Uốn lưỡi bảy lần…

 

Phát ngôn thể hiện trình độ và tâm hồn của con người. Không gian phát ngôn, nội dung thể hiện, phương thức biểu đạt… nói lên tâm và tầm của người đó

“Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” - cần thiết phải nhắc lại câu này bởi có một điều đáng báo động là ngày càng xuất hiện nhiều phát ngôn cực kỳ quái đản, thoáng nghe qua đã thấy choáng, không thể tin rằng tai mình đã nghe, mắt mình đã thấy.

Gần đây nhất, dư luận cộng đồng sốc với phát ngôn đại loại như có đại gia luôn tự nhận thường xuyên ăn chay, hướng về Phật pháp, thiếu điều chỉ còn xuất gia đi tu là xong. Những con người đạo đức, tâm thanh tịnh, tính trong sáng bao giờ cũng chiếm được tình cảm của người khác. Ấy thế mà đùng một cái, trên diễn đàn, giữa thiên thanh bạch nhật, người đó lại buộc mồm tuyên bố một câu xanh rờn, đại loại: “Ngu gì mà không làm!”. Tức là đã kinh doanh, buôn bán thì hễ đánh hơi có lợi nhuận thì cứ xộc mũi vào. Đó không phải là văn hóa doanh nghiệp bởi không thể vì đồng tiền thu về mà bất chấp tất cả, chẳng hạn sự ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và lợi ích cộng đồng…

Tất nhiên, dư luận phản ứng thì kẻ ấy lại to tiếng như khua chiêng gõ mõ, múa gậy vườn hoang, mắng mỏ “mày/tao”. Trong tiếng Việt, những từ ấy, trong ngữ cảnh ấy không thể là phát ngôn của những người minh chính. Chỉ mới có một nhúm tiền, một chút quyền lực đã hất mặt lên trời.

Điều gì đã dẫn đến sự tệ hại này?

Có phải đến một lúc nào đó, khi tự nghĩ rằng mình có tiền hoặc có “ô dù” phía sau thì được quyền coi trời bằng vung? Được quyền “mục hạ vô nhân” - dưới mắt mình không có ai, không coi ai ra gì? Sự quái đản này không là sự cá biệt của ai đó, điều đáng lo ngại là nó ngày càng có xu hướng phổ biến.

Với cách phát ngôn, “tranh luận” kiểu ba bứa ấy chỉ đẩy vấn đề đi vào chỗ bế tắc.

Điều cốt lõi của sự phản biện là chứng cứ, cứ liệu, kiến thức trưng ra có thuyết phục hay không chứ không phải “cả vú lấp miệng em”. Và cũng không phải mắng nhiếc đến tệ hại cỡ xem thiên hạ chỉ là hạng “não đặt dưới mông”… Những câu nói ấy - chắc chắn không phải văn hóa tranh luận.

Nhìn về thế hệ trước, ta thấy sự lịch lãm, thanh lịch trong tranh luận, cãi cọ không hề nhuốm sắc màu u ám như hiện nay. Thí dụ, nền văn học Việt Nam hiện đại, từ năm 1932 đến nay, đã nổ ra nhiều cuộc “long trời lở đất” như tranh luận “Thơ mới & Thơ cũ”; “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”, “Duy tâm hay duy vật?”. Rồi tranh luận về “Quốc học”, về “Truyện Kiều”… đã lôi cuốn một loạt cây bút hàng đầu của nền văn hóa nước nhà tham gia. Thậm chí, trên An Nam tạp chí số 37 (ra ngày 16-4-1932), Tản Đà buộc tội Phan Khôi phải chịu một hình phạt độc đáo là “chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ở ba nơi: “Đánh ở trước sân Văn Miếu Thăng Long là nơi gốc văn vật của sự học Nho của nước ta từ triều nhà Lý; đánh ở Huế là nơi thủ phủ xứ Trung kỳ; ở Quảng Nam là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng học tập”.

Thế nhưng, dù có “nặng lời” nhưng người bị phê bình không lấy đó làm giận dữ, tức tối bởi họ xét vấn đề tranh luận trên cơ sở của học thuật. Và điều quan trọng nữa là cả hai sử dụng cách xưng hô lịch thiệp của người có học. Chẳng hạn, lúc tác phẩm “Nho giáo” của Trần Trọng Kim ra đời đã xảy ra cuộc bút chiến dữ dội giữa tác giả với Phan Khôi trên nhiều số báo liền. Cả hai lúc ôn hòa, khi gay gắt nhưng trước sau người này vẫn xưng người kia “tiên sinh”. Kết thúc tranh luận dài ngày, Trần Trọng Kim còn viết: “Xin cảm tạ Phan tiên sinh đã cho tôi cái dịp để tỏ chút lòng đối với Khổng giáo và khoa học”. Thật nhã nhặn, ôn hòa biết bao!

Hẳn chúng ta còn nhớ cuộc tranh luận về nguồn gốc ra đời trống võ Tây Sơn giữa nhà văn Nguyễn Văn Xuân và Võ Phiến. Ông Xuân cho rằng nó xuất phát từ cách đánh trống của nghệ thuật tuồng. Ông Phiến lại lập luận khác. Lúc ấy, học giả ở miền Nam quan tâm bởi ngoài học thuật còn vì cách xưng hô điềm đạm, trước sau cả hai vẫn gọi “Nguyễn quân” hoặc “Võ quân”. Rất tôn trọng nhau.

Lề lối phê bình của thế hệ đàn anh, nay đã khác trước nhiều lắm. Gần đây xuất hiện quá nhiều ý kiến, phát ngôn nhằm “đánh chết tươi” bằng cách mạt sát, miệt thị “đối phương” hết lời. Vì thế, người bị phê bình không buồn trả lời lại bởi không cùng một “kênh” từ học thức và nhất là tư cách thì tranh luận lại làm gì!

Lời dặn dò của cha ông ta: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” chưa bao giờ có ý nghĩa tích cực như hiện nay.

 

Nguồn: nld.com.vn

Sưu tầm: Lệ Hồng - P.DVKH

zalo

Đặt hàng online

zalo