10 loại thực phẩm tốt nhất cho sức khỏe

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau của các nhà khoa học Bắc Mỹ và Tây âu, các loại thực phẩm sau đây được xem là tốt nhất cho sức khỏe.

1. Táo: có tính chống oxy hóa cực mạnh, tức là phá hủy các gốc tự do, tiêu diệt các chất độc được sản sinh ra trong cơ thể, các chất này làm gia tăng quá trình lão hóa và gây nên một số bệnh tật. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng chất chống oxy hóa trong táo - polyphenols - có thể kéo dài tuổi thọ của động vật thí nghiệm. Nghiên cứu trên các loài ruồi đục trái cho thấy chất polyphenol có trong táo giúp chúng gìn giữ được khả năng sinh tồn. Phụ nữ ở tuổi trưởng thành ăn táo đều đặn mỗi ngày đã giảm 13 - 22% nguy cơ mắc bệnh tim.

 

2. Hạnh nhân: các hạt hạnh nhân rất giàu dinh dưỡng, chúng chứa sắt, canxi, vitamin E, riboflavin, magiê, chất xơ. Axít béo trong hạt hạnh nhân là axít béo không bão hòa. Riêng chất xơ trong hạt hạnh nhân là cao nhất trong bất kỳ loại hạt nào khác. Chính vì thế hạt hạnh nhân giúp duy trì nồng độ cholesterol máu ở mức bình thường và một trái tim khỏe mạnh.

 

3. Bông cải xanh: giàu chất xơ, vitamin C, folat, kali, canxi, betacarotene, và các chất dinh dưỡng thực vật, là những chất làm giảm nguy cơ phát sinh bệnh tim, đái tháo đường. Nấu bông cải xanh quá lâu làm phá hủy các chất dinh dưỡng nêu trên. Chẳng hạn làm hỏng chất myrosinase (chất này làm giảm nguy cơ phát triển ung thư). Vì vậy, cách tốt nhất để gìn giữ các chất dinh dưỡng có lợi trong bông cải xanh là hấp ở nhiệt độ thấp. Một chất khác có tên là sulforaphane hiện diện trong bông cải xanh có hoạt tính kháng viêm, chống ung thư, nhưng chất này cũng bị phá hủy khi nấu kỹ.

 

4. Việt quất: theo một nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) thì những người già ăn nhiều quả việt quất (và quả dâu tây) sẽ ít có khả năng bị suy giảm nhận thức so với người cùng tuổi. Dùng quả việt quất đều đặn sẽ làm giảm nguy cơ bị cao huyết áp khoảng 10% nhờ hợp chất có hoạt tính sinh học có tên là anthocyanins. Việt quất còn giúp làm giảm nguy cơ xơ cứng động mạch, các bệnh đường ruột, giảm béo phì. Thí nghiệm trên động vật cho thấy xương chắc hơn.

 

5. Dầu cá: trong phần nạc của các loại cá như: cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm chứa đến 30% dầu, đặc biệt là axít béo omega-3 rất có lợi cho tim và hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, dầu cá còn làm giảm tình trạng viêm như viêm khớp. Một bữa ăn ít mỡ kèm các chế phẩm từ dầu cá làm giảm sự tiến triển của ung thư tiền liệt tuyến.

 

6. Các loại rau có lá màu xanh đậm: ăn nhiều các loại rau có lá màu xanh đậm như: rau bina, bắp cải làm giảm đáng kể nguy cơ bị đái tháo đường týp 2, theo các nhà khoa học tại Đại học Leicester (Anh). Ví dụ: rau bina rất giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt khi không nấu, khi hấp, hoặc khi đun sôi nhỏ lửa. Rau bina còn chứa rất nhiều vitamin A, B6, C, E, K, selen, niacin, kẽm, photpho, đồng, axít folic, kali, sắt và canxi.

 

7. Khoai tây: chứa nhiều chất xơ, betacarotene, carbohydrates, vitamin C, B6. Khi so sánh về hàm lượng vitamin A, C, sắt, canxi, protein, carbohydrates thì khoai tây được xếp hạng nhất so với các loại khoai khác.

 

8. Mầm lúa mì: chứa nhiều chất dinh dưỡng như là vitamin E, axít folic, thiamin, kẽm, manhe, photpho, các axít béo thiết yếu, chất xơ rất tốt cho sức khỏe.

 

9. Quả bơ: 75% năng lượng trong quả bơ chủ yếu là chất béo đơn bão hòa,không phải cholesterol.Quả bơ chứa nhiều chất xơ bao gồm 25% chất xơ hòa tan và 75% chất xơ không hòa tan, nhờ vậy làm giảm cholesterol máu.Ngoài ra, quả bơ chứa kali hơn 35% so với chuối, giàu vitamin nhóm B, K, E.Theo các nhà khoa học tại đại học Ohio (Mỹ) thì quả bơ có khả năng loại trừ ung thư miệng, phá hủy một số tế bào tiền ung thư khác.

 

10. Yến mạch: giàu vitamin E, axít béo omega-3, folate, kali, chất xơ, carbohydrate. Ăn một chén cháo yến mạch hàng ngày sẽ làm giảm cholesterol máu. Ngoài ra, yến mạch còn làm bình ổn lượng đường máu.

 

Nguồn: vfa.gov.vn

Sưu tầm: Văn Phát - Tổ kỹ thuật

zalo

Đặt hàng online

zalo