Chuyện “lạy cát”… và “Quyền con người” của một dòng sông

Nạn xâm hại tài nguyên, thiên nhiên phải được coi như nạn xâm hại con người. Vì xâm hại thiên nhiên chính là xâm hại lợi ích của cả cộng đồng và hậu quả của nó cũng lâu dài, thậm chí vĩnh viễn, không thể khắc phục. 

Hãy cấp “Quyền con người” cho những dòng sông Việt Nam, như New Zealand mới đây đã làm cho một dòng sông của mình. Cấp quyền con người, nghĩa là cấp người đại diện và quyền được kiện ra tòa những thủ phạm gây tổn hại cho những dòng sông, cũng là tài nguyên quan trọng nhất trong mọi tài nguyên.

 

Sau những con sông miền Nam kêu cứu vì bị hút cát và xả thải như sông Đồng Nai, sông Thị Vải… thì gần đây lại đến các con sông miền bắc như sông Thương, sông Cầu… kêu cứu. Người ta đang ngày đêm rút ruột, xả thải chất độc, hãm hại những dòng sông bằng những cách rất trắng trợn.

 

Những con sông lúc nào cũng có thuyền hút cát, chúng khi nấp cạnh bờ đợi cơ hội xông ra, khi ngang nhiên như chốn không người. Không phải một chiếc mà có khi hàng chục chiếc. Người ta dùng vòi rồng để hút cát. Do bị hút nạo, địa hình lòng các con sông bị thay đổi, đê và hai bên bờ sông bị sạt lở, vườn tược ruộng đồng dần trôi tuột xuống lòng sông.

 

Những con sông bị chất thải công nghiệp chưa qua xử lý xả vô tội vạ làm nhiễm độc, làm biến đổi hệ sinh thái, khiến cá chết hàng loạt và chất lượng nguồn nước suy giảm nghiêm trọng.

 

Chỉ riêng con sông Cầu, mới đây theo UBND tỉnh Bắc Ninh, mỗi ngày đã có tới gần 60 tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm, trên chỉ một đoạn sông chảy qua 3 xã. Chỉ cần hút cát lên thuyền là có tiền, nên nạn rút ruột các dòng sông cứ thế diễn ra. Và cứ thế, những con sông dần rỗng ruột, sụm bờ trước sự hoặc thờ ơ hoặc bất lực của các cơ quan chức năng.

 

Có lẽ cũng vì thế mà bức ảnh chụp ông Nguyễn Sự - nguyên bí thư Hội An và một lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam đứng thắp hương trước Cửa Đại (Hội An) mới đây đã gây ngạc nhiên và xúc động. Nghe nói cuối năm 2014, bãi Cửa Đại bị biển nuốt từng ngày, mọi nỗ lực của chính quyền và người dân ở đây cũng không níu được bãi cát ở lại. Giờ cát bỗng bồi trở về, và hai vị lãnh đạo một mới, một cũ đã cùng dân ra thắp hương “lạy cát”.

 

Sẽ không có gì phải ngạc nhiên, nếu bạn biết mới đây (theo Sydney Morning Heard) chính phủ New Zealand cũng vừa công nhận con sông có tên là Whanganui của mình là một thực thể sống và có tư cách pháp nhân như con người, có quyền kiện bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến nó

 

Được biết, một cộng đồng người thiểu số ở cạnh dòng sông này đã tiến hành một cuộc đấu tranh suốt 170 năm qua để sông Whanganui, một tài nguyên thiên nhiên được trao quyền con người. Một người thuộc cộng đồng này và là thành viên chính phủ được cử làm đại diện hợp pháp cho dòng sông này. Giờ đây, con sông có quyền kiện bất kỳ ai làm ảnh hưởng đến nó.

 

Nghe nói đây không phải lần đầu tiên New Zealand công nhận tư cách pháp nhân đối với một tài nguyên thiên nhiên. Năm 2013, chính phủ này cũng từng cấp quyền con người cho vườn quốc gia Te Urewera.

 

Nạn xâm hại tài nguyên, thiên nhiên cũng phải được coi như nạn xâm hại con người. Vì xâm hại thiên nhiên chính là xâm hại lợi ích của cả cộng đồng và hậu quả của nó cũng lâu dài, thậm chí vĩnh viễn, không thể khắc phục.

 

Rất nhiều vụ vi phạm đã bị xử lý, không ít doanh nghiệp gây ô nhiễm đã bị phạt nặng. Hàng ngày, “giặc môi trường” đã và đang bị người dân tìm mọi cách chỉ mặt gọi tên, đòi đưa ra ánh sáng. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

 

Bao giờ nạn cát tặc, lâm tặc và những kẻ chỉ biết có lợi nhuận bất chấp tất cả thôi không ngang nhiên tàn phá tài nguyên đất nước chúng ta? Bao giờ mỗi chúng ta dù ở cương vị nào, đều cảm nhận được thiên nhiên cũng có cái quyền thiêng liêng là được tồn tại, tồn tại và được bảo vệ, như một thực thể sống động, hữu ích, bất khả xâm phạm và bất kỳ kẻ nào xâm hại đều là tội phạm cần phải đem ra xét xử nghiêm khắc?

 

Bao giờ?

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Cát Thụy

 

Nguồn: dantri.com.vn/blog/chuyen-lay-cat

Sưu tầm: Diệu Hiền – P. HCTC

zalo

Đặt hàng online

zalo