4 sai lầm khi uống nước đang âm thầm làm hại trái tim nhưng nhiều người mắc

Nhiều người cho rằng cách uống nước chỉ liên quan tới thận mà không biết nó tác động rất lớn tới sức khỏe của tim.
Nước là nguồn gốc của sự sống, cơ thể con người cần được cung cấp đủ nước mỗi ngày để đảm bảo quá trình trao đổi chất, tuần hoàn tốt, đồng thời bảo vệ hệ tiết niệu. Nếu uống không đủ nước hoặc uống nước sai cách, rất nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ gặp vấn đề, bao gồm cả trái tim.

Sau đây là 4 sai lầm khi uống nước đang âm thầm làm hại trái tim, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng ít ai biết:

 

1. Uống nước ngụm quá lớn

Có thể là vì quá khát nước hoặc tính vốn vội vàng, thói quen khó bỏ mà nhiều người thường uống quá nhiều nước mỗi lần hoặc uống toàn ngụm lớn. Tuy nhiên, rất ít người hiểu rằng hành vi này có hại cho tim mạch.


Ảnh minh họa

Cụ thể, uống ngụm quá lớn hay uống qua nhiều nước trong một lần sẽ làm tăng lưu lượng máu, dẫn đến khối lượng công việc của tim và tiêu thụ oxy cơ tim tăng nhanh chóng. Từ đó làm tim phải căng thẳng, hoạt động tăng đột ngột dẫn tới rối loạn nhịp tim, quá tải, thậm chí tăng nguy cơ suy tim, đột quỵ.

Thay vào đó, hãy rèn cho mình thói quen uống nước chậm rãi, từng ngụm nhỏ đến vừa. Cũng nên chia nhỏ số lần uống nước ra rải rác cả ngày dài, mỗi lần uống không quá 500ml để bảo vệ tim, gan và thận.

 

2. Uống không đủ nước

Đừng nghĩ rằng uống ít nước, thiếu nước chỉ gây hại cho thận hay hệ bài tiết. Nếu nhận thấy nhịp tim cao hơn bình thường hãy nghĩ đến tình trạng mất nước.

Bởi vì khi không uống đủ nước, trái tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến nhịp tim cao hơn. Nếu mất quá nhiều nước, trái tim sẽ không theo kịp nhiệm vụ này, lưu lượng máu đến não không đủ có thể dẫn đến tức ngực, chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu cùng nhiều triệu chứng khác.

Để tim hoạt động tốt, cần thường xuyên uống nước hoặc đủ chất lỏng có thể giúp hệ thống tim mạch hoạt động hiệu quả hơn. Chúng ta thường cho rằng một ngày nên uống ít nhất 2 lít nước mới là tốt cho sức khỏe. Còn Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ thì khuyến cáo về lượng nước trung bình cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày ở người trưởng thành là: 3,7 lít với nam giới và 2,7 lít với nữ giới. Tuy nhiên, con số này không cố định mà thay đổi cho phù hợp với thể trạng, môi trường sinh sống, nhu cầu vận động và tình trạng sức khỏe. Nhưng lưu ý, đừng bao giờ uống dưới 1,2 lít nước mỗi ngày nếu không muốn nhập viện vì bệnh tim.

 

3. Thích uống nước đá, nước lạnh

Rất nhiều người thường xuyên uống nước lạnh, nước đá dù có phải màu hè hay không. Thực tế, nếu uống quá nhiều những loại nước này cùng lúc hoặc uống quá thường xuyên sẽ gây hại cho trái tim.


Ảnh minh họa

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy những người có vấn đề về tim không nên uống quá nhiều nước đá hoặc nước ướp lạnh. Nguyên nhân là vì chúng có thể gây rối loạn nhịp tim, thậm chí co thắt mạch máu và dẫn đến đau tim. Đau tim là một trong những tình huống cấp cứu nguy hiểm và phổ biến nhất thế giới.

Nhiệt độ thấp của nước đá, nước lạnh sẽ nhanh chóng làm thay đổi nhiệt độ cơ thể, khiến tim bị kích thích mạnh, có thể khiến động mạch vành co lại. Rất dễ gây rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí đột quỵ. Nhất là nếu bạn uống nước đá lạnh vào mùa hè, ngay sau khi vừa đi ngoài trời nắng nóng về. Nước đá, nước lạnh cũng có thể tác động tới huyết áp, dòng tuần hoàn của máu. Từ đó làm máu cung cấp cho tim thiếu hoặc chậm.

Chúng ta không thể bỏ hoàn toàn nước đá, nước lạnh nhưng hãy hạn chế uống chúng. Đặc biệt là không nên uống nước quá lạnh, nước có đá viên chưa tan hết. Không uống nước lạnh ngay khi vừa vận động mạnh, đổ nhiều mồ hôi hay đi ngoài nắng về. Thay vào đó, hãy chờ cơ thể hạ nhiệt, nhịp tim ổn định rồi mới uống. Khi uống hãy uống từng ngụm nhỏ một cách chậm rãi và điều chỉnh hơi thở đều đặn.

 

4. Uống nhiều nước, quá sát giờ đi ngủ

Đúng là uống nước trước khi đi ngủ mang lại một số lợi ích nhưng cũng có khá nhiều lưu ý. Trong đó, việc uống quá nhiều nước hoặc uống nước quá sát giờ ngủ đều gây hại cho tim.

Uống nước quá sát giờ đi ngủ không chỉ ảnh hưởng tới giấc ngủ, gây tiểu đêm mà còn làm tim phải hoạt động nhiều hơn, dễ căng thẳng và rối loạn nhịp tim. Tốt nhất là nên uống nước trong khoảng 30 phút tới 2 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ ban đêm.

Tiếp theo, lượng nước cũng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo bạn không nên uống quá 300ml nước trong vòng 2 giờ đồng hồ trước khi đi ngủ. Còn lượng nước tốt nhất cho tim mạch trước khi đi ngủ là khoảng 100 - 200ml, tốt nhất là nước ấm nhẹ từ 30 - 45 độ C.


Ảnh minh họa

Uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ có thể gây phản tác dụng với tim mạch. Nó khiến bạn dễ bị tức ngực, chèn ép tim khi nằm xuống. Tiếp theo, nó ảnh hưởng tới huyết áp và tuần hoàn máu trong khi ban đêm cùng tư thế nằm khiến tim phải mất nhiều sức hơn để co bóp, hoạt động hiệu quả sau một ngày dài.

Uống quá nhiều nước lúc này có thể làm tăng lượng nước trong máu, làm loãng các chất điện giải có trong máu, bao gồm cả natri. Hạ natri cùng rối loạn huyết áp có thể tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch như cứng động mạch và suy tim, cùng với đó là tăng nguy cơ co giật và hôn mê.

 

Nguồn: baomoi.com

zalo

Đặt hàng online

zalo