"Phe phái" nơi công sở và câu chuyện người ở giữa

 

Trong công sở không thiếu những người ngang tài ngang sức. Làm việc bên cạnh họ, vừa là may mắn, vừa như cưỡi lên lưng cọp

Giỏi cũng khiến người ta mệt mỏi

Được làm việc chung với những người giỏi, có tài năng và nhiệt huyết  thì thật là may mắn. Người đó có thể là sếp trực tiếp làm việc với bạn,  có thể đơn giản là đồng nghiệp của bạn. Nó giúp bạn phát triển những kĩ  năng, có thêm kinh nghiệm chuyên môn và nghiệp vụ. Thế nhưng nếu chẳng  may lại rơi vào những cuộc tranh giành hơn thua, đấu trí của họ, thì nó  sẽ khiến bạn vô cùng mệt mỏi. Không chỉ thế, nếu cư xử thiếu khéo léo,  thì bạn chính là nạn nhân đứng giữa.

Nhiều tháng nay, Đức Trung (phó phòng công nghệ của công ty phần mềm X)  như ngồi trong đống lửa. Chuyện là anh bị rơi vào hoàn cảnh éo le khi  đứng giữa cuộc đấu trí và giành quyền lực của hai sếp trên. Cứ người này  bảo A thì người kia bảo B. Làm A cũng tốt, B cũng tốt, nên anh rất khó  lựa chọn. Sợ làm theo người này thì phật lòng người kia, Trung bị rối  trí. Nhiều việc, quan điểm hai sếp đưa ra khác nhau rõ rệt, anh không  muốn làm mất lòng ai, nhưng cứ tiếp tục kiểu này, Trung nghĩ mình cũng  khó mà làm việc lâu dài được.

Đau khổ khi bạn đứng ở phe khác phái. (Ảnh minh họa)

Không chỉ thế, Trung khá mệt mỏi khi ông bảo thế này, bà bảo thế  nọ. Cứ làm theo ý người này thì người kia bắt sửa và ngược lại. Chẳng  ít lần Trung còn bị mắng oan vì không thực hiện đúng theo ý của cấp  trên. Nhiều khi anh nỗ lực làm việc ngày đêm cũng không hết việc. Lí do  bởi mỗi sếp có một cách làm khác nhau, là cấp dưới, cố chiều theo hai  hướng thể nào mà chẳng... “đuối”. Đó là chưa kể những lần hai sếp bất  đồng ý kiến rồi xung đột, người lãnh hậu quả sau đó không ai khác chính  là anh.

Chuyện một nhà hai chủ, một nước hai vua là rất thường thấy. Nếu một  trong hai cùng chung hướng thì còn đỡ. Thỉnh thoảng gặp những trường hợp  đau đầu kiểu cả hai cùng có tài, cùng vì công việc nhưng hướng đi khác  nhau. Nhiều cuộc đấu trí vẫn cứ diễn ra, dù bên ngoài vẫn êm ấm thuận  hòa như không có gì. Lúc ấy, nhân viên cấp dưới không khôn khéo, tinh tế  nhận ra sẽ là người lãnh hậu quả nhiều nhất.

Đấu nhau, nạn nhân cũng khổ

Không chỉ các sếp đấu nhau, trong công việc, đôi khi chính những người  bạn đồng nghiệp bất đồng quan điểm vẫn cứ đấu đá. Số khác phải nhắc đến  những cuộc tranh tài, thi đua giành ngôi vị của những nhân viên xuất sắc  trong phòng. Hiển nhiên, đằng sau những cuộc đấu công bằng, luôn luôn  có những lời bàn tán, nói qua nói lại rồi sinh hiềm khích.

Văn Minh và Thanh Thúy là hai nhân viên giỏi của phòng kinh doanh công  ty X. Vốn có năng lực, cả hai luôn là đối thủ nặng kí dành ngôi vị chủ  soái của nhau. Tuy tranh đấu, nhưng cả hai đều làm việc minh bạch, không  chơi xấu. Khổ chủ thì thế, nhưng đôi khi sự tranh đấu của cả hai khiến  cho đồng nghiệp chia thành hai phe rõ rệt. Rồi thêm chuyện người nói  qua, kẻ nói lại, gây hiểu lầm xích mích cho cả hai bên.

Gần nhất, Minh bị “đau đầu” khi biết Thúy hiểu lầm mình nói xấu cách  làm việc của Thúy. Chuyện là có lần anh bạn đồng nghiệp cùng phòng bảo  anh “phân tích công việc”, anh trình bày và rồi cuối cùng đến tai của  Thúy lại thành “Minh nó chê em làm việc thế không hiệu quả. Nó bày ra  cách A, B,C, D hay hơn”.

Ngược lại, thỉnh thoảng Minh cũng có chút không vui khi nghe chuyện Thúy  nói về cách làm việc của mình. Nhưng vì chỉ là lời bàn qua, tán lại,  không có căn cứ và không muốn to chuyện, dù không vui, Minh cũng chẳng  muốn nói gì nhiều.

Đấu đá nhau trong công việc, thường khiến người ta bất đồng ý kiến với  nhau. Do đó, khi gặp vấn đề khúc mắc, họ khó mà có thể trao đổi lại với  nhau. Khi đó, nếu gặp phải những dị nghị, bàn ra, tán vào từ bên ngoại,  họ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn lớn. Lúc bấy giờ thì nạn nhân cũng mệt, mà  những người xung quanh cũng sẽ bị ảnh hưởng lây.

Nếu là người trong cuộc, và đang trong tình trạng này, thì bạn nên hạn  chế và tránh những hiểu lầm ngoài ý muốn. Cụ thể là không để việc nói  qua nói lại làm xấu mối quan hệ của bạn. Còn nếu là người đứng giữa, thì  bạn nên làm rõ quan điểm làm việc của mình. Trình bày thảo luận khi cả  hai bên cùng có mặt, như thế sẽ tránh được chuyện phật lòng hay trách  móc sau lưng đấy!


Nguồn: plo.vn

Sưu tầm: Lan Hương – P.Kế toán

zalo

Đặt hàng online

zalo