Văn hóa doanh nghiệp chìa khóa đi đến thành công

 

Một quốc gia không thể tồn tại và phát triển nếu không bảo tồn, gìn giữ được nền văn hóa truyền thống của mình. Một gia đình sẽ không thể đầm ấm sum vầy và đóng góp tích cực cho xã hội nếu không có gia phong, gia giáo. Cũng như vậy một doanh nghiệp (DN) sẽ không thể có một sự nghiệp lâu dài, bền vững nếu không có một nền văn hóa đặc thù, văn hóa doanh nghiệp (VHDN). Vậy VHDN là gì? Tại sao VHDN lại là chìa khóa để DN đi đến thành công?

Về yếu tố văn hóa, theo từ điển Tiếng Việt thì “văn hóa” được định nghĩa như sau. Đó là: “Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”. Văn hóa đồng hành cùng với sự phát triển của loài người. Tất cả giá trị văn hóa đều hướng tới Chân – Thiện – Mỹ, hướng tới một cuộc sống văn minh giữa con người và con người; giữa con người với  thiên nhiên. Văn hóa mang đậm bản sắc của từng quốc gia, từng dân tộc.

Văn hóa doanh nghiệp chính là sự tương tác giữa yếu tố văn hóa với tổ chức kinh tế. Văn hóa phục vụ phát triển kinh doanh. Và kinh doanh cũng phải có thuộc tính văn hóa. 

Như vậy, VHDN là tổng thể những giá trị văn hóa thuộc phạm vi hoạt động của doanh nghiệp , được doanh nghiệp sử dụng để thúc đẩy quá trình kinh doanh đạt hiệu quả tối ưu.

Nếu nhìn một cách tổng quát thì VHDN có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đã được hai giáo sư Trường kinh doanh Stanford ở Hoa Kỳ khẳng định trong cuốn sách Xây dựng để trường tồn – cuốn sách gồi đầu của các tỷ phú và của các doanh nhân rằng: muốn có doanh nghiệp đạt đẳng cấp cao trên thương trường, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải có một nền văn hóa tập thể mạnh mẽ và những bản sắc riêng của mình.

VHDN có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi DN, bởi bất kỳ một DN nào nếu thiếu đi yếu tố văn hoá thì DN đó khó có thể đứng vững và tồn tại được. Trong khuynh hướng xã hội ngày nay thì nguồn lực của một DN là con người mà VHDN là cái liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của nguồn lực đó. Do vậy, có thể khẳng định VHDN là tài sản vô hình của mỗi DN.

VN ta đang phát triển nhanh về số lượng DN. Theo thống kê, đến tháng 05/2010 VN có hơn 500.000 DN. Số lượng DN là quyết định, nhưng phần quan trọng hơn là chất lượng. Vì vậy, phát triển cộng đồng doanh nghiệp và xây dựng mô hình để tạo ra các doanh nghiệp mạnh là chìa khóa để phát triển DN, để phát triển đất nước. Muốn có nền kinh tế tầm cỡ thế giới thì điều không thể thiếu là phải có các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới.

Chúng ta thường nói “đi tắt đón đầu”, nhưng “muốn vượt phải đuổi kịp đã”. Trước hết chúng ta xem những nước tiên tiến họ làm gì để phát triển. Những năm cuối thế kỷ 20 nước Mỹ giật mình vì một nước Nhật bại trận sau thế chiến thứ 2, chỉ trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ đã trở thành một cường quốc kinh tế và bành trướng khắp thế giới, lấn át người Mỹ ngay trên nước Mỹ với những thương hiệu mạnh. Các nhà nghiên cứu kinh tế Mỹ đầy thực dụng đổ xô sang tận đất nước mặt trời để nghiên cứu về công nghệ, tài chính… và cuối cùng tìm ra kết luận: “Các công ty Nhật ưu tiên hàng đầu cho xây dựng VHDN mà trọng tâm là đầu tư vào con người, xây dựng một đội ngũ nhân viên trung thành tận tụy suốt đời với sứ mệnh của doanh nghiệp”.

Trong môi trường hội nhập WTO, điều đáng lo ngại là chảy máu chất xám, các doanh nghiệp Việt Nam phải trả lời câu hỏi: “điều gì khiến con người gắn bó với doanh nghiệp, điều gì làm cho doanh nghiệp trường tồn? Đó chính là văn hóa doanh nghiệp.

Trong thực tế, doanh nghiệp như là một gia đình thứ 2 của người lao động. Mỗi ngày có 24 tiếng, ngoài 12 tiếng cho nhu cầu tối thiểu như ăn, ngủ, vệ sinh… mỗi người đều dùng thời gian chính của mình tại doanh nghiệp. Vậy một môi trường làm việc tốt với đời sống văn hóa cao sẽ tạo điều kiện cho tài năng phát triển, nâng cao năng lực cá nhân, nhân tài và phát triển tinh thần đoàn kết của các thành viên…

Việc xây dựng và tuyên truyền về văn hóa doanh nghiệp còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển văn hóa dân tộc. Trong thời kỳ cứu nước, Đảng ta đã xây dựng quân đội hùng mạnh không chỉ có tính chiến đấu cao mà còn có văn hóa mạnh, không những chỉ là lực lượng chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn là nòng cốt tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa. Doanh nghiệp có lợi thế về kinh tế, là một đơn vị có tính tổ chức cao vì vậy ngoài mục đích đóng góp kinh tế, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mà cần phát huy cộng đồng doanh nghiệp thành một lực lượng nòng cốt nâng cao đời sống văn hóa xã hội góp phần xây dựng đất nước.

Nước ta là một nước đi lên từ sản xuất nông ngiệp, nhận thức về doanh nghiệp còn chưa cao. Vì vậy, việc xây dựng và tuyên truyền văn hóa doanh nghiệp cũng là một phương tiện để thay đổi cách nhìn của xã hội, nhất là định hình cho giới trẻ. Chỉ có ham muốn làm giàu mới có thể xây dựng đất nước phát triển.

Kết luận

Một dân tộc, một đạo giáo, một đảng phái, một tổ chức nói chung dù to hay nhỏ đều trường tồn vì có văn hóa mạnh. “Văn hóa là cái còn thiếu khi ta có tất cả và cái duy nhất còn lại khi ta đã mất hết”. Trong thế giới của vốn tri thức và tài nguyên con người, giá trị sản phẩm chủ yếu nằm trong giá trị vô hình thì việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp càng bức thiết và là một công cụ cạnh tranh mạnh, để đảm bảo được sự trường tồn và phát triển của doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đóng vai quyết định đến đời sống của dân tộc. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ vì sự phát triển của chính bản thân doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển văn hóa dân tộc, đảm bảo hội nhập mà không hòa tan.

Nguồn: sppmb.npt.evn.vn

Sưu tầm: Tuyết Lang – P. KTSX 

zalo

Đặt hàng online

zalo