Cơm bụi và mối lo vệ sinh an toàn thực phẩm

(Cadn.com.vn) - Trước việc tràn lan thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc liên tục bị phát hiện, tiêu hủy đã đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan, đơn vị trong vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Mới đây, vụ 17 du khách bị ngộ độc khi ăn phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng tại một quán cơm trên đường Hồ Nghinh (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối lo không đảm bảo VSATTP ở những quán cơm bụi - nơi vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý và chế tài xử phạt.

 


Thức ăn được đựng vào các xô, thau… nhếch nhác ở một quán cơm bụi. 


Không riêng gì sinh viên, nhiều lao động thu nhập thấp cũng là "tín đồ" của cơm bụi. Chị H.N. tạm trú ở Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, làm công nhân phụ công trình xây dựng. Hằng ngày, chị vẫn chọn cơm bụi giá rẻ nhất để tiết kiệm tiền gửi về quê. "Ăn tại đâu thì quen mặt ở đó. Nhiều lần nhìn thấy cảnh mất vệ sinh khi chủ quán chế biến thức ăn nhưng cũng nhắm mắt để ăn chứ biết thế nào khi dĩa cơm mình ăn chỉ có 15.000 đồng. Với lại, ăn mãi quen với chủ nên dù gì cũng được "ưu đãi" thêm một ít đồ ăn nên nhiều lúc có đau bụng, dị ứng thì cũng đành vậy", chị N. cho biết.


Với nhiều ưu điểm cạnh tranh như: nhanh, rẻ… nên từ trước đến nay, cơm bụi vẫn là lựa chọn số một của giới sinh viên và những người lao động thu nhập thấp. Có những sinh viên năm này qua tháng nọ "chung thủy" với cơm bụi dù biết rằng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. C.Q, sinh viên Trường Cao đẳng Lương thực Thực phẩm Đà Nẵng chia sẻ: "Cơm bụi chính là "bạn đồng hành" của em trong suốt quãng đời sinh viên. Vì chỉ ở một mình không thể nấu ăn nên ăn cơm bụi vừa nhanh mà lại rẻ". C.Q, quê Quảng Nam ra Đà Nẵng thuê trọ để đi học, là sinh viên của một trường "trong nghề" về VSATTP nên biết rất rõ rủi ro mắc phải nhiều bệnh, dễ bị ngộ độc khi ăn thức ăn không rõ nguồn gốc và có phần "dễ dãi" trong công tác chế biến. "Dù biết vậy nhưng vì học tập không có thời gian tự nấu nên lúc nào cũng chọn cơm bụi. Bố mẹ liên tục gọi điện nhắc nhở em nhưng quen rồi không bỏ được. Hơn nữa, cơm bụi giá chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/dĩa nên hợp với túi tiền nhiều sinh viên", C.Q nói.

Trong chuyến khảo sát, chúng tôi ghé vào một quán cơm bụi trên địa bàn Q. Hải Châu (Đà Nẵng), đây được xem là quán ruột của sinh viên, người lao động khi hằng ngày có trên 500 dĩa cơm được bán ra. Theo quan sát, vấn đề VSATTP tại đây không được đảm bảo khi không tuân thủ đúng quy trình, chén dĩa không được cách ly với khu vệ sinh, nhếch nhác, chưa kể đến chất lượng thực phẩm. Chị A.N, chủ quán kể, việc bán với số lượng lớn nên công tác quản lý ở các khâu nhằm đảm bảo VSATTP là rất khó. Khi được hỏi về nguồn gốc thực phẩm, chị A.N thừa nhận vì giá mỗi dĩa cơm rẻ nên nguồn thực phẩm lấy vào cũng phải rẻ. Hằng ngày, chị bắt mối với những cơ sở cung cấp thực phẩm. Như thịt heo, chị thường lấy những loại thịt không tiêu thụ hết, quá buổi chợ hoặc thịt bị ngạt khí, bị bệnh sau đó dùng hóa chất để tẩy, giữ thịt được lâu. "Thịt heo có thể chế được nhiều món mà khách hàng lại thích. Biết thịt không đảm bảo chất lượng nên trong lúc chế biến mình cẩn thận một tí thì không sao cả", chị A.N nói. Ngoài ra, tất cả những nguồn thực phẩm ở các quán cơm bụi đều có "mẫu số chung" là lấy từ nhiều nguồn khác nhau và không có kê khai nguồn gốc rõ ràng.

 


Hầu hết các quán cơm bụi đều không gian nhỏ nhưng chứa tất cả các khâu từ rửa, chế biến đến thức ăn chín.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Đà Nẵng xác nhận, việc quản lý ở các quán cơm bụi vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và tiềm ẩn nhiều mối lo thực phẩm bẩn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. "Tất cả những quán cơm bụi đều không có chứng nhận về VSATTP mà chỉ có giấy cam kết kinh doanh và do phường quản lý. Thực tế đó khiến công tác quản lý gặp khó khi không có giấy phép kinh doanh dẫn đến ý thức chấp hành VSATTP của chủ quán là rất thấp", ông Tiến cho hay.
 

Cũng theo ông Tiến, các cơ sở đăng ký kinh doanh cơm bụi đăng ký kinh doanh tại phường để phường nắm danh sách và tổ chức kiểm tra, xử lý. Trong một năm, mỗi cơ sở kinh doanh sẽ được kiểm tra tối thiểu 1 lần và tối đa 4 lần. Trường hợp phát hiện những vi phạm sẽ tạm ngưng hoạt động và xử phạt hành chính. "Yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh cơm bụi phải theo quy trình một chiều. Nghĩa là từ khâu nhận thực phẩm, rửa, xử lý, chế biến… đến thực phẩm chín phải theo một chiều nhất định và không được chồng chéo, lặp lại. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vẫn vi phạm khi trong một không gian nhỏ nhưng chứa tất cả các khâu", ông Tiến cho biết.

Thiết nghĩ, để xây dựng chủ trương "thành phố 4 an", trong đó có VSATTP thì ngay bây giờ việc siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra xử lý những quán cơm bụi không đảm bảo chất lượng cần có sự vào cuộc, phối hợp mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị, cơ quan chức năng liên ngành và cộng đồng xã hội.

 

Phi Nông

Nguồn: cadn.com.vn

Sưu tầm: Tấn Tài P. KTSX

zalo

Đặt hàng online

zalo