Câu chuyện công nghệ thông tin

 

Chiếc máy tính cá nhân tiện dụng giờ đây của bạn là sự kết hợp vô vàn những nỗ lực không ngừng nghỉ của các chuyên gia máy tính tài năng. Chúng ta sẽ bắt đầu chuyến “du hành” qua thế giới rộng lớn của Công nghệ thông tin với một vài câu chuyện nổi tiếng về những sáng tạo tuyệt vời trong lĩnh vực này.

 

Những tiên đoán thú vị

Cho đến giờ, sự phát triển của Công nghệ thông tin luôn là điều gì đó vượt qua sức tưởng tượng của con người, ngay cả các chuyên gia hàng đầu trong chính lĩnh vực này.

Trước khi máy tính cá nhân ra đời, Thomas Watson, chủ tịch hãng IBM đã nói về những chiếc máy tính to cồng kềnh vào năm 1943:

“Tôi nghĩ rằng thị trường máy điện toán trên thế giới cũng chỉ tiêu thụ đến năm chiếc là cùng”.

Một biên tập chính của nhà xuất bản nổi tiếng Prentice Hall nhận xét vào năm 1957:

“Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng xử lý dữ liệu bằng máy tính chỉ là cái mốt nhất thời sẽ không tồn tại được đến sang năm”.

Năm 1984, một người đã nói về bộ nhớ trong của máy tính:

“640k là quá đủ cho bất cứ ai, và nhân tiện, mạng máy tính là cái gì vậy?”.

Bạn có biết đó là ai không?

William Gate III, chủ tịch tập đoàn Microsoft hay vẫn được mọi người quen gọi là Bill Gate.

Còn rất nhiều những tiên đoán thú vị như vậy. Giờ chúng ta sẽ đến với một trong những người đã góp phần đem lại sự phát triển kỳ diệu của công nghệ thông tin.

 

Người sáng lập World Wide Web (WWW)

WWW, 3 chữ W đã trở nên quen thuộc với chúng ta là phát kiến vĩ đại của một kỹ sư vật lý người Anh từ cách đây đã hơn 20 năm. Hồi đó, khó ai đoán được chàng trai trẻ Timothy Berners-Lee sẽ làm sản sinh kỷ nguyên tin học mới mang tên World Wide Web?

Năm 1980, Berners-Lee làm việc cho CERN - phòng thí nghiệm vật lý hạt của châu Âu tại Geneva. Ông đã xây dựng một hệ thống giúp các nhà vật lý khắp nơi có thể sử dụng tài liệu của nhau. Quan trọng nhất, ông thêm vào khả năng kết nối đa phương tiện (multimedia), biến những con chữ tẻ nhạt thành một thế giới hình ảnh và âm thanh sống động, được lưu trữ ở những chỗ khác nhau, kết nối bởi các siêu liên kết (hyperlink) trong trang Web.

Ngôn ngữ HTML (Hypertext Markup Language), ngôn ngữ xử lý siêu văn bản được Berners-Lee tạo ra sau đó. Ông cũng xây dựng máy chủ Web đầu tiên trên thế giới và phát triển chương trình duyệt Web đầu tiên vào tháng 11 năm 1990.

Phát kiến của Berners-Lee được công nhận và sử dụng từ đầu thập niên 1990 tới tận ngày nay. Nó đã mang lại cho thế giới mạng sự trật tự và rõ ràng, đẩy mạnh khả năng phát triển của Web song hành với Internet. Chỉ trong vòng 5 năm, số lượng người sử dụng nhảy vọt từ 600 ngàn lên 4 triệu. Và hiện nay có khoảng 1 triệu Website mới ra đời mỗi tháng.

Ngày 17-7-2004, Berners-Lee được nữ hoàng Anh tấn phong hiệp sĩ với tước hầu nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho sự phát triển toàn cầu của Internet.

Ngày nay, một số ngôn ngữ xử lý siêu văn bản như XML (eXtensible Markup Language), WML (Wireless Markup Language) sử dụng cho mạng không dây ra đời, từng bước phát triển và thay thế HTML.

Những bước khởi đầu của Berners-Lee, người bước vào ngành Công nghệ thông tin với tư cách một nhà vật lý, sẽ luôn được ghi nhận như cố gắng quan trọng trong việc kết nối thế giới hỗn độn các thành phần thông tin thành những trang Web tiện dụng, nơi các bạn có thể biết được mọi thứ chỉ bằng vài cú “nhấp” chuột.

 

Chân trời rộng mở cho Công nghệ thông tin Việt Nam

Đầu năm 2004, các doanh nghiệp Nhật Bản xếp Việt Nam là quốc gia ưu tiên số một trong lĩnh vực đầu tư phát triển Công nghệ thông tin. Đây là một bằng chứng cho thấy sự phát triển đầy tiềm năng của Công nghệ thông tin nước ta.

Tháng 8 - 2004, Bộ Y tế công nhận phần mềm Medisoft 2003 của bác sĩ Vũ Mạnh Tiến, người đến với tin học ban đầu hoàn toàn nghiệp dư. Tuần tin Echip, một tuần tin với mục đích phổ biến Công nghệ thông tin đã trao biểu trưng Hiệp sĩ Công nghệ thông tin cho những người có sản phẩm, giải pháp phần mềm miễn phí để phục vụ cộng đồng, cũng như hỗ trợ đồng bào trong việc nắm bắt cũng như làm chủ Công nghệ thông tin trong cuộc sống và lao động.

Chúng ta cũng đã có những phần mềm diệt Virus như BKAV của Nguyễn Tử Quảng và D32 của Trương Minh Nhật Quang... Những phần mềm giúp sử dụng tiếng Việt trên máy tính như bộ gõ Vietkey, bộ gõ Unikey, bộ gõ tiếng dân tộc của kỹ sư Trương Đình Tú... đang được nhiều người sử dụng và hiện hữu như những cố gắng nhằm đưa Công nghệ thông tin đến với mọi người dân.

Trên đây chỉ là vài khái quát đơn sơ về những con người nổi tiếng, sáng tạo ra vô vàn điều có ích cho cuộc sống với Công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, còn bao nghiên cứu thầm lặng, miệt mài và cả thất bại đã là nguồn động lực đáng giá cho thành công trong tương lai.

Bạn, thanh niên Việt Nam, hãy tin rằng mình có đủ sáng tạo, kiên trì và nghị lực để bước vào thế giới Công nghệ thông tin, tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống, trở thành “hiệp sĩ” trong lòng mọi người.

Nguồn: sites.google.com

Sưu tầm: Diệu Niệm – P. PTKD

zalo

Đặt hàng online

zalo