Nên hay không nên khiêm tốn trong công việc?

 

Chắc hẳn chúng ta đều biết rằng khiêm tốn là một trong những tính cách, phẩm chất quý giá luôn được đề cao trong việc dẫn lối đến thành công. Tính khiêm tốn được khuyến khích phát huy trên con đường sự nghiệp và trong cuộc sống của mỗi người. Con người càng khiêm tốn thì càng được đánh giá cao. Khiêm tốn trong cuộc sống là tốt, nhưng liệu điều đó có phù hợp trong công việc hay không?

Khiêm tốn được thể hiện qua hành động, thái độ của bản thân một cách chừng mực, không kiêu căng, không khoe khoang về những gì mình có trước người khác và không cố tình thể hiện chiến tích mình đạt được. Chúng ta luôn tin rằng sự khiêm tốn và đức tính chăm chỉ là những công thức mặc định cho sự thành công của từng cá nhân. Những người khiêm tốn luôn tích cực, luôn lắng nghe, không ngừng học hỏi, tìm hiểu và cố gắng đạt được kết quả cao hơn trong công việc. Họ luôn có thái độ nhã nhặn, ứng xử văn minh, tôn trọng, tạo sự gần gũi, dễ hòa nhập, và do đó nhận được sự yêu thương từ mọi người xung quanh. Mỗi người chúng ta luôn mong ước được làm việc trong một môi trường hoàn hảo, nơi tất cả đồng nghiệp đều đối xử với nhau thân thiện, hòa đồng và hợp tác một cách công bằng, không ai cần sự tán dương từ cấp trên, hay khoe khoang thành tích của mình với những người đồng nghiệp khác. Chúng ta cũng không phải quá lo lắng về việc tự quảng cáo bản thân hoặc cảnh giác với những cuộc đấu đá ngầm trong công ty. Nhờ có tính khiêm tốn, mọi người xung quanh sẽ yêu mến ta và năng lực lãnh đạo trong chúng ta sẽ dần hình thành và phát triển.

Tuy nhiên, nếu để mọi thứ xảy ra theo tự nhiên và chúng ta không có sự tác động nào, đồng nghĩa rằng chúng ta đang tự vẽ ra cho mình một vòng tròn an toàn. Trong công việc, đôi lúc khiêm tốn quá mức sẽ gây nên sự bất lợi, khiến bản thân bị thiệt thòi hoặc thậm chí lỡ mất cơ hội phát triển sự nghiệp.

Tại sao chúng ta không nên khiêm tốn trong công việc? Hãy cùng tìm hiểu một số lý do sau đây:

1. Giá trị của bạn sẽ trở nên vô hình trong mắt người khác

Thông thường đối với những người khiêm tốn, họ đơn giản nghĩ rằng hành động sẽ nói lên tất cả. Cách nghĩ này trong cuộc sống hiện nay đã vô tình đánh mất đi những cơ hội may mắn mà họ có thể có được. Bạn có bao giờ nghĩ rằng, liệu có dễ dàng phát hiện được một vầng sáng nếu nó bị đứng giữa những tòa nhà cao lớn lấp lánh xung quanh? Những việc chúng ta làm cũng vậy, dù không mang tính khoe khoang nhưng nếu chúng ta không trình bày, mọi người sẽ không lắng nghe và không hiểu được. Vô tình những gì bạn đóng góp cho công ty sẽ không được ai biết đến. Bạn có cảm thấy buồn không khi đứa con tinh thần của mình bị lãng quên? Nhất là khi trong một môi trường mang tính cạnh tranh thì việc tự tin bộc lộ bản thân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn bước lên một tầm cao mới. Đôi khi, bạn cần sử dụng lời nói để tạo ra cơ hội thay vì chờ đợi để hành động.

2. Tự bản thân bạn cảm thấy giá trị mình đang ở đâu?

Bạn sẽ trả lời như thế nào nếu có ai đó hỏi bạn về điểm mạnh của mình hoặc một việc làm mà không ai có thể làm tốt bằng bạn trong công ty? Người khiêm tốn sẽ tránh trả lời những câu hỏi về chính bản thân mình mà nhường điều này cho người khác. Sự thật là khi quá khiêm tốn, chúng ta sẽ thu vào trong vỏ bọc của chính mình và không để ý đến những giá trị cốt lõi của bản thân. Đức tính khiêm tốn có thể khiến bạn dễ dàng hài lòng cuộc sống thực tại, thế nhưng lại không thể bộc lộ kỹ năng và giá trị riêng của mình. Lâu dần, bạn sẽ đánh mất đi niềm tin và sự tự tin của chính bản thân mình.

3. Không ai sinh ra đều có đức tính khiêm tốn, nó phải được hình thành qua trải nghiệm và quan sát từ cuộc sống.

Khiêm tốn là một đức tính mà chúng ta được dạy và nhận thức từ những người xung quanh. Đó là cách để bạn hòa nhập như một người bình thường trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu mong muốn trở thành một người thành công, bạn không thể chỉ dừng lại ở mức bình thường. Chúng ta cần học cách thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, bởi nếu không, chúng ta sẽ bị bỏ lại ở phía sau.

4. Tính khiêm tốn có tác động đến nguồn thu nhập cá nhân

Khi chúng ta đang thương lượng với khách hàng thì tính khiêm tốn cần được hạn chế một cách tối đa. Trong một cuộc đàm phán, bạn cần biết giá trị của bạn là gì và không nên sợ hãi hay lo lắng khi tranh đấu cho một ý kiến đúng. Và khi làm việc, chúng ta cũng thường nhìn thấy nhiều người chấp nhận mức lương thấp chỉ vì họ không dám nói lên yêu cầu của mình. Bạn có khả năng cao sẽ không đạt được những thứ tương xứng với năng lực của mình nếu như bạn quá rụt rè hoặc quá tự kiêu trong buổi phỏng vấn.

5. Quá khiêm tốn sẽ trở thành một điều kiện khiến người khác dễ dàng sai khiến bạn

Người khác sẽ lợi dụng bạn nếu bạn quá rụt rè và nhút nhát. Khi bạn đã làm xong phần việc của mình, họ sẽ tranh thủ nhờ vả bạn làm giúp những việc khác. Họ biết rằng bạn sẽ không từ chối hoặc phản ứng, và vô tình bạn trở thành “bậc thang” cho con đường phát triển của người khác. Họ sẽ không quan tâm đến những bậc thang đã bước qua, và chỉ việc đi tiếp cho tới khi lên đến đỉnh.

Vậy làm cách nào để có thể tránh được những điều trên? Chúng ta có thể áp dụng những phương pháp đơn giản như sau:

1. Hãy nói lên điều mà bạn muốn

Nếu bạn nghĩ bạn có khả năng hoàn thành được một nhiệm vụ nào đó, hãy cứ tự tin và nói cho sếp biết bạn có thể làm được.

2. Đừng chần chừ

Nhiều người luôn trì hoãn rất nhiều việc mình muốn làm chỉ vì nghĩ rằng thời gian chưa phù hợp. Đừng bao giờ chờ đợi! Thời gian hoàn hảo là khi bạn sẵn sàng đón nhận cơ hội. Hãy nắm lấy nó và biến nó thành hiện thực.

3. Hãy luôn tự tin

Hãy kể về những thành tựu bạn đã làm được với một phong thái đầy tự tin! Bạn sẽ được công nhận là một người nhân viên chuyên nghiệp khi bạn thật sự tự tin thể hiện kiến thức của mình.

4. Đừng tỏ ra khinh thường người khác

Tự tin không có nghĩa là ngạo mạn. Khi nói lên ý kiến của mình, chúng ta cũng phải tôn trọng quan điểm của người khác. Điều này sẽ trở thành “điểm cộng” và khiến mọi người trân trọng bạn hơn.

Bài viết này không nhằm mục đích đánh giá thấp tầm quan trọng của sự khiêm tốn. Thực tế, đó là vũ khí vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Sự khiêm tốn, tự tin và trung thực là các tính cách cần có ở mỗi người vì chúng bổ sung cho nhau. Chúng ta cần một ít khiêm tốn trong “sự tự kiêu” và một ít “tự kiêu” trong sự khiêm tốn. Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách cân bằng hai tính cách này sao cho vừa phải và thể hiện một cách hợp lý trong những hoàn cảnh khác nhau.

 

Nguồn: bantin.pecc2.com

Sưu Tầm: Trần Vũ – P. BKS

zalo

Đặt hàng online

zalo