Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam: cần thay đổi để thích nghi và phát triển bền vững

 

Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam từ lâu đã bị chi phối mạnh mẽ bởi đặc trưng văn hóa cũng như con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, văn hóa doanh nghiệp của rất nhiều công ty, tập đoàn tại Việt Nam đã có những đổi mới và đột phá, góp phần vào sự phát triển bền vững. Bài viết này sẽ mang tới góc nhìn tổng quan về thực trạng văn hóa Việt Nam hiện nay. Đồng thời phân tích một số mô hình văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nổi bật để các startup hiện nay có thể tham khảo và áp dụng.

Đặc trưng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Sở hữu hệ thống phân cấp quyền lực cao, rõ ràng:

Tương tự như một số quốc gia châu Á khác, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là có mức độ phân cấp quyền lực khá cao. Sự phân cấp quyền lực này thể hiện rất rõ ràng thông qua cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, bộ máy điều hành và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cấp. 

Nét tương đồng về phân cấp quyền lực trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam:

Phần lớn doanh nghiệp hiện nay đều đi theo một trong hai hướng chính: doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, bất kể doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước thì cũng đều phải chịu sự điều hành của cơ quan chủ quản cấp trên. Ví dụ như các Bộ ban ngành hay các Ủy ban nhân dân Thành phố. 

Trong xã hội Việt Nam từ trước tới nay, mọi yếu tố liên quan tới tôn ti trật tự chịu ảnh hưởng chính bởi hai yếu tố: chức vụ và tuổi tác. Giám đốc chắc chắn là người có quyền quyết định cao nhất. Tuy nhiên, họ cũng cần phải tôn trọng những người lớn tuổi, đặc biệt những người có thâm niên tại công ty. 

Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ảnh hưởng tới đời sống công sở của nhân viên. Đôi khi, nét văn hóa này còn có khả năng chi phối đời sống riêng tư của cá nhân. Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ quan tâm tới nhân viên thông qua lương thưởng mà còn tạo điều kiện cả về những nhu cầu khác trong đời sống như chăm sóc con cái, giải trí hay thậm chí là nhà cửa, đất đai. Một số xí nghiệp, nhà máy thường thành lập các khu tập thể dành cho cán bộ nhân viên sinh hoạt và nghỉ ngơi hay nhà trẻ riêng cho con em cán bộ nhân viên. Hoạt động giải trí cũng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chú trọng thông qua các dịp nghỉ mát hay du lịch đầu xuân. 

Dưới góc độ tổng quan, mô hình văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tương tự như một gia đình thu nhỏ. Lãnh đạo sẽ có vai trò tương ứng với bậc ông bà, cha chú, tức là có sức ảnh hưởng lớn tới cả quyết định chung của công ty lẫn quyết định riêng của nhân viên. Trong khi đó, nhân viên trong các doanh nghiệp Việt Nam thường có xu hướng phụ thuộc vào quản lý. Nhân viên cấp dưới có rất ít quyền tự ra quyết định và thường phải tuân theo mọi chỉ dẫn của cấp trên. Trường hợp thực hiện sai chỉ dẫn hoặc hoàn thành không tốt nhiệm vụ thì nguy cơ giáng chức hoặc mất việc là rất cao. 

Điểm khác biệt về phân cấp quyền lực trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam:

Đặc trưng khác biệt nhất về mặt tổ chức giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đó là cơ cấu tổ chức bao gồm 2 cấp lãnh đạo. Một cấp sẽ thuộc về chính quyền và cấp còn lại nắm quyền bởi Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Trong hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, Đảng bộ xuất hiện với vai trò chính là giám sát và đảm bảo chiến lược của công ty đi theo đúng định hướng của Đảng đề ra. Tại các doanh nghiệp này, Đảng bộ sẽ tham gia và có quyền đưa ra ý kiến đối với mọi quyết định quan trọng. Trong bộ máy điều hành của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, giám đốc và bí thư Đảng ủy là hai chức vụ do hai người đảm nhiệm khác nhau nhưng vai trò của họ thì hoàn toàn ngang hàng nhau.

Trong khi đó, tại các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vai trò của Đảng bộ sẽ bị hạn chế hơn. Người nắm vai trò chủ chốt là Giám đốc, thường có người có cổ phần và vốn góp nhiều nhất trong công ty.

Cẩn trọng trong mọi hoạt động và ưa tính ổn định:

Tính cẩn trọng này phản ánh mức độ mà nhân viên của các doanh nghiệp chấp nhận rủi ro hoặc bất ổn trong hoạt động như thế nào. Nhiều diễn đàn cũng đã đánh giá văn hóa doanh nghiệp Việt Nam có tính cẩn trọng cao. 

Ở Việt Nam, nhìn chung cả người lao động và chủ doanh nghiệp đều ưa tính ổn định trong công việc. Đối với người lao động, phần đông đều có xu hướng lựa chọn những công việc đều đặn, dài hạn và có hợp đồng rõ ràng thay vì những dự án nhỏ lẻ hoặc công việc tạm thời. Đặc biệt với phụ nữ có gia đình sẽ ưu tiên các công việc ít phải đi công tác. Đối với doanh nghiệp, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này đồng nghĩa với sự hạn chế về tài sản và nguồn vốn. Do đó, họ không thích những giao kèo có rủi ro cao, ngay cả khi chúng có thể mang lại lợi nhuận lớn. Họ thường chọn kinh doanh ở mức vừa phải, giao kết các hợp đồng khả năng cao mang lại lợi nhuận hoặc trường hợp xấu nhất là bị lỗ cũng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của doanh nghiệp. 

“Dĩ hòa vi quý” – Thận trọng trong mọi mối quan hệ

Hạn chế tối thiểu sự xung đột:

Người Việt Nam thường có quan niệm “dĩ hòa vi quý” và quan niệm này ít nhiều ảnh hưởng tới văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Với xu hướng tránh bất hòa trong quan hệ và ý thức khách sáo, giữ thể diện, các doanh nhân Việt Nam ít khi chỉ trích nhau một cách thẳng thắn và mạnh mẽ.

Nhiều người cho rằng việc nói “không” một cách thẳng thừng sẽ phần nào phạm tới lòng tự trọng của đối tác và có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ sau này. Bởi vậy, các chủ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thường đưa ra những câu trả lời “mở”. Thay vì từ chối bằng câu: “Không!”, họ sẽ thường đáp lại đối phương: “Chúng tôi sẽ cân nhắc/xem xét kỹ trường hợp này!”. Với các đối tác nước ngoài hoặc đối tác lần đầu làm việc, văn hóa này có thể gây hiểu nhầm. 

Văn hóa “dĩ hòa vi quý” này không chỉ dừng lại ở những hợp đồng hay thương vụ làm ăn. Bởi nó đã thấm sâu vào văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nên ngay cả trong các hoạt động nội bộ, trong khâu tuyển dụng,… các công ty cũng hạn chế từ chối thẳng hoặc nói từ “Không!”. 

Một ví dụ điển hình có thể minh họa cho đặc trưng văn hóa doanh nghiệp này đó là trong khâu tuyển dụng, các công ty thường xem xét và chọn lọc hồ sơ, sau đó liên lạc lại với ứng viên phù hợp. Trong trường hợp không nhận được hồi âm, ứng viên cần ngầm hiểu rằng hồ sơ của mình đã bị loại. Thông lệ này đối lập hoàn toàn với văn hóa doanh nghiệp phương Tây hoặc các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài. Ở đó, họ sẵn sàng gửi tới ứng viên chưa phù hợp một lá thư lịch sự với mục đích từ chối. Hành động này vừa tạo cảm tình cho ứng viên vừa giúp hình ảnh của công ty được trở nên tốt hơn. 

Coi trọng đối tác và cố gắng duy trì các mối quan hệ kinh doanh:

Trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, các mối quan hệ đời tư, quan hệ cá nhân có liên hệ khá mật thiết với hoạt động kinh doanh. Để thành lập hay vận hành doanh nghiệp, các lãnh đạo phải cung cấp nhiều loại giấy phép đáp ứng yêu cầu của hệ thống pháp luật Việt Nam. Điển hình như một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần phải cung cấp một loạt các loại giấy tờ liên quan như: giấy phép an ninh trật tự, giấy phép an toàn phòng cháy chữa cháy, giấy phép của sở công thương,…

Việc lấy được giấy phép nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc phần lớn vào quan hệ của doanh nghiệp đó với cơ quan chức năng liên quan. Có trường hợp doanh nghiệp chỉ mất một vài ngày, cũng có trường hợp họ phải đợi vài tháng để đủ điều kiện được cấp phép kinh doanh. 

Xét trên nhiều khía cạnh, các mối quan hệ, theo quan điểm của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Các doanh nhân thường đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc để nuôi dưỡng các mối quan hệ làm ăn. Đây chính là lý do tạo nên văn hóa tiệc tùng và chiêu đãi tại nhiều doanh nghiệp. Các hình thức quà cáp, thăm hỏi cũng là những loại hình không thể thiếu đối với một doanh nghiệp trong “công tác ngoại giao”.

Khác biệt giữa văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và  phương Tây

Văn hóa về thời gian:

Các doanh nghiệp Việt hầu hết đều chưa tuân thủ nghiêm ngặt về mặt thời gian

Trong văn hóa doanh nghiệp phương Tây, đúng giờ, đúng hẹn là yếu tố tất yếu và được đề cao trong mọi cuộc gặp gỡ và làm việc. Các doanh nhân phương Tây thường coi trọng thì giờ và sắp xếp thời gian một cách tối ưu để không gây lãng phí.

Vì vậy, trong các thương vụ làm ăn hoặc các buổi giao kết hợp đồng hay đơn giản như buổi hẹn nói chuyện, họ cũng rất đúng hẹn và hiếm khi trễ giờ. Bởi đối với văn hóa một số nước phương Tây, sự chậm trễ có thể được coi như biểu hiện bất lịch sự, thể hiện sự coi thường đối với khách hàng, đối tác.

Trong khi đó, theo văn hóa doanh nghiệp  Việt Nam, thời gian thường khó kiểm soát và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, do đó có thể co giãn đi đôi chút. Đối với một số doanh nghiệp Việt Nam, việc lùi thời hạn hoặc đi muộn một chút không phải vấn đề quá to tác, miễn cả hai bên đều đồng thuận. 

Do sự khác biệt này nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương với đối tác nước ngoài bắt buộc phải điều chỉnh giờ giấc. Ví dụ nếu có cuộc hẹn quan trọng với khách hàng, họ thường phải ước tính thời gian di chuyển và trừ hao đi một khoảng thời gian tắc đường. Trong trường hợp không may bị muộn, các chủ doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng ứng biến bằng cuộc gọi điện thoại hay lời xin lỗi kèm lý do.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt có xu hướng quản lý nhân viên tốt hơn về mặt thời gian, điển hình là thông qua việc sử dụng các thiết bị chấm công, phần mềm chấm công để ghi nhận giờ giấc làm việc của người lao động. 

Các phần mềm chấm công không chỉ giúp quản lý giờ giấc làm việc hiệu quả, nâng cao ý thức nhân viên, mà nó còn giúp giảm thiểu các sai sót, tiết kiệm lên đến 50% thời gian cho HR.

Phong cách làm việc:

Văn hoá doanh nghiệp phương Tây thường luôn đặt cái Tôi lên hàng đầu. Các doanh nghiệp phương Tây thường coi trọng năng lực cá nhân và cá tính riêng của mỗi nhân viên. Mỗi người, kể cả trong môi trường công sở, đều được khuyến khích lối sống thẳng thắn, độc lập và tự do từ suy nghĩ tới hành động. Bởi các nước phương Tây thường quan niệm rằng mỗi cá nhân đều là hạt nhân cấu thành nên xã hội. Vì thế, mục tiêu của doanh nghiệp bắt buộc phải gắn liền và đem tới lợi ích cho cá nhân. 

Đối lập hoàn toàn với văn hóa này, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam thường coi trọng tính tập thể và không cổ vũ cho các hành động độc lập, tách rời khỏi tập thể doanh nghiệp. Nhân viên của các doanh nghiệp Việt Nam đều chịu ảnh hưởng bởi tập thể, phải học cách hòa nhập và thích nghi với môi trường xung quanh để tạo sự hài hòa. Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam coi mục tiêu của cá nhân phải gắn bó mật thiết với mục tiêu tập thể “công – tư phân minh”, tức là Mục tiêu của cá nhân trong công việc phải gắn liền với mục tiêu chung và đem lại lợi ích cho tập thể. 

Nét khác biệt này khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam được nhìn nhận là tập thể tốt và đáng tin cậy. Đôi khi văn hóa này mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong quy trình tuyển dụng nhân lực. Trái lại, chủ nghĩa cá nhân của phương Tây đôi khi được văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hiểu theo góc nhìn tiêu cực và đối lập, khi bị đánh đồng với tính vị kỷ.

Phong cách quản lý:

Đối với các doanh nghiệp phương Tây, lãnh đạo cũng như một nhân viên, cần phải đi làm kiếm sống. Có điều cấp bậc cao hơn, có tầm nhìn và kinh nghiệm hơn, do đó lương thưởng có thể cao hơn so với nhân viên. Trong các mối quan hệ công việc, lãnh đạo và nhân viên đều được coi như bình đẳng.

Đối với một vấn đề lãnh đạo đưa ra, tất cả mọi người có toàn quyền tranh luận và đề xuất, ai cũng có khả năng được trao truyền và chịu trách nhiệm cho công việc của mình. Thành quả của các doanh nghiệp phương Tây chủ yếu được tạo thành từ tính năng động và năng suất làm việc của nhân viên. 

Phong cách này hoàn toàn đối lập với hình ảnh thường thấy trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ở đó, “sếp” thường có vị thế cao nhất và cách biệt hẳn so với nhân viên, quyền lực của công ty tập trung chủ yếu trong tay lãnh đạo. Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam chính là người quyết định phải làm những gì, thực hiện ra sao và ai là người thực thi.

Chính vì vậy mà trách nhiệm của người lãnh đạo trong các doanh nghiệp Việt Nam là khá lớn. Cấp bậc càng cao thì người đó càng có tầm ảnh hưởng trong tổ chức của mình. Sự thành công trong các mô hình doanh nghiệp Việt Nam thường được đóng góp phần lớn bởi năng lực của những người lãnh đạo. 

Chủ nghĩa tập thể:

So với môi trường doanh nghiệp phương tây, văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ít khuyến khích vai trò nổi bật của bất kỳ một cá nhân cụ thể. Các thành tích của họ thường đi kèm với vai trò tập thể. Nếu như các doanh nghiệp phương Tây thường đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên ý kiến của các cá nhân và chốt phương án nhanh chóng thì các doanh nghiệp Việt Nam thường đòi hỏi thêm thời gian và sự cho phép của lãnh đạo để đi tới quyết định cuối cùng. 

Các doanh nghiệp Việt rất coi trọng văn hóa tập thể, hướng tới mục tiêu chung

Đồng thời, cũng do tính tập thể đóng vai trò cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam nên con dấu của cơ quan cũng có tầm ảnh hưởng hơn so với chữ ký của các cá nhân. Trong khi đó, ở các doanh nghiệp phương Tây, hợp đồng, thư từ quan trọng hay giấy giới thiệu chỉ cần chữ ký của cá nhân cũng đem lại độ đảm bảo và uy tín trong việc xác thực. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, một văn bản không đóng dấu mà chỉ bao gồm chữ ký có khả năng bị nghi ngờ và cho rằng không đáng tin cậy. 

Một số doanh nghiệp tại các quốc gia phương Đông thường coi trọng vai trò của nam quyền hơn. Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Trong các doanh nghiệp Việt Nam, số lượng các lãnh đạo nam thường chiếm đa số. Các giá trị như sự thành đạt, tính quyết đoán và quyền lực thường được người Việt Nam gắn với hình ảnh nam giới. Trong khi đó, nữ giới thường được gắn với các giá trị “mềm” hơn như cảm thông, bao dung,… vì thế sự tín nhiệm bị giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực thì ý thức bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đạt mức cao. 

Nguồn: amis.misa.vn

Sưu tầm: Minh Tâm - TT. LG

zalo

Đặt hàng online

zalo