo dõi chuyển động của cuộc sống, thì những bất cập, những vấn đề có thể nhanh chóng được giải quyết, và một loạt giải pháp sẽ được thiết lập tự động. Điều này cũng không ngoại trừ viễn cảnh của một tương lai tốt đẹp hơn đối với ngành kiến trúc, quy hoạch đô thị… 

Con người nhiều khi không quan tâm đến thành phố mà chúng ta đang sinh sống. Nếu trí tuệ nhân tạo AI có thể giúp chúng ta chăm sóc môi trường sống, ắt hẳn ta sẽ nhận được nhiều hơn những gì ta tưởng tượng, khi mà tiện nghi sống của con người càng được nâng cao.

2. Seoul City Machine / Liam Young

(Tạm dịch: Seoul – Thành phố máy móc / Liam Young)

Trong suốt lịch sử loài người, máy móc được xem như những công cụ vô tri vô giác để hỗ trợ công việc. Tuy nhiên, nếu như chúng có thể nói chuyện với chúng ta? Tương tác trực tiếp với máy móc liệu có tốt?

Trước mắt, điều đó thực sự rất tốt. Hãy tưởng tượng nếu bạn và tôi có thể hoàn tất vận chuyển một chuyến hàng lớn sang Trung Quốc chỉ bằng vài câu đối thoại với “chiếc container” được trang bị trí tuệ nhân tạo. Không những vậy, bằng kho dữ liệu khổng lồ được lập trình sẵn, AI đôi khi giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề mà ta không thể tự xoay sở.

Nói về thực tế một chút, với Siri của Apple, Google Assistant, hay Microsoft với Cortana… tất cả những trợ lý ảo có thể hữu ích với cuộc sống hàng ngày của người sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn về vấn đề ngôn ngữ: chẳng người Việt nào muốn dùng tiếng Anh để mở trình nghe gọi trên chiếc smartphone của mình hằng ngày – xin lặp lại từ “hàng ngày”.

Vậy, trở lại với trí tuệ nhân tạo AI, liệu rằng nó có thể thay thế và hỗ trợ được con người trong công việc một cách mượt mà hay không? Nếu có, hẳn là nhiều người sẽ mất việc làm, mất đi công cụ nuôi sống gia đình. Chưa kể đến việc nhiều người vẫn còn định kiến về những cỗ máy, như “công dân” Sophia từng được biết đến vào năm 2018… thì rất khó để phổ cập công nghệ tương tác, trò chuyện vào trong một con robot.

3. The Urban (Un) Seen “Artificial Intelligence as Future Space” / Bettina Zerza

(Tạm dịch: The Urban (Un) coi trí tuệ nhân tạo như những không gian của tương lai / Bettina Zerza)

Trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi môi trường sống của chúng ta. Bằng chứng là ở nhiều thành phố lớn tại Mỹ, những cảm biến siêu nhỏ, những con chip và các thiết bị điện tử được lắp đặt khá nhiều, thậm chí ngay trên chiếc smartphone. Bạn có biết, Google hàng ngày vẫn đang thu thập dữ liệu từ người sử dụng?

Những thông tin được ghi lại là tốt hay xấu? Câu trả lời là cả 2. Ngoại trừ việc thông tin cá nhân của từng người đang bị khai thác, thì hiệu quả của những số liệu về chất lượng không khí, ô nhiễm tiếng ồn, giờ cao điểm và tình trạng giao thông là vô cùng hữu ích.

Việc mọi thứ được lưu trữ vào hệ thống mang lại tính linh hoạt, truy cập mọi lúc, mọi nơi. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những nhà lãnh đạo, lực lượng an ninh, chính quyền, những nhà nghiên cứu giải pháp cho thành phố, kể cả các KTS trong quá trình thu thập tài liệu hiện trạng cho dự án của mình.

Vấn đề về trí tuệ nhân tạo tương lai nằm ở chỗ, bạn có sẵn sàng cho những thông tin cá nhân cũng như hình ảnh hiện tại của mình được truyền hình trực tiếp bằng công nghệ hay chưa? Và các KTS, bạn đã sẵn sàng để public tất tần tật thông tin về công trình kiến trúc và những sản phẩm của mình, để mọi người có thể truy cập và bàn luận chỉ bằng một cái chỉ tay?

4. Biocities beyond the Digitial / Vicente Guallart

(Tạm dịch: Những thành phố sinh thái vượt xa công nghệ kỹ thuật số / Vicente Guallart)

Nhờ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, các đô thị dần trở thành sự tiến hóa hiển nhiên trong lịch sử loài người – kết quả sau hàng ngàn năm ăn lông ở lỗ của tổ tiên chúng ta. Tuy nhiên, sự phát triển càng tiến tới thì thách thức đặt ra ngày càng nhiều.

Trong vài thập kỷ tới, nỗi lo về môi trường, thiên nhiên và sinh thái trong các thành phố lớn luôn khiến những người làm kiến trúc, quy hoạch đô thị phải đau đầu. Thế nhưng, trí tuệ nhân tạo có thể là công cụ giải quyết vấn đề này.

Trong nhiều trường hợp, trí tuệ nhân tạo giúp con người tiếp tục phát minh ra những sáng kiến mới, như là một công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình hình thành và phát triển thời đại công nghệ cao – nơi mọi dữ liệu đều được tính toán và ghi chép.

Vấn đề môi trường, sinh thái thực sự quan trọng. Bởi lẽ, các thành phố hiện nay đều được coi như những cỗ máy nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu rác thải. Và khi công nghệ vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển – sản xuất, vừa mang lại những giải pháp thích hợp với việc bảo vệ môi trường, lúc đó cuộc sống của con người mới có thể bền vững trong nhiều thế kỷ nữa.

5. Whose Eyes on the Street / Liu Jian

(Tạm dịch: Những đôi mắt trên đường phố / Liu Jian)

Hãy tưởng tượng về một ngày, thành phố của chúng ta đầy rẫy những cảm biến tinh vi hơn, hỗ trợ cho việc nghe nhìn, thu thập mọi dữ liệu và phân tích mọi thứ nhiều nhất có thể. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc quản lý không gian công cộng: tỷ lệ trộm cắp, tội phạm sẽ giảm dần, lưu lượng giao thông có thể bớt tắc nghẽn ở các tuyến huyết mạch, hơn nữa ta có thể kiểm soát số vụ tai nạn giao thông ở mức tối thiểu.

Những người mua sắm sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn địa điểm có mức giá phù hợp nhất. Riêng lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, dữ liệu cập nhật trực tiếp nhờ trí tuệ thông minh mà không phải qua hệ thống nhân sự, máy móc có thể là một món hời đối với nhiều người.

Thành phố sẽ hoạt động như một cỗ máy khổng lồ, đặt hiệu quả và tính hợp lý lên trên hết. Công bằng xã hội được nâng cao, chất lượng dịch vụ và tiện nghi sống của con người cũng từ đó mà đi lên.

Nhưng trước hết, một thành phố đầy “tai mắt” như vậy buộc chúng ta phải có những quy định, những ràng buộc nhất định. Vấn đê về quyền riêng tư cá nhân luôn phải được tôn trọng, bởi trên thế giới có vô vàn hacker tinh vi có thể đột nhập vào căn hộ của bạn và lấy cắp dữ liệu một cách bất hợp pháp, như đang hiện hữu ngày nay.

6. How Does Architectural Design Change When the City Becomes Equipped with the “Most Recent Advances in Artificial Intelligence”? / Alessandro Armando, Giovanni Durbiano

(Tạm dịch: Thiết kế kiến trúc chuyển mình ra sao khi các thành phố được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất? / Alessandro Armando, Giovanni Durbiano)

Trong cuốn sách The Turn Digital Turn – xuất bản bởi Viện công nghệ Massachusetts (Hoa Kỳ), Mario Carpo đưa ra một định nghĩa rõ ràng về sự khác biệt giữa trí tuệ nhân tạo và trí tuệ “con người”. Tác giả giải thích về khẩu hiệu “Search, don’t sort” (Hãy tìm kiếm, chứ đừng sắp xếp) như sau:

“Chúng tôi từng nghĩ rằng việc sắp xếp dữ liệu một cách máy móc sẽ tiết kiệm thời gian, nhưng ở thời điểm hiện tại đã không còn phù hợp nữa. Google search ngày càng được cải thiện và linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm dữ liệu mà con người chủ động hàng ngày, do đó các công cụ tổng hợp, truy xuất thông tin tự động ngày càng trở nên vô dụng. Và cũng vì máy móc không phải con người, nên chúng không thể đáp ứng được những nguyên tắc, kỷ luật của cuộc sống, như những gì chúng ta đã và đang làm.”

Trí tuệ nhân tạo thông minh hay không? Có! Nhưng “có” ở mức độ giới hạn. Chung ta vẫn có thể tìm thấy một cây kim trên thảo nguyên, bởi ta là con người, ta có ý thức và trí tuệ, tinh thần và lòng trắc ẩn – thứ mà không một cỗ máy nào có thể sở hữu.

Máy tính có thể thông minh tới trình độ của con người, nhưng một điều hiển nhiên rằng: Máy móc không thể thay thế con người. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI nên được kìm hãm ở một mức độ nào đó, thay vì thế chân chúng ta đảm nhiệm toàn bộ công việc mà ta từng được đào tạo nhiều năm để “vận hành”.

 

Nguồn: kienviet.net

Sưu Tầm: Văn Hiến – P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo