Vai trò của nước sạch và vệ sinh nông thôn trong phòng chống dịch bệnh

Nước sạch và vệ sinh môi trường là một nhu cầu cơ bản trong đời sống hằng ngày của con người. Con người, động vật và thực vật sẽ không thể tồn tại nếu thiếu nước. Thế nhưng, thực trạng hiện nay cho thấy, chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và khan hiếm nguồn nước sạch.

 

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hầu hết các nguồn nước bề mặt ở Việt Nam, trừ những nơi vùng sâu, vùng xa có ít người sinh sống, đều bị ô nhiễm vi sinh vật với các mức độ khác nhau. Trong cơ cấu bệnh tật thì tỷ lệ mắc cao nhất vẫn là các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn và ký sinh trùng đường ruột...

 

Trong hầu hết các bệnh truyền nhiễm thì người là vật chủ chính, mầm bệnh từ phân người do không được quản lý tốt trong quá trình thu gom, vận chuyển và sử dụng đã phát tán ra môi trường làm ô nhiễm đất và các nguồn nước. Nếu các nguồn nước sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt của con người không đảm bảo vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh.

 

Trong phân người chứa đủ các loại mầm bệnh truyền nhiễm, từ những vi khuẩn đường ruột gây bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... đến các vi rút đường ruột và nhất là trứng giun sán. Các tác nhân gây bệnh này có thể sống nhiều ngày trong đất, nước, thậm chí nhiều tháng như trứng giun sán, để rồi từ đất, nước thải nhiễm vào cây trồng, đặc biệt là các loại rau, củ, quả ăn sống.

 

Đường lây truyền các mầm bệnh từ phân sang người có thể qua tay bẩn, ruồi, nguồn nước bị ô nhiễm, nước thải, rác thải, đất, thực phẩm... Về mặt dịch tễ học, những yếu tố như phân, rác, đất, nước, thực phẩm là một trong các mắt xích hình thành nên một chu trình dịch.

 

Giải quyết tốt vấn đề nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc dịch, bệnh góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường sống.

 

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2009, tỷ lệ bao phủ nhà tiêu ở Việt Nam đạt khoảng 79,63%. Theo các kết quả điều tra nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn cho thấy trong số 79,63% hộ gia đình có nhà tiêu thì chỉ có 65,24% là nhà tiêu thuộc loại hợp vệ sinh.

 

Một số bệnh liên quan đến vệ sinh môi trường và nước sạch

 

Bệnh đường tiêu hóa: 

 

Với các bệnh thường gặp như: tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt... Bệnh thường xảy ra do người khỏe ăn hoặc uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm vi khuẩn có trong phân người (do không rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ, sau đó cầm vào thức ăn; hoặc do ruồi, gián đậu lên thức ăn, nước uống không được đậy kín...). Sau khi ăn hoặc uống các loại nước đã nhiễm vi khuẩn, virut và ký sinh trùng gây bệnh thì chúng ta dễ dàng bị mắc bệnh.

 

Tuy nhiên, các bệnh lây truyền trên đều có thể ngăn ngừa được nếu chúng ta thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản như: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch tại các thời điểm trước khi ăn, sau khi đại tiện hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các thức ăn đã ôi thiu. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng và bảo quản tốt các nguồn nước sạch, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Diệt các loại côn trùng có nguy cơ truyền bệnh như ruồi, gián và chuột.

 

Bệnh giun sán: 

 

Giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim thường lây truyền do trứng giun của người bệnh theo phân ra ngoài rồi lại vào hệ tiêu hóa của người khỏe qua thức ăn, nước uống nhiễm bẩn hoặc chui qua da người vào cơ thể và gây bệnh. Ấu trùng của các loại sán lại từ phân người bệnh vào nước hoặc sống ký sinh trong ốc, cá... Ăn ốc có ấu trùng sán sẽ bị nhiễm sán. Người hay gia súc ăn cá, thịt không nấu chín cũng sẽ mắc bệnh.

 

Để phòng bệnh giun sán, chúng ta không nên ăn gỏi cá, không ăn các loại gia súc bị bệnh chết, không đi chân đất hay để trẻ nhỏ mặc quần thủng đũng, đặc biệt cần chú ý tẩy giun, sán theo định kỳ và theo hướng dẫn của thầy thuốc.

 

Bệnh do muỗi truyền: 

 

Những bệnh do muỗi truyền thường thấy là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... Các bệnh này dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch lớn. Bệnh lây truyền bằng cách: muỗi đốt người bị bệnh sau đó đốt người khỏe mạnh, mầm bệnh sẽ truyền vào người khỏe qua vết đốt của muỗi.

 

Để không bị muỗi đốt, khi ngủ chúng ta nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất; phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà. Bên cạnh đó, phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt đồng thời lật úp những dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh dọn sạch ao tù, nước đọng.

 

Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa: Đa phần các bệnh về mắt, bệnh ngoài da và bệnh phụ khoa có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua nước. Bởi vậy, để phòng tránh các bệnh này cần có đủ nước sạch để sử dụng hằng ngày. Đồng thời thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, tắm rửa hay giặt giũ phải dùng xà phòng và nước sạch, mỗi người phải sử dụng một khăn mặt riêng, không dùng chung quần áo với người bệnh và không mặc quần áo khi còn ẩm. 

 

 

Nguồn: thaibinh.gov.vn/tintuc

Sưu tầm: Thị Hường – BP SX

zalo

Đặt hàng online

zalo