Xử lý nước lũ thành nước sạch bằng nguyên liệu thực vật
- Ở Việt Nam, hằng năm thường có các đợt lũ lụt gây ngập úng trên phạm vi rộng, kéo dài hằng tuần đến hằng tháng, hoặc lâu hơn như ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực bắc Miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ngoài những thiệt hại to lớn về kinh tế do nạn hồng thuỷ gây ra, nước lũ còn gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất các nguồn cung cấp nước sạch dùng để ăn uống và sinh hoạt của người dân trong những vùng thường bị ngập lụt.
Đến nay, người ta đã biết nhiều biện pháp xử lý nước lũ thành nước sạch. Một biện pháp kinh điển là dùng Phèn nhôm (còn gọi là Phèn chua, đông y gọi là Minh phàn) để làm trong nước và cloramin T hoặc cloramin B để diệt vi khuẩn gây bệnh. Các hoá chất này tuy không hiếm, nhưng có lúc, có nơi không có sẵn, hoặc do không chuẩn bị trước nên khi cần lại không có.
Nhằm khắc phục tình trạng này, một số nước trên thế giới thường gặp lũ lụt đã dùng cây cỏ có sẵn ở từng địa phương để xử lý nước lũ thành nước sạch dùng trong sinh hoạt, ví dụ:
- Ở Ấn Độ: Dùng hạt của các loài cây như Tamarindus indica (cây Me), Hibiscus sabdariffa (cây Bụp dấm), Trigonella foenum-graecum (cây Hồ lô ba), Cyamopsis psoraloides (cây Xưa mô), Lens esculenta, hoặcStrychnos potatorum, vv.
- Ở Sudan: Dùng hạt của cây Moringa oleifera (Chùm ngây), hoặc Moringa stenopetala.
- Ở Peru: Dùng nhựa của một loài Xương rồng, như Opuntia ficus-indica, vv.
Đây là biện pháp đơn giản, ít tốn kém và không gây độc hại như cách dùng hóa chất. Dựa vào kinh nghiệm của các nước nói trên, chúng ta cũng có thể tìm những cây sẵn có ở Việt Nam để xử lý nước lũ thành nước sạch. Đây cũng là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra. Sau đây là một số cây có thể sử dụng (nếu không có sẵn thì ở những vùng hằng năm bị ngập lụt nên tìm đất trồng để có nguyên liệu dùng khi cần).
1. Cây Me (Tamarindus indica L., họ Đậu - Fabaceae)
Cây gỗ cao đến 20 m, được trồng nhiều nơi ở nước ta để lấy bóng mát và lấy quả ăn. Lá kép hình lông chim chẵn, gồm 10-12 cặp lá chét. Cụm hoa ở đầu cành nhỏ, có 8-12 hoa, cánh hoa màu vàng có gân đỏ. Quả dài, hơi dẹt, chứa 3-5 hạt. Cơm quả (nạc quả) chua, thường dùng nấu canh chua, chế nước giải khát, làm kẹo Me và mứt Me. Hạt Me là thứ bỏ đi có thể dùng để xử lý nước đục. Các cơ sở sản xuất mứt, kẹo Me nên giữ lại hạt, rửa sạch, phơi khô, để sử dụng vào mục đích này.
Hình 1: Quả và hạt Me (nguồn: T.C. Khánh)
2. Cây Bụp dấm (Hibiscus sabdariffa L., họ Bông - Malvaceae).
Cây bụi sống hằng năm, cao đến 2 m, thân thường có màu tía, ít phân cành. Lá có 3-5 thuỳ hình bàn tay, mép lá có khía răng cưa. Hoa ở nách lá, có cuống ngắn, cánh hoa màu vàng với tâm đỏ, đài hoa màu đỏ, có 8-12 đài phụ. Quả nang hình trứng hẹp, mang đài cùng tồn tại, vỏ quả có lông thô. Cây Bụp dấm có nguồn gốc ở Châu Phi, nhưng hiện nay đã được trồng nhiều nơi ở Việt Nam để lấy đài hoa làm thuốc (có vị chua, tác dụng lợi tiểu, lợi mật, nhuận tràng, kháng khuẩn) và làm nước giải khát. Sau khi thu hoạch đài hoa, nên giữ lại hạt (trong quả già), phơi khô, để xử lý nước bẩn khi cần.
Hình 2: Cây Bụp dấm (nguồn: T.C. Khánh)
3. Cây Chùm ngây (Moringa oleifera Lam., họ Chùm ngây - Moringaceae)
Cây gỗ nhỏ, cao 5-10m. Lá kép 3 lần hình lông chim, lá chét hình trứng, màu xanh mốc, mọc đối. Hoa trắng, mọc thành chuỳ ở nách lá. Quả nang có 3 cạnh, dài 25-30cm, có rãnh dọc theo quả và hơi gồ lên ở chỗ có hạt. Hạt già màu đen, tròn, to bằng hạt đậu Hà Lan, có 3 cạnh và cánh trắng dạng màng. Cây có nguồn gốc ở Ấn Độ nhưng đã được trồng ở nhiều nước vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây này được trồng ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ đến Kiên Giang và cả đảo Phú Quốc. Lá, hoa và quả non làm rau ăn. Hoạt chất trong toàn cây có tác dụng kháng nấm bệnh, kháng khuẩn đường ruột. Hạt chứa 33-38% dầu béo. Dầu này ăn được và cũng dùng trong công nghiệp. Hạt Chùm ngây có chứa một số chất 'đa điện giải' tự nhiên, có tác dụng làm ngưng kết nên được dùng để xử lý nước đục bẩn. Nước sau khi được xử lý bằng hạt Chùm ngây trong vài giờ, số vi khuẩn Escherichia coli từ 1.600-18.000/100ml đã giảm xuống còn dưới 200/100 ml.
Hình 3: Cây Chùm ngây (nguồn: T.C. Khánh)
4. Cây Xương rồng bà có gai (Opuntia dillenii (Ker-Gawl.) Haw., họ Xương rồng - Cactaceae)
Thân cây cao đến 3 m, gồm nhiều nhánh dẹt nối tiếp nhau, màu xanh lục. Mỗi nhánh có hình cái vợt bóng bàn, dài 15-20cm, rộng 4-10cm, dày khoảng 5mm, có một hoặc nhiều gai nhọn, dài 2-4cm. Lá nhỏ, nhưng rụng sớm. Hoa to, màu vàng rồi đỏ. Bao hoa có nhiều mảnh, nhiều nhị, bầu dưới. Quả mọng hình trứng, đường kính 4-5cm, khi chín có màu đỏ sẫm.
Hình 4: Cây Xương rồng bà (nguồn: Internet)
Cây Xương rồng bà có nguồn gốc ở Châu Mỹ nhiệt đới, đã được nhập vào Việt Nam từ hơn 2 thế kỷ trước đây. Nay cây mọc hoang dại, chịu được khô hạn, thường gặp trên các vùng đất cát ven biển Miền Trung, hoặc được trồng làm hàng rào và làm cây cảnh.
Cách xử lý nước đục, bẩn
1. Dùng hạt Me, hạt Bụp giấm hoặc hạt Chùm ngây.
Lấy khoảng 200g hạt khô, tán mịn, cho 1 lít nước sạch, khuấy đều, ngâm 12 giờ. Lọc qua vải sạch để loại bã. Đun sôi 15-20 phút để diệt vi khuẩn và loại tinh bột. Lọc lại sẽ được dịch gốc đặc (20%). Khi làm sạch nước thì cho 200ml dịch gốc này vào một can 20 lít nước đục cần xử lý. Ngoáy đều, để lắng 3-4 giờ, chất bẩn sẽ bị ngưng kết lắng xuống đáy. Gạn lấy nước trong để dùng trong sinh hoạt.
Khi cần gấp có thể làm như sau: Lấy 2 quả Chùm ngây tươi có hạt già, bóc lấy hạt, giã nát, cho vào 3 lít nước đục, trộn đều trong 5 phút, để lắng, sau khoảng 2 giờ thì có nước trong dùng được.
2. Dùng cây Xương rồng bà có gai:
Thân cây Xương rồng bà bỏ gai, rửa sạch. Lấy khoảng 1 lạng, giã hoặc xay nhỏ, thêm 1 lít nước sạch, khuấy đều, lọc qua vải sạch để loại bã, được dịch gốc đặc (10%).
Để làm sạch nước thì lấy 5ml dịch gốc này cho vào một can 20 lít nước đục cần xử lý. Cho thêm khoảng 1-2 gam Phèn nhôm. Khuấy đều, để lắng 15-20 phút, ngưng kết bẩn sẽ lắng xuống đáy. Gạn lấy nước trong để dùng trong sinh hoạt.
Khi dùng dịch chiết thực vật thì ngưng kết bẩn tạo thành sẽ to, chắc và tốc độ lắng cặn tăng nhanh gấp 3 lần so với khi chỉ dùng Phèn nhôm đơn thuần. Nước sau khi đã làm trong có thể để 1-2 tuần không hỏng, không có mùi vị lạ, đạt các chỉ tiêu của nước sinh hoạt.
Những nơi đang bị lũ lụt nếu có sẵn các loại nguyên liệu nói trên có thể áp dụng ngay để biến nước lũ đục bẩn thành nước sạch dùng trong sinh hoạt. Nước này tuy chưa đủ tiêu chuẩn vô khuẩn, nhưng có thể dùng để nấu ăn hoặc đun sôi để uống.
Nguồn: vacne.org.vn
Sưu tầm: Khánh Duy – Tổ Kỹ thuật
Bài viết liên quan
- Bí quyết giữ đủ nước khi du lịch cho chuyến đi trọn vẹn
- Phụ nữ ngoài 30 nên uống gì đẹp da đẹp dáng giữ mãi tuổi xuân
- 2/9 nên đi đâu chơi ở TPHCM - Top 10 địa điểm cực hot hiện nay
- 2/9 nên du lịch ở đâu dắt nhau đi chữa lành healing tâm hồn
- Lý giải rối loạn điện giải là gì và các cách phòng tránh hiệu quả
- Nước ion kiềm nấu ăn được không khám phá các lợi ích bất ngờ
- Nước điện giải trị bệnh viêm da cơ địa tận dụng sức mạnh tự nhiên
- Các cách kiềm hóa cơ thể bảo vệ sức khỏe ngăn ngừa bệnh tật
- 5 dấu hiệu cơ thể thừa axit và biện pháp cân bằng hiệu quả
- Bí quyết uống nước đúng cách sau khi ăn để bảo vệ sức khỏe
- Các loại nước nên và không nên vào buổi tối cho giấc ngủ ngon
- Bí quyết pha trà bằng nước ion kiềm đặc biệt thơm ngon